Chủ động phương án ứng phó với bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất
EmailPrintAa
15:38 20/07/2018

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương chủ động kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần sát tình hình thực tế của địa phương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai là cần quyết liệt, tập trung thực hiện. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ năm 2017 đến nay và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng chuyên trách phải luôn sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với sự cố, thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2017 và từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình thời tiết, khí hậu, thiên tai, sự cố tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những sự cố về cháy nổ cũng gây hậu quả lớn.

"Những sự cố, tai nạn đó đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm để giảm thiệt hại cũng như tăng cường các biện pháp ứng phó. Trong đó, giảm thiểu thiệt hại tối đa về người và tài sản của người dân là yêu cầu cốt lõi của công tác này, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, tuy xảy ra nhiều vụ việc, sự cố phức tạp, nhưng do có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự tích cực chủ động trong điều hành ứng phó của lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; sự phối hợp triển khai nghiêm túc của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị nên công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được triển khai kịp thời, hiệu quả.

“Trong đó có thể thấy vai trò nòng cốt, đặc biệt quan trọng của lực lượng cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là các lực lượng vũ trang (quân đội, công an), các lực lượng tại chỗ và vai trò của người dân, góp phần đạt được nhiều kết quả trong công tác, giúp giảm thiểu thiệt hại cho người dân và Nhà nước”, Phó Thủ tướng nói.

Phòng chống thiên tai phải quyết liệt

Theo Phó Thủ tướng, có một số nơi hiệu quả công tác phòng chống thiên tai chưa cao; không có biện pháp để di dời dân quyết liệt. Một số nơi còn thiếu trách nhiệm khiến người dân thiếu tin tưởng nên việc di dời dân khó thực hiện. Có những nơi di dời được dân nhưng lại thiếu biện pháp, phương án để bảo vệ tài sản, nhà cửa của người dân... nên đã xảy ra trường hợp người dân quay lại nhà cửa, nơi sản xuất có nguy cơ.

"Kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai là cần quyết liệt, tập trung thực hiện. Nơi nào không di dời được dân thì trách nhiệm là người lãnh đạo nơi đó chưa quyết liệt, chưa thuyết phục, chưa làm người dân tin tưởng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng nhiều nơi còn chủ quan, thiếu trách nhiệm, chưa nắm chắc tình hình thiên tai, lụt bão. Công tác phối hợp hiệp đồng với cấp ủy chính quyền địa phương đôi khi còn thiếu chặt chẽ, nhất là trong việc xử lý các vụ việc cần nhiều lực lượng tham gia. Một số địa phương xây dựng phương án ứng phó với sự cố, thiên tai chưa sát thực tế nên lúng túng trong việc ứng phó với sự cố khi có tình huống xảy ra. Trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhu yếu phẩm còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu “4 tại chỗ”, nhất là các trang bị chuyên dùng tìm kiếm cứu nạn biển xa và ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn sự cố công trình ngầm cần phải được tăng cường…

Công tác báo cáo, cảnh báo khí thượng thủy văn trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả nhưng vẫn còn những hạn chế, nhất là cảnh báo lũ quét, lũ ống, sạt lở đất... “Đây là yêu cầu quan trọng, trên cơ sở đó tiến hành lập bản đồ chỉ giới về khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét để lên phương án sắp xếp, bố trí lại nơi ở của người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về ứng phó thiên tai, sự cố tuy đã được quan tâm, chú trọng hơn, song nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa thật đầy đủ, vẫn còn tư tưởng chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, nhất là trong việc sơ tán khỏi nơi nguy hiểm khi có bão lũ, hoặc nguy cơ sạt lở đất.

Công tác phòng chống cháy nổ còn nhiều hạn chế, nhất là tại các chung cư, nhà cao tầng trong thời gian qua do công tác kiểm soát đầu tư hạ tầng còn bất cập, sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác phòng cháy chữa cháy... Vẫn còn nhiều vi phạm trong lĩnh vực giao thông, trong khi đó việc xử lý các vi phạm là chưa nghiêm.

Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Chủ động đi kiểm tra các địa phương

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ sau bão số 3 tại một số tỉnh phía Bắc và Trung bộ, Phó Thủ tướng yêu cầu Thường trực và các thành viên Ban Chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để sơ tán, hỗ trợ người dân, cũng như có các phương án phù hợp để ứng phó khi sự cố xảy ra.

Để chủ động, hoàn thành tốt công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ nay đến cuối năm 2018 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trước hết cần thực hiện tốt các chức năng, trách nhiệm được giao.

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra do lãnh đạo các Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị, phương án phòng chống thiên tai của các địa phương.

“Trong đó tập trung kiểm tra phương án huy động lực lượng, tổ chức sơ tán và bảo đảm an toàn dân cư khi thiên tai; phương án bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình xung yếu, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai lớn, các địa phương có nguy cơ bị thiệt hại lớn khi xảy ra thiên tai”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, ý thức phòng, tránh cho người dân để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

"Chống mọi biểu hiện chủ quan trong nhận thức, trong xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn", Phó Thủ tướng lưu ý.

Các địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao về sự cố, thiên tai; chủ động kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần sát tình hình thực tế của địa phương.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt lưu ý các địa phương, lực lượng chức năng về các phương án ứng phó các sự cố cháy nổ là vấn đề lớn ở các đô thị, thành phố hiện nay; tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không... chú ý xử lý nghiêm các vi phạm.

Các bộ ngành, địa phương tăng cường hợp tác quốc tế trong huy động nguồn lực; trang thiết bị; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tham gia các hoạt động tập huấn, diễn tập song phương và đa phương với các nước trong khu vực và quốc tế.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan Thường trực, nắm chắc tình hình, báo cáo kịp thời và phối hợp tốt với các bộ, ngành tham mưu, chỉ đạo xử lý mọi tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tập trung triển khai hoàn thành Trung tâm Quốc gia điều hành quản lý, ứng phó thảm hoạ và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2; đẩy nhanh xây dựng Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thao trường tổng hợp phục vụ huấn luyện tìm kiếm cứu nạn tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Nguồn: chinhphu.vn


    Ý kiến bạn đọc