Ngày 23-11, tiếp tục chương trình phiên họp thứ năm, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Nhiều văn bản có hiệu lực thi hành chậm, tạo ra “khoảng trống” pháp luật
Tại phiên họp, trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật có liên quan, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động đưa vào chương trình công tác hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Một số Ủy ban coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, tiến hành theo kỳ giám sát hoặc định kỳ hằng năm.
Về tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản, tỷ lệ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm với luật, pháp lệnh, nghị quyết đã tăng lên trong một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực pháp luật, thể hiện sự quyết tâm, nghiêm túc của Chính phủ trong việc khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH
Tuy nhiên, trong số các văn bản thuộc phạm vi giám sát, vẫn còn nhiều văn bản có hiệu lực thi hành chậm so với thời điểm có hiệu lực của luật, còn một số nội dung chưa được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; một số luật còn nợ nội dung chưa ban hành văn bản quy định chi tiết đã được các Ủy ban của Quốc hội đề cập trong báo cáo kết quả giám sát của các kỳ giám sát trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Qua giám sát, các Ủy ban của Quốc hội cũng phát hiện nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết đã tạo ra những “khoảng trống” pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống...
Công tác giám sát cần cụ thể, sâu sát
Cho ý kiến về các nội dung trong báo cáo giám sát, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác giám sát cần cụ thể, sâu sát, chỉ giám sát chung chung thì không có hiệu lực, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rà soát lại quy định cụ thể nhiệm vụ, phân công trách nhiệm trong công tác giám sát; Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn quy trình giám sát.
Đề xuất với Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bổ sung nội dung căn cứ kết quả giám sát nêu trên; kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để chỉ đạo khắc phục, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công khai với công luận.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội phải coi giám sát văn bản quy phạm pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục và có tính kế thừa giữa các nhiệm kỳ.
Đồng thời, đây là công việc theo quy trình thống nhất, trong quá trình thực hiện phải có đối thoại, làm việc với đối tượng giám sát theo đúng quy định của pháp luật, có xử lý hậu giám sát và giám sát lại. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, xây dựng văn bản, xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.
Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hoàn thành dự thảo báo cáo, trong đó cần rà soát, thống nhất các số liệu.
Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội chủ trì xây dựng văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất, hiệu lực của quy trình giám sát; tháng 9 hằng năm (từ năm 2022) tổng hợp báo cáo gửi đại biểu Quốc hội vào phiên họp cuối năm.
Nguồn: Hằng Phương/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Làm sâu sắc thêm tin cậy chính trị và nâng cao hợp tác giữa các đảng chính trị ở khu vực châu Á ( 22/11)
- Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia ( 22/11)
- Tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thông qua việc sắp xếp, mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị Việt Nam ( 22/11)
- Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ( 15/11)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ( 13/11)
- Đưa hoạt động chất vấn trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội ( 12/11)