Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, nhiệt liệt chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong Báo cáo chính trị chiến lược 10 năm và kế hoạch năm năm phát triển kinh tế-xã hội trình bày tại Đại hội có sự đóng góp trực tiếp của Chính phủ, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII suốt thời gian qua. Ngay từ tháng này, tại phiên họp này, chúng ta cần thảo luận những giải pháp bảo đảm tăng trưởng kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm và ổn định kinh tế vĩ mô đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, từ ngày 27-1 đã xuất hiện một số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Hiện nay đã lên đến 270 ca; 10 tỉnh, thành phố đã có các ca nhiễm xuất hiện. Mặc dù các ca nhiễm xảy ra trong dịp Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhưng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, các ngành và địa phương đã tích cực chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, vào cuộc với những biện pháp, chủ trương đúng, kịp thời như khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm diện rộng, cách ly... Nhờ đó, đến nay, chúng ta đã kiểm soát cơ bản tình hình, mặc dù vẫn còn diễn biến phức tạp. Chúng ta cũng bàn giải pháp sớm đưa vaccine phòng Covid-19 đến người dân ngay trong quý I. Chính phủ có trách nhiệm lo việc này.
Toàn cảnh phiên họp.
Tháng 1-2021, chúng ta đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, nhất là: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng 22%; xuất nhập khẩu tăng hơn 45% là mức tăng kỷ lục; số doanh nghiệp tăng khá; giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả đáng mừng. Với những ổ dịch Covid-19 mới, chúng ta cần phải tiếp tục có biện pháp chỉ đạo quyết liệt. Chính vì vậy, cần tận dụng thời cơ, tạo môi trường đầu tư, thu hút dòng vốn đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới; mở rộng quy mô đầu tư. Một tinh thần lớn là không "đảo ngược" chính sách mà tiếp tục thúc đẩy, cởi mở, tạo thuận lợi hơn nữa, cải thiện môi trường đầu tư để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài làm ăn thành công ở Việt Nam.
Chúng ta phải biết cách làm phù hợp để thúc đẩy phát triển. Tiếp tục điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả phương diện kinh tế và y tế. Coi trọng nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề rất lớn. Thúc đẩy ba không gian kinh tế mới: Đó là kinh tế trong nước với thị trường 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); kinh tế số.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc chúng ta phải bảo đảm chăm lo Tết cho nhân dân, chu đáo nhất là đồng bào vùng thiên tai, vùng sâu vùng xa, vùng bị phong tỏa vì dịch bệnh. Phải kiểm điểm lại việc chuẩn bị các nguồn lực của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm nguồn hàng hóa dồi dào, an toàn, kiểm soát tốt giá cả, chống đầu cơ, nâng giá...; thảo luận đề ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sau Tết Nguyên đán, nhất là kiểm soát dịch bệnh ở các vùng; thúc đẩy mạnh mẽ việc trồng cây...
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phiên họp.
Tại phiên họp, báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chủng virus này có khả năng lây nhiễm rất cao, thời gian ủ bệnh ngắn, tản lượng virus tăng gấp bốn lần so trước đây, thời gian đào thải virus nhanh. Tỷ lệ lây lan tăng cao hơn 70% so chủng virus trước. Ngay khi phát hiện, chúng ta đã tăng cường chi viện kịp thời ở mức cao cho Hải Dương. Hiện, tỉnh Hải Dương đã nâng quy mô xét nghiệm lên rất nhiều. Chúng ta cũng đã kịp thời phong tỏa TP Chí Linh kịp thời.
Bộ trưởng Y tế kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch. Lần này, lây nhiễm virus chủ yếu qua không khí, ra lệnh đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà. Hạn chế tập trung đông người, nhất là các sự kiện diễn ra trong không gian kín. Kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, nhà máy, chung cư... Thực hiện tốt khai báo y tế. Tạm dừng các lễ hội không cần thiết. Các địa phương tăng cường năng lực lấy mẫu xét nghiệm, điều phối để phát hiện nhanh các trường hợp F1. Thực hiện tốt phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng". Tăng cường quản lý, ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép...
