Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Lệnh Công bố Hiến pháp
EmailPrintAa
08:55 09/12/2013

Hiến pháp là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn dân tộc.

Thực hiện quy định tại khoản 1 điều 103 Hiến pháp hiện hành về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc công bố Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, sáng 8/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh Công bố Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam và Lệnh công bố Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII.

Tham dự Lễ ký có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ngành và các tổ chức chính trị xã hội.

Sự kiện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chính thức ký Lệnh Công bố Hiến pháp và Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đánh dấu thời điểm lịch sử, khẳng định Hiến pháp (sửa đổi) là văn kiện chính trị pháp lý đặc biệt quan trọng, là luật “gốc” của Nhà nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Hiến pháp (sửa đổi) là kết tinh của trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn dân tộc, thể hiện ý Đảng lòng dân.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 06/2011/QH13 ngày 6/8/2011 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, triển khai tổng kết, xây dựng Dự thảo, tiếp thu ý kiến góp ý của Ban Chấp hành Trung ương, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, các cấp, các ngành và toàn dân để chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo, ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Ngày 2/12/2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký chứng thực Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

Lệnh công bố Hiến pháp

Bản Hiến pháp sửa đổi đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây; khẳng định mạnh mẽ ý chí, chủ quyền của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khẳng định nước CHXHCN Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; khẳng định nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết dịnh của mình. Hiến pháp sửa đổi cũng đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định rõ ràng và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; về tổ chức bộ máy Nhà nước; nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước; về hiệu lực và sửa đổi Hiến pháp.

Theo Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Hiến pháp sẽ chính thức hiệu lực từ ngày 1/1/2014./.


    Ý kiến bạn đọc