Chất vấn trong Đảng đặt ra như là tất yếu, bởi mọi hoạt động của Đảng về cơ bản phải được làm rõ trong tổ chức để đảng viên thông suốt tư tưởng, thống nhất hành động, có thế chủ trương của Đảng mới thành hiện thực. Yêu cầu là vậy nhưng quy chế chất vấn trong Đảng chưa phản ảnh đúng tinh thần đó, vì vậy, cần có giải pháp để duy trì chất vấn có hiệu quả trong tổ chức và sinh hoạt đảng, đáp ứng những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Chất vấn trong Đảng không phải là vấn đề mới, đảng viên chất vấn trực tiếp trong sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ định kỳ là yêu cầu cần thiết để thực thi dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng, vì thế tính giáo dục, tính lãnh đạo và tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng được phát huy.
Những năm gần đây, nhất là sau khi có quy chế chất vấn trong Đảng của Bộ Chính trị, hoạt động của Đảng dân chủ hơn, nhờ đó đã tập hợp rộng rãi lực lượng vật chất, tinh thần trong Đảng và ngoài xã hội, tạo nội lực to lớn đáp ứng mục tiêu phát triển đất nước.
Thực hiện quy chế chất vấn nhằm tạo sự đồng thuận trong Đảng, nâng cao chất lượng công tác xây dựng đảng, nhưng do nhiều yếu tố tác động nên hiện nay trong sinh hoạt đảng nói chung, nhất là sinh hoạt chi bộ, đảng bộ và cấp ủy cơ sở thì quy chế này vẫn chưa thực hiện một cách thường xuyên. Thành viên dự sinh hoạt đảng chủ yếu nghe cử tọa báo cáo, tuyên truyền, phổ biến, rất hiếm khi có đảng viên chất vấn những vấn đề liên quan đến nội dung sinh hoạt và hoạt động của Đảng. Có chăng là một số rất ít ý kiến tham gia bổ sung vài nội dung cấp ủy, chủ trì cuộc họp đã chuẩn bị nên chất lượng sinh hoạt, hoạt động của nhiều tổ chức đảng chưa đáp ứng yêu cầu. Và như thế nghị quyết của Đảng thường theo khuôn mẫu nên sau cuộc họp, công tác đảng vẫn chưa tiến triển như mong muốn. Tình trạng ngại chất vấn, thích nói, nghe một chiều trong sinh hoạt đảng như thế đã trở thành phổ biến, hạn chế này có phần do nhận thức của đảng viên, nhưng nguyên nhân cơ bản là do bản lĩnh chính trị, tính đảng của đảng viên, trong đó có cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo. Đây là vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.
Người đứng đầu tổ chức đảng các cấp, trực tiếp là cấp ủy phải thường xuyên phổ biến cho đảng viên nhận thức rõ mục đích, yêu cầu, nội dung và phương pháp chất vấn, trả lời chất vấn trong Đảng được quy định tại Quyết định số 158-QĐ/TW, ngày 12-5-2008 của Bộ Chính trị. Cấp ủy cơ sở chú trọng nâng cao kiến thức, thông tin nhiều mặt cho cán bộ, đảng viên, trước hết là các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ chính trị của đơn vị và trách nhiệm của đảng viên. Cần làm cho đảng viên thấy được muốn chất vấn trong Đảng có hiệu quả, phải phát huy dân chủ, nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng là yêu cầu có tính cấp thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Ngoài ra, phải động viên tinh thần tự nghiên cứu, học tập của đảng viên để hiểu sâu về nhiệm vụ được phân công và biết nhiều việc có liên quan. Đồng thời cấp ủy, người đứng đầu đơn vị luôn biết lắng nghe và hiểu những suy nghĩ, tâm tư, đề xuất của đảng viên. Những chất vấn đúng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cần phải nghiên cứu, thực hiện, nếu chưa được phải có lý do xác đáng. Biết lắng nghe, tiếp thu và trả lời chất vấn của đảng viên trong sinh hoạt đảng một cách nghiêm túc là góp phần nâng cao nhận thức cho đảng viên và đưa quy chế chất vấn trong Đảng trở thành hoạt động thường xuyên, có hiệu quả trong sinh hoạt đảng.