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tháng 1 là tháng có kết quả khả quan, đáng mừng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2021: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 22%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng trên 27%; xuất nhập khẩu tăng hơn 45% so cùng kỳ với thặng dư thương mại hơn 100 triệu USD; thu ngân sách đạt kết quả tốt; số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo…
Thủ tướng đánh giá cao nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương hăng hái, trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là ngành y tế, lực lượng công an, quân đội. Nhiều tình nguyện viên, các bác sĩ, các nhân viên liên quan ngày đêm lăn lộn để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh bốn nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
Trước hết, tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) căn cứ Nghị quyết của Đại hội để xây dựng, sớm trình ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; hoàn thiện, trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5, năm 2021-2025, và các vấn đề liên quan. Trong bối cảnh, tình hình mới, chúng ta cần quán triệt tinh thần đổi mới tư duy phát triển, cách nghĩ, cách làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa đất nước vững bước đi lên, sớm hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra.
Thứ hai, tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, không được chủ quan, có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian nhưng không được để hoảng loạn, với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Nhấn mạnh việc Bộ Y tế xem xét sớm đưa vaccine tới người dân ngay trong quý 1 này một cách phù hợp điều kiện Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn; thực hiện quyết liệt "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng như đeo khẩu trang, khai báo y tế, không tập trung đông người…
Thủ tướng yêu cầu, ngành y tế đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vaccine cũng như có kế hoạch nhập khẩu vaccine để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ lịch sử ở miền trung, Tây Nguyên và rét đậm, rét hại ở miền núi phía bắc vừa qua, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và các mặt khác, không để người dân thiếu đói, không có nhà ở, bảo đảm mọi gia đình đều vui Xuân, đón Tết.
Thứ ba, tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong sáu tháng đầu năm 2021. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh thúc đẩy ba không gian kinh tế: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số. Giao Bộ trưởng KH-ĐT nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện kịch bản, các giải pháp và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện.
Thủ tướng lưu ý một số nội dung nổi bật, đó là nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, trong đó, “có giải pháp mà các đồng chí đã nói là kích cầu đầu tư, giảm phí, miễn giảm một số khoản mà quy định pháp luật cho phép”.
Bộ KH-ĐT cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng.
Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư mà nhiều năm qua chưa làm được. Đặc biệt, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao của khu vực và thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống, bảo vệ rừng và trồng rừng, triển khai chủ trương “Trồng 1 tỷ cây xanh”; lưu ý tổ chức tốt "Tết trồng cây" ngay sau Tết Tân Sửu.
Thứ tư, tập trung chuẩn bị phục vụ Tết, bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, hạnh phúc. Không chỉ bảo đảm nguồn cung hàng hóa Tết cho người dân, thực hiện tốt Chỉ thị 48 của Ban Bí thư, và Chỉ thị 44 của Chính phủ, phải bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh hiện nay, nhất là đấu tranh, phòng chống buôn bán pháo nổ, gian lận thương mại, ngăn chặn những đường dây đưa hàng hóa trái phép vào Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải chăm lo chu đáo Tết cho người dân”, Thủ tướng nói, để không ai thiếu Tết, đặc biệt quan tâm với đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào vùng thiên tai, vùng sâu, vùng bị phong tỏa do có dịch, bảo đảm mọi gia đình đều có Tết.
Lưu ý cần chấn chỉnh hoạt động lễ hội sau Tết. Ngay sau Tết, phải bắt tay vào công việc, không để xảy ra tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức; không dùng ngân sách nhà nước, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi.
Tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch bố trí cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm chế độ trực Tết, thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo. Tất cả các nhà máy, xí nghiệp và các địa phương phải có kế hoạch cụ thể để đưa người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc kịp thời sau Tết, không để ảnh hưởng sản xuất, hoạt động kinh doanh.
Các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền về thành tựu của đất nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội dịp Tết phù hợp tình hình Covid-19; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.
Nguồn: nhandan.com.vn
( https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/chinh-phu-hop-phien-thuong-ky-thang-1-633954/ )
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)