Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ sáng 25/5. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Sáng 25/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu.
Thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng
Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao những kết quả tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội từ cuối năm 2021 đến những tháng đầu năm nay trong bối cảnh khó khăn, thách thức chưa từng có, nhất là dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu 5 năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5%-7%. Năm 2022, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6%-6,5%, cộng thêm 2% từ thực hiện gói chính sách theo Nghị quyết 43 của Quốc hội thì mục tiêu tăng trưởng cả năm