Chủ tịch Quốc hội kêu gọi toàn dân đồng lòng vượt qua thách thức
EmailPrintAa
08:28 21/10/2014

Tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước.

Sáng nay (20/10), Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội mới, tại quận Ba Đình, Hà Nội. Kỳ họp này được xem là đợt tổng duyệt toàn diện đầu tiên về mọi mặt vận hành đối với tòa nhà Quốc hội mới.

Kinh tế-xã hội phát triển chưa bền vững

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội diễn ra trong lúc kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm; an ninh chính trị, xung đột vũ trang, dịch bệnh một số nơi diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-chính trị khu vực và toàn cầu. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế; kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng đang trên đà phục hồi, thu ngân sách đạt khá; an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai đồng bộ; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách tư pháp, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được tích cực triển khai. Công tác đối ngoại được tiếp tục mở rộng, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được nâng cao.

 

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên khai mạc

 

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước; việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế còn nhiều lúng túng và thực hiện khó khăn, tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm; tồn kho hàng hóa còn ở mức cao, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; năng suất lao động, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; an ninh tài chính, tiền tệ chưa vững chắc; nợ công, nợ doanh nghiệp, cân đối ngân sách chưa có giải pháp xử lý hiệu quả, bền vững; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Tình hình tội phạm, tệ nạn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp làm lòng dân bất an. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải quyết tâm cao hơn nữa, có các chủ trương, giải pháp căn cơ, đồng bộ để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp và hoàn thiện thể chế; toàn dân đoàn kết một lòng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 5 năm 2011-2015, tạo đà phát triển nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo.

Xem xét, quyết định những nội dung quan trọng

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng. Quốc hội dự kiến thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết, cho ý kiến 12 dự thảo luật khác, trong đó có nhiều luật quan trọng về cơ cấu tổ chức đất nước, quyền con người, quyền công dân… để thực hiện Hiến pháp mới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kỳ họp này là lần thứ 2 Quốc hội thay mặt đồng bào và cử tri nhà nước đánh giá tín nhiệm các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Quốc hội sẽ phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, dự kiến Quốc hội cũng xem xét Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa; xem xét về dự án lớn là đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan tăng cường trách nhiệm, chuẩn bị tốt chương trình nghị sự, các đại biểu phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đóng góp cho chất lượng kỳ họp.

Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Khái quát chung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, đến thời điểm này, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, 12 chỉ tiêu có triển vọng đạt và vượt kế hoạch, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch là chỉ tiêu tạo việc làm và 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

9 tháng qua, tình hình kinh tế được đánh giá là tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Khu vực dịch vụ phát triển khá, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục có xuất siêu. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm…

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu chậm, hiệu quả chưa cao. Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm…

Báo cáo của Thủ tướng đưa ra một số giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2014 như điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý; thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA…/.

TT CNTT (Nguồn: Vov.vn)


    Ý kiến bạn đọc