Cháy chợ Quảng Ngãi đã được cảnh báo
EmailPrintAa
15:53 13/02/2012

Bất chấp phản đối của tiểu thương, cảnh báo từ công an, chính quyền vẫn quyết làm chợ tạm bao quanh chợ Quảng Ngãi. Bị các kiốt vây kín, khu buôn bán sầm uất nhất tỉnh bị lửa thiêu rụi vì công tác chữa cháy gặp khó.

Vụ hỏa hoạn ngày 9/2 gây thiệt hại nặng khiến hàng trăm tiểu thương Quảng Ngãi lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Bao nhiêu bức xúc của tiểu thương hầu như dồn hết lỗi về "quyết sách" sai lầm của chính quyền địa phương năm ngoái đã cho làm chợ tạm vây kín chợ Quảng Ngãi. Chính chợ tạm đã trở thành chướng ngại vật cản xe cứu hỏa vào dập tắt lửa.

Có 4 sạp quần áo ở chợ Quảng Ngãi với tổng trị giá tài sản hơn 2 tỷ đồng trong phút chốc bị lửa thiêu rụi hoàn toàn, anh Nguyễn Tuấn bức xúc nói: "Giữa năm ngoái, trong lúc lãnh đạo thành phố họp bàn với tiểu thương xây chợ tạm vây kín chợ trung tâm, chúng tôi đã phản ứng kịch liệt. Lúc ấy, mấy ông khẳng định chắc nịch nếu chợ mà cháy thì chịu trách nhiệm trước bà con. Giờ đây hỏa hoạn ập đến, tiểu thương gánh đủ thiệt hại. Nếu không có chợ tạm vây quanh thì đám cháy khó thể gây thiệt hại nặng nề như thế".

Cuối tháng 5/2011, lãnh đạo thành phố chủ trì cuộc họp lấy ý kiến tổ trưởng dân phố xung quanh chợ về việc làm các dãy nhà tôn chợ tạm. Ông Nguyễn Hữu Cường, tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi, còn nhớ như in buổi họp căng thẳng hôm ấy. "Khi nghe thành phố bàn đến chuyện làm chợ tạm trên đường Ngô Quyền và Nguyễn Bá Loan ở hai bên chợ Quảng Ngãi, chúng tôi đã phản ứng dữ dội", ông Cường kể.

Lập luận của tiểu thương khi ấy là nếu bít hết lối vào hai bên hông chợ thì khi xảy ra hỏa hoạn chẳng khác nào đưa chợ vào đường cùng tự thiêu. "Lúc ấy, lãnh đạo thành phố trấn an là bên công an đã có 5 phương án phòng cháy chữa cháy khi làm chợ tạm này rồi", tổ trưởng dân phố 3 nhớ lại.

Tuy vậy trong buổi họp ấy, vị phó chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi từ chối thông báo 5 phương án chữa cháy với lý do "còn bí mật chưa thể công khai". Ông Cường buồn bã nói rằng, 5 phương án phòng cháy chữa cháy chẳng biết cụ thể như thế nào nhưng khi chợ Quảng Ngãi phát lửa, xe cứu hỏa loay hoay mãi không thể nào tiếp cận hiện trường vì vướng chợ tạm.

Đại tá Nguyễn Thanh Trang, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2011 UBND tỉnh cho phép dựng chợ tạm trên các tuyến đường này. Công an phòng cháy chữa cháy khi ấy đã quyết liệt không đồng ý bởi dễ gây nguy hiểm cháy nổ, đồng thời ngăn cản xe chữa cháy tiếp cận khi sự cố.

Ông Trang lắc đầu: "Thế nhưng sau đó chợ tạm vẫn mọc lên vây xung quanh nên khi cháy, xe cứu hỏa gặp vô vàn khó khăn đưa nước vào dập lửa".


Công an tỉnh Quảng Ngãi huy động xe cẩu của một doanh nghiệp phá bờ tường phía Nam của tầng 2 chợ 
để tạo chổ trống cho lực lượng chữa cháy bơm nước vào dập lửa. Ảnh: Trí Tín

Trong khi đó, ông Huỳnh Chánh, Phó chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi phân bua: "Vấn đề là cháy chợ Quảng Ngãi nhiều khả năng do chập điện xuất phát từ một sạp hàng kinh doanh giày dép ở góc phía Đông của chợ chứ không phải do chợ tạm". Theo ông Chánh, quy hoạch chợ tạm là chủ trương của tỉnh chỉ đạo thành phố làm, còn phương án phòng cháy chữa cháy do công an phòng cháy chữa cháy phối hợp với đơn vị quản lý chợ là Công ty CP Nông sản thực phẩm lập trình công an tỉnh phê duyệt.

Phó chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho rằng để xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi chợ Quảng Ngãi trước hết là trách nhiệm của kíp trực bảo vệ vào rạng sáng 9/2. Sau đó, trách nhiệm cao hơn là Ban quản lý chợ đã thiếu chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ, đến khi xảy ra cháy thì các thiết bị này chẳng khác nào phế liệu.

VNE


    Ý kiến bạn đọc