Thẻ căn cước sẽ thay thế CMND, trong đó có ghi số định danh cá nhân IP được cấp sử dụng trọn đời. Chiều 4-6, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã trình dự thảo Luật Căn cước công dân (CCCD) trước Quốc hội.
Cấp thẻ căn cước, bỏ sổ hộ khẩu
Thẻ CCCD (thay thế cho tên gọi CMND hiện nay) là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân VN. Thẻ này do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu CCCD, được cấp cho công dân ngay từ khi làm thủ tục khai sinh.
Trên thẻ CCCD có thông tin về nơi thường trú của công dân. Do đó, sau khi hoàn thành đầy đủ cơ sở dữ liệu về công dân thì sẽ bỏ sổ hộ khẩu. Các thông tin (họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc...) được tích hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vậy nên khi thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân thì chỉ cần sử dụng thẻ CCCD mà không cần phải sử dụng kèm một số giấy tờ khác, giúp các cơ quan, tổ chức dễ dàng kiểm tra thông tin, giải quyết tốt hơn yêu cầu của công dân.
Trước đây số CMND sẽ thay đổi khi công dân di chuyển nơi thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác nên rất khó quản lý và có thể trùng lặp. Nay dự thảo Luật CCCD quy định số định danh cá nhân (IP) được sử dụng làm số thẻ CCCD. Mỗi người chỉ có duy nhất một số IP - duy nhất một số thẻ CCCD được cấp sử dụng trọn đời từ khi đăng ký khai sinh cho đến lúc khai tử, không thể thay đổi kể cả những trường hợp di chuyển cư trú từ vùng này sang vùng khác, cấp đổi, cấp lại thẻ CCCD. Số IP chính là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc.
Giảm 46 thủ tục hộ tịch còn 25
Cùng ngày, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình dự án Luật Hộ tịch. Theo dự thảo, thủ tục đăng ký hộ tịch sẽ giảm từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục. Người đi đăng ký hộ tịch chỉ cần nộp đơn yêu cầu đăng ký hộ tịch và xuất trình thẻ CCCD (có số IP) mà không phải nộp kèm nhiều loại giấy tờ CMND, hộ khẩu...
Khi đăng ký khai sinh, công chức tư pháp - hộ tịch sẽ cập nhật nội dung đăng ký khai sinh vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý để lấy số IP ghi vào sổ hộ tịch và giấy khai sinh.
Dự thảo Luật Hộ tịch được Ủy ban Pháp luật của QH thẩm tra, đồng ý nhiều nội dung và được đánh giá có tính đột phá, đổi mới công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại (áp dụng số IP và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử...) tạo thuận lợi cho người dân, từng bước giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)