Nâng cao nhận thức là quan trọng nhưng nếu không có bản lĩnh chính trị và tính chiến đấu thì chất vấn trong Đảng vẫn chưa đạt yêu cầu. Muốn chất vấn trong Đảng tốt, phải lấy mục tiêu của Đảng, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị để hỏi và trả lời, có vậy mới làm rõ, bổ sung, hoàn chỉnh phương hướng, giải pháp và thống nhất cách thức hoạt động. Chất vấn còn để cho đảng viên nhận ra cái tốt, cái chưa tốt, trên cơ sở đó nội bộ đảng hiểu nhau hơn, cùng nhau tạo ra những động lực cho sự phát triển.
Đảng viên chất vấn cũng như đảng viên có trách nhiệm trả lời chất vấn đều phải căn cứ vào cái chung để hỏi và giải đáp đúng người, đúng việc với tinh thần xây dựng, cả hai bên cùng hướng đến mục tiêu là làm cho tổ chức đảng ngày càng mạnh hơn. Vì vậy, phải thân ái, thấu tình đạt lý, cầu thị. Mọi đảng viên, trước hết là bí thư cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải thấy rõ, chất vấn trong sinh hoạt đảng chính là yêu cầu tự thân của sự phát triển. Đặc biệt, tổ chức đảng, đảng viên được chất vấn nên có tư tưởng cầu tiến, không thành kiến, hẹp hòi, phải hết sức khách quan với nội dung đặt ra và hiểu chủ thể chất vấn. Chỉ có thái độ chân thành mới động viên đảng viên và cấp dưới tích cực chất vấn.
Để chất vấn trong Đảng đạt yêu cầu và duy trì thường xuyên, cần những yếu tố liên quan đến nhận thức và điều kiện thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy dân chủ một cách thực sự, và dân chủ đi đến tập trung mới đạt mục tiêu, tránh dân chủ hình thức và cực đoan. Ngoài ra, cần nghiên cứu cách sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, chi bộ trong giai đoạn hiện nay nên tiến hành theo phương pháp đối thoại giữa người điều hành với các thành viên tham gia sinh hoạt đảng. Trong sinh hoạt, vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, nếu cần, phải biểu quyết, theo đa số để trở thành nghị quyết và có biện pháp thực hiện.
Để duy trì nền nếp, chất lượng chất vấn trong Đảng, tổ chức đảng các cấp cần sơ kết Quyết định số 158 của Bộ Chính trị, nhằm quán triệt sâu sắc hơn, đặc biệt là tổ chức thực hiện, đề ra biện khắc phục trong thời gian tới. Từ tình hình cụ thể của tổ chức đảng, cấp ủy xây dựng quy chế và biện pháp tối ưu để nâng cao chất lượng chất vấn trong Đảng.
Trong điều kiện hiện nay, nên đưa tiêu chí thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng để đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức đảng hằng năm. Những nơi trong sinh hoạt đảng thực hiện tốt quy chế chất vấn, tạo sự đoàn kết thống nhất và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì tổ chức cấp trên nên biểu dương, khen thưởng kịp thời, còn tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ lãnh đạo có dư luận không tốt, đảng viên ở đó biết nhưng không chất vấn, làm rõ thì tổ chức đảng đó không thể coi là trong sạch, vững mạnh và đảng viên là cán bộ lãnh đạo đó không xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ và cấp có thẩm quyền cương quyết không đề bạt, cất nhắc những đảng viên là cán bộ lãnh đạo không thực hiện tốt quy chế chất vấn trong Đảng.
Chất vấn trong Đảng đã được đặt ra rất cụ thể, với yêu cầu Đảng ta thật dân chủ và vững mạnh, nhưng thời gian qua hỏi và trả lời trong sinh hoạt đảng chưa nhiều, còn hình thức, hiệu quả thấp. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tùy từng cấp bộ đảng, trực tiếp là chi ủy cần phải có cách làm tốt nhất để động viên đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm chất vấn trong Đảng, qua đó nâng cao tính chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ lãnh đạo.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)