“Nhiều vụ án chỉ thấy xử người cuối dây như kế toán, thủ quỹ thôi, trong khi đáng lẽ ra phải xử người đứng đầu…”.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, trao đổi với báo chí, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) cho biết: 10 án tham nhũng lớn đã điều tra từ nhiều năm nay rồi, không phải bây giờ mới điều tra. Bây giờ những chuyên gia giỏi, các Bộ ngành phối hợp để xem vướng mắc ở chỗ nào. Nếu vướng mắc về chứng cứ có thể làm ngay được những gì, những gì không làm được.
“Phải có người can thiệp, chỉ đạo chỗ này và nói rõ với công luận chứ bây giờ khởi tố, điều tra xong rồi để đấy, thỉnh thoảng họp giở ra xem” - ông Đương nói.
Án không có lộ trình nên kéo dài mãi
PV: Ông có biết vì sao có nhiều án tham nhũng để quá lâu, hết năm này qua năm khác khiến cử tri rất sốt ruột?
Ông Đỗ Văn Đương: Vấn đề chính ở đây không phải phức tạp mà vụ án nào cũng phải có giới hạn của nó. Luật đã định rõ thời hạn điều tra đối với tội ít nghiêm trọng là 4 tháng, đối với tội đặc biệt nghiêm trọng là 16 tháng, gia hạn thêm thì là 24 tháng. Như vậy trong hơn 2 năm anh phải kết thúc điều tra, cứ khởi tố, điều tra xong để đấy, hôm nay đi xác minh một chút, mai lại đi xác minh một chút thì nó kéo dài. Do không tập trung quyết liệt, để càng lâu thì “hóa bùn” dư luận bớt bức xúc đi, dễ dàng chuyển tội danh, ví dụ từ tham ô đổi thành tội danh cố ý làm trái. Hình phạt với tội danh này rất nhẹ, còn nếu tham ô, hối lộ thì cao nhất là tử hình, còn với tội danh cố ý làm trái thì rất là nhẹ.
Thêm nữa, trong quá trình điều tra, thì vấn đề chỉ đạo phải cụ thể, quyết liệt, mỗi vụ án phải có lộ trình của nó, phải có thời điểm nào kết thúc mảng nào, chắc mảng nào thì phải đưa ra xét xử luôn mảng đó thì mới có điểm chốt, thì những tên đầu xỏ phải có hình phạt cao hơn. Không thể có chuyện anh phạt tội ít nghiêm trọng thì hình phạt lại cao, trong khi anh nghiêm trọng thì lại thấp. Những sự việc nào đã rõ thì đem ra xử trước trong một vụ án tổng thể không phải chờ kết thúc một cục mới đem ra xử vì 1 vụ án có thể có 5 - 6 hành vi, có thể là tham ô, hối lộ; cố ý làm trái; thiếu trách nhiệm; lạm dụng chức quyền để chiếm đoạt. Vậy từng hành vi một anh phải làm rõ. Trong trường hợp bị giam rồi, vẫn có thể chiết xuất ra để xử.
PV: Theo ông, điều quan trọng nhất trong một vụ án tham nhũng là gì?
Ông Đỗ Văn Đương: Quan trọng là phải kịp thời phát hiện, phong tỏa tài sản để thu hồi. Hiện vấn đề thu hồi rất thấp. Ví dụ phát hiện ra 9.000 tỷ đồng nhưng thu hồi chưa được 10%, hỏi còn lại 90% kia nó đi đâu, chắc chắn vào hết túi của cá nhân rồi. Nếu vào túi cá nhân rồi thì phải móc ra chứ. Không thể có chuyện đánh bạc vài triệu đồng thì bị xử phạt 6 - 7 tháng tù hoặc hưởng án treo mà là tiền của người ta, người ta chỉ vi phạm pháp luật là không được phép đánh bạc. Còn ở đây là tiền của ngân sách nhà nước, tiền thuế của người dân, suy cho cùng là người dân phải chịu. Có những người chuyên móc túi của hàng triệu người dân để làm giàu cho cá nhân, thì đấy là tội ác.
PV: Với cách làm như hiện nay, đặc biệt là với 10 vụ án trọng điểm về tham nhũng, nhiều người dân cho rằng đây là cách làm “đầu voi, đuôi chuột”?
Ông Đỗ Văn Đương: Người dân phản ánh là hoàn toàn chính xác. Đầu voi đuổi chuột ở đây là gì? Lúc đầu anh khởi tố điều tra là đặc biệt nghiêm trọng, đấy là tội tham ô, hối lộ. Trong quá trình xử lý vụ án thì lại mượn những quy định pháp luật chưa rõ ràng để chuyển hóa thành những tội danh nhẹ hơn, như tôi đã nói ở trên.
