Cần sự phối hợp đồng bộ
EmailPrintAa
14:48 21/03/2012

Từ nhiều năm nay, chống tham nhũng, lãng phí được coi là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước. Khi chủ trương đưa ra, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Ðộng thái đó chứng tỏ chống tham nhũng, lãng phí là việc cần những giải pháp kịp thời. Thực tế thời gian qua, nhiều giải pháp được các cấp chính quyền, đoàn thể áp dụng theo chức năng, nhiệm vụ đạt những kết quả nhất định. Ðơn cử, dự án "treo" trong xây dựng cơ bản có chiều hướng giảm dần. Thực hiện đầu tư không dàn trải, những dự án thiếu khả thi phải tạm ngừng. Tình hình thực hiện quy định về chế độ xe công được chấn chỉnh...
Tuy nhiên, "cuộc chiến" chống tham nhũng, lãng phí chưa thể nói là lạc quan, nhất là trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Người có tinh thần "xả thân" vạch mặt kẻ tham nhũng thường không được bảo vệ, thậm chí còn bị đe dọa, trả thù. Ðó là lý do chính khiến họ nhụt ý chí tố cáo, vạch mặt tham nhũng. Có thể coi đây là "mặt trận": còn cam go cần những giải pháp quyết liệt hơn mới mong đạt hiệu quả. Về tình trạng lãng phí ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đây đó, còn nhiều bất cập. Như chợ xây xong tiền tỷ, nhưng không hoạt động. Có hội nghị, hội thảo chi phí số tiền không nhỏ cho các tham luận, đề tài, tổ chức, song không được vận dụng vào thực tế, dẫn đến hiệu quả rất thấp. Trong giáo dục - đào tạo xảy ra tình trạng đào tạo xong không sử dụng được do trái ngành nghề hoặc chất lượng thấp, lại đào tạo tiếp. Quy hoạch thiếu khoa học, gây tốn kém năm này sang năm khác.
Vì thế, để chống tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả hơn nữa, theo chúng tôi cần hướng tới những giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có biện pháp tốt nhất bảo vệ quyền lợi (kể cả tính mạng) cho người phát hiện, đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng. Nếu cơ quan pháp luật e ngại, né tránh, không bảo vệ được người chống tham nhũng thì tệ nạn ngày càng khó kiểm soát.
Thứ hai, cấp chính quyền, ngành chức năng với quyền hạn của mình cần rà soát mức độ lãng phí trong các vụ việc ở địa phương, đơn vị. Từ phát hiện đến xem xét, kết luận, khi đã rõ ràng, cần xử lý nghiêm theo pháp luật. Lãng phí có thể nhỏ nhưng "góp gió thành bão" cũng trở thành lớn lại kéo dài nhiều năm, tốn kém tiền của không ít.
Thứ ba, vai trò của phương tiện truyền thông là rất lớn. Sự tác động của truyền thông trong việc công khai, minh bạch, tạo dư luận chống tệ tham nhũng, lãng phí cần được lan tỏa sâu rộng.

    Ý kiến bạn đọc