Sáng nay, tại Nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hai bên cần tăng cường xây dựng, triển khai chương trình hoạt động giám sát, chú trọng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân.
Theo Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh, có 5 nội dung được hai cơ quan phối hợp tổ chức như: công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân. Đặc biệt, trong công tác phối hợp giám sát, từ năm 2003 đến năm 2016, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao 23 chuyên đề, Uỷ ban Thường vụ giám sát 25 chuyên đề.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị, góp ý về nội dung chương trình giám sát của Quốc hội như công tác phòng chống tham nhũng, công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La, việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước, tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước….
Cho ý kiến vào kết quả thực hiện trong 15 năm qua, đa số các đại biểu đánh giá, công tác phối hợp giữa hai bên được thực hiện có hiệu quả, thực chất. Tuy vậy, bên cạnh mặt đạt được, vẫn còn những bất cập như việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết chưa thực hiện thường xuyên; việc giới thiệu, hiệp thương lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội chưa chặt chẽ, còn để lọt đại biểu vi phạm tiêu chuẩn quy định.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, công tác phối hợp tiếp xúc cử tri giữa hai cơ quan vẫn còn hình thức, chưa sâu sát. Tuy số lần tiếp xúc cử tri đã được cố định 1 năm 4 lần. Nhưng theo ông Hiển, như vậy vẫn chưa đủ. Bên cạnh đó, nội dung tiếp xúc vẫn còn chung chung.
"Tôi nghĩ rằng, cái này hơi ít, đó là tiếp xúc theo chuyên đề thì chúng ta chưa làm được. Còn nội dung tiếp xúc thì nhiều khi cử tri lại đề xuất những vấn đề hết sức cụ thể ở địa phương, chứ còn những vấn đề tầm chính sách, vĩ mô thì rất ít. Vì vậy chúng ta cần phải có những tiếp xúc chuyên đề thông qua hình thức lấy ý kiến của nhân dân và có những tuyên truyền về hệ thống pháp luật cho cử tri qua đối thoại, tuyên truyền về hệ thống phát luật, để từ đó cử tri hiểu và phản ánh những vấn đề pháp luật còn bất cập. Theo tôi cần phải đổi mới như vậy"- ông Phùng Quốc Hiển phân tích.
Dưới góc độ khác, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho ý kiến về công tác giám sát. Ông Kim cho rằng, nếu công tác giám sát làm tốt bao nhiêu thì người dân sẽ có lợi bấy nhiêu. Trên thực tế, công tác giám sát đã được luật hóa và phát huy vai trò nhân dân làm chủ trong quản lý nhà nước, xã hội. Nhưng vẫn có điều chưa thực hiện tốt:
"Ở đây có một điểm mà chúng ta đã bỏ qua, đó là chỉ chú trọng giám sát tập thể, nhưng chưa chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân khi bị xâm phạm. Trước đây, Quốc hội và Mặt trận đã phối hợp làm được vụ Nông trường Sông Hậu liên quan đến bà Trần Thị Sương là việc tốt trong hoạt động giám sát mà hai bên phối hợp chặt chẽ. Hay vụ ông Đoàn Văn Vươn, làm cho các cơ quan tư pháp, chính quyền xem xét lại thế nào là công dân và thế nào là tư pháp. Đi vào chiều sâu như thế, người dân sẽ thấy thiết thực quyền của họ, lợi ích của họ được bảo vệ như thế nào"- ông Vũ Trọng Kim nêu ý kiến.
Để khắc phục những bất cập hiện nay, theo ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy mạnh các cuộc vận động; phối hợp chặt chẽ với Quốc hội trong việc xây dựng luật, pháp lệnh để phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, thực hiện tốt chức năng giám sát việc thực hiện chất vấn của các thành viên Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trước những yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, hai cơ quan cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Trong đó tập trung vào việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, phát huy mọi khả năng sáng tạo và thu hút nguồn lực của Nhân dân để phát triển đất nước; đổi mới, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; tích cực, chủ động tham gia ý kiến và phản biện xã hội đối với các dự án luật quan trọng; tăng cường xây dựng, triển khai chương trình hoạt động giám sát, chú trọng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân; chỉ đạo, hướng dẫn việc chuẩn bị, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm khách quan, dân chủ, thận trọng, đúng quy định của pháp luật.
"Tôi đề nghị hai cơ quan chú trọng phối hợp hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, trong đó lưu ý phối hợp xây dựng một số dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước, như: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục…; sửa đổi Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; tích cực phối hợp trong công tác chuẩn bị để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) theo quy định của pháp luật" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã ký kết Quy chế phối hợp công tác (sửa đổi) của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam./.
Nguồn: vov.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)