Đến khi đưa ra xét xử thì lại đưa ra nhân thân tốt; khắc phục hậu quả; thành khẩn nhận tội. Nhưng thực ra có thành khẩn đâu. Bản thân quá trình điều tra các đối tượng cũng không thành khẩn gì, khi ra tòa thì nhận hành vi nhẹ. Đáng lẽ, nếu thành khẩn thì phải nhận tội danh tham ô, hối lộ, nhưng vì tội danh đã nhẹ rồi thì đối tượng nhận luôn cho xong thì lại vận dụng tình tiết giảm nhẹ. Cứ 2 tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng điều 46, điều 47 thì hưởng mức thấp nhất khung hình phạt. Rồi lại đưa dưới 3 năm thì được vận dụng quy định án treo là xử phạt tù dưới 3 năm có thân nhân tốt xét không cần thiết vào tù thì được hưởng án treo.
Cuối cùng, nhiều vụ gây hậu quả cho nền kinh tế rất lớn vài chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì có vụ đình chỉ, có vụ chỉ xử lý hành chính hoặc xử án treo, hoặc xử 2, 3 năm tù. Đối tượng đi tù được 1 năm rồi lại về.
Một số cán bộ tư pháp dựa vào án để sống?
PV: Vậy giữa quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước với thực tế có gì mâu thuẫn hay không?
Ông Đỗ Văn Đương: Mâu thuẫn trong đường lối chính sách của Đảng ta với chính quy định của pháp luật. Pháp luật quy định khi xét thấy cần thiết thì được hưởng án treo, trong khi nhân dân bức xúc. Đảng có nhiều nghị quyết như vậy mà vẫn để cho hưởng án treo là có mâu thuẫn trong việc tổ chức thực thi không nghiêm.
Trong kinh tế thị trường hiện nay phải nói thẳng bản thân các cán bộ tư pháp còn có tiêu cực. Họ dựa vào án để sống. Bây giờ đặt vấn đề có bán hình phạt hay không? Có vấn đề lợi dụng quyền lực tư pháp nhà nước để anh tham nhũng hay không? Tôi giao cho anh quyền công lý mà anh lại bán quyền công lý đó đi để lấy tiền. Chỗ nào có tiền, chỗ nào có nhiều quyền lực thì càng dễ bán. Như vậy là rất nguy hiểm, người dân không còn tin vào pháp luật nữa, mà không tin vào pháp luật là không tin vào đường lối chính sách của Đảng, từ đó làm tha hóa chính sách đường lối của Đảng. Phải thấy rằng đường lối, chính sách của Đảng rất đúng nhưng trong quá trình thực hiện thì rơi vãi dần dần, biến tướng thành con số 0. Làm dân mất niềm tin, mà mất dân là hết sức nguy hiểm.
PV: Liệu có uẩn khúc gì dẫn tới các vụ án đặc biệt nghiêm trọng kéo dài như vậy, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Đương: Thông thường đã có chức có quyền thì thường gắn bó với người ở trên nữa, vì người ở trên mới bổ nhiệm người ở dưới… thực sự có sự bảo vệ, còn bao che, nương nhẹ. Trong nhiều vụ án chỉ thấy xử người cuối dây như kế toán, thủ quỹ thôi, trong khi đáng lẽ ra phải xử người đứng đầu vì những ông này mới quyết định. Nhưng lại cứ đưa ra để xử cho xong thế nên không đáp ứng yêu cầu.
Tôi đã nói nhiều đánh tham nhũng hiện nay mới chỉ mơn man, đánh bên ngoài. Tham nhũng là phải đánh vào người có chức có quyền, mà phải đánh vào người có chức có quyền cao, mà theo đường lối chính sách của Đảng là phải đánh vào chủ mưu cầm đầu.
Các chính sách, chủ trương là đúng thế nhưng các văn bản quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực còn sơ hở. Lợi dụng sở hở trong văn bản đó để đục nước, béo cò nó mới ra các quyết định đầu tư, ra các quyết định thẩm định, rồi đấu thầu, đấu giá… Lợi dụng sơ hở để ban hành quyết định cá biệt. Trách nhiệm của Quốc hội là phải sửa để làm sao bịt kín những sơ hở đó.
Không phải ai cũng dám nói chống tham nhũng
PV: Nhìn vào những vụ án ở Vinashin, những ụ nổi, tàu hoa sen không thể một mình cá nhân đó tham nhũng được mà có thể thấy rõ cả đường dây, ê kíp nhưng vì sao các vụ án xử đó lại cắt đoạn xử từng cá nhân?
