Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Khuyến khích việc khám chữa bệnh cao cấp, có trình độ cao
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự thảo lần này đã được tiếp thu, hoàn thiện nhiều nội dung quan trọng, cũng như cập nhật được nhiều vấn đề mới phát sinh qua thực tiễn phòng, chống dịch vừa qua, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và Bộ Y tế. Hồ sơ dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, luật sửa đổi lần này cần bảo đảm được yêu cầu bảo vệ người bệnh, bảo vệ đội ngũ thầy thuốc cũng như công khai, minh bạch hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; thể chế hóa toàn diện hơn chủ trương xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh...
Đó là phải khắc phục được tình trạng lạm dụng công nghệ, kỹ thuật cao, đẩy giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh lên quá cao so với khả năng chi trả của đại đa số quần chúng nhân dân. Người bệnh đua nhau dồn lên tuyến trên, y tế cơ sở ít được coi trọng. Qua phòng, chống dịch cho thấy hệ thống y tế quá tải nhưng y tế ngoài công lập tham gia vẫn còn bất cập...
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, luật phải khuyến khích việc khám chữa bệnh cao cấp, có trình độ cao vì nhu cầu chi trả của người dân ngày càng tăng, mỗi năm bỏ ra rất nhiều tiền đi khám chữa bệnh ở nước ngoài trong khi trình độ y khoa trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng...
"Nhiều người đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài về nói trình độ thầy thuốc của ta cũng chả kém ai, thậm chí còn hơn nước ngoài. Do đó luật có làm nổi bật, xây dựng các trung tâm kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh hay không? Nếu làm tốt vấn đề này chúng ta còn phát triển dịch vụ khám, chữa bệnh ở Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần thể chế hóa chủ trương xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, trong đó phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong khám, chữa bệnh.
“Cần rà soát lại, làm rõ vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào trong quá trình đào tạo chuyên môn, chứng chỉ hành nghề. Thực tế có nhiều hội như: Tim mạch, gan, thận, trong khi Hội đồng y khoa quốc gia chỉ có 1 Chủ tịch là chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Vậy tại sao chúng ta không phát huy vai trò của các hiệp hội chuyên môn?”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh lĩnh vực y tế dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực, từ mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuốc men cho đến chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm cơ chế tài chính; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tự chủ về tài chính. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thêm vấn đề bảo vệ được người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa trong hoạt động y tế cũng như rủi ro nghề nghiệp...
Đề nghị nghiên cứu thêm về giấy phép hành nghề cho đối tượng là y sĩ
Đáng chú ý, dự thảo Luật quy định không cấp mới giấy phép hành nghề cho đối tượng là y sĩ từ ngày 1-1- 2025 nhưng vẫn cho phép: Y sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật năm 2009 tiếp tục hành nghề trọn đời; Lực lượng vũ trang tiếp tục được tuyển dụng, sử dụng y sĩ để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang và của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.
Thẩm tra về nội dung này Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc dự thảo luật quy định chỉ tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh “y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” mà không tiếp tục cấp cho các đối tượng y sĩ khác, một mặt, sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực y tế của hệ thống y tế cơ sở; mặt khác, chưa thể hiện sự liên thông giữa nguồn nhân lực dân y và quân y.
Do đó, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ, quy định cụ thể về phạm vi hành nghề đối với nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Y tế phải có định hướng và tiến hành đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sĩ nhằm đáp ứng nguồn nhân lực y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.
Góp ý về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề, lực lượng y sĩ thuộc lực lượng vũ trang khi hết tuổi phục vụ nếu không được hành nghề thì có lãng phí nguồn lực hay không?
"Nếu là quân nhân chuyên nghiệp thì 53 tuổi đã nghỉ, trong khi giai đoạn này là độ “chín” về nghề mà không cấp giấy phép hành nghề cho họ thì đào tạo chuyển nghề thế nào. Đây là nội dung cần đánh giá, thiết kế cho phù hợp”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.
Nguồn: PHƯƠNG HẰNG/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)