Ông Đỗ Văn Đương: Như tôi nói là phải truy đến cùng những người có quyền quyết định vì những vụ án lớn thế làm sao mà thoát được? Có phải cái kim sợi chỉ đâu? Những tài sản đó rất nhiều tiền mà lại có sự kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu của các cơ quan an ninh, thậm chí của cả những lực lượng đặc biệt khác nữa. Tôi cho rằng việc truy cứu đến cùng là rất cần thiết nhưng hiện nay để làm được việc đó không dễ, vướng rất nhiều, đụng chạm rất nhiều. Không phải ai cũng dám nói tham nhũng, vì cũng nhúng chàm, có nhập nhằng trong tiền bạc, lợi dụng chức quyền mà ông nói ra thì nó tìm cách móc ra đập cho ông 1 trận.
Tôi đang nói tiếng nói của cử tri, nói thẳng, nếu phòng chống tham nhũng tốt thì chẳng cần phải vay nợ nhiều. Nếu phòng chống tham nhũng tốt thì đất nước thay da đổi thịt nhiều. Bây giờ cứ vay về nhiều thì tham nhũng nhiều.
10 vụ án tham nhũng lớn nếu vào tay tôi chỉ đạo sẽ làm xong trong thời gian ngắn nhất, hành vi rõ đến đâu cho xử trước, chứ không om lại để xử cả thể, rồi bắt đầu lại kéo dài vài năm vì có nhiều hành vi, nhiều người rồi chả có gì kết thúc được cả. Cần phải hiểu luật của mình không rõ về tham nhũng. Tham nhũng không chỉ là tham ô, hối lộ mà lạm dụng chức quyền, cố ý làm trái. Suy cho cùng tham nhũng là các anh có chức, có quyền hạn mà anh đi lấy tiền của nhà nước, tiền của dân. Tôi cho rằng trong năm nay 10 vụ án tham nhũng đó phải kết thúc.
Tấn công vào chính lực lượng chống tham nhũng
PV: Liệu có cách nào để xử lý chính cán bộ phòng chống tham nhũng sai phạm đó không, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Đương: Phải khởi tố cả những anh đó, vì họ bao che tội phạm. Ở nhiều nước chống tham nhũng là tấn công vào những đối tượng chống tham nhũng, người ta điều tra chính anh cảnh sát trước, anh công tố, anh tòa án. Phải có một cơ chế đặc biệt chống tham nhũng, nếu cứ để phụ thuộc trong hành pháp thì không thể làm được. Nếu vẫn cứ để như cơ chế hiện nay thì không làm được, cứ nói phối hợp kiểu như “nhiều sãi thì không ai đóng cửa chùa”. Phải có một cơ quan độc lập với bộ máy tử tế. Chuyển đổi ban phòng chống tham nhũng không khác nhiều so với trước đây.
Cử tri nói rất đúng tiền thì nhiều mà không biết đi đâu hết, đầu tư thực tế các công trình được bao nhiêu. Cũng phải nói rằng, chỉ là có một bộ phận thôi, vì số đông còn lại không có điều kiện để lấy được tiền của người khác, do đó trong hàng triệu công chức này chỉ có một phần rất nhỏ. Nhưng phần rất nhỏ này lại nắm quyền rất lớn. Ví dụ một vụ án lớn bằng hàng ngàn vụ tham ô nhỏ, tham ô vài ba triệu so với hàng nghìn tỷ đồng.
Cho nên, thời gian tới cần tập trung đánh vào các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty đó là nơi tiêu sài tiền nhà nước nhiều nhất; đánh vào các dự án đầu tư công.
Không thể nói tham nhũng ở ta có cả đường dây, mà chỉ nói tình trạng tham nhũng xảy ra trên nhiều lĩnh vực, mà mỗi một lĩnh vực có cả một nhóm người nó cấu kết với nhau. Nếu nhìn trên tổng thể thì nó lại thành một tình trạng rất phức tạp, chứ không thể nói tình trạng tham nhũng từ trên xuống dưới. Nó xảy ra cả ở những lĩnh vực trước đây vắng bóng như người có công, nhà tình nghĩa. Cứ hở chỗ nào có tiền là lấy, đục khoét trong phần quản lý của mình.
Những năm đầu đổi mới, năm 1990 ta đã tử hình nhiều trường hợp, răn đe rất lớn, bây giờ hình phạt cứ chuyển tội danh để tránh bị tử hình, tránh chung thân, tội phạm đi tù vài năm rồi được giảm án, rồi lại được đặc xá nữa thì có thể nói rằng nhà nước mất hết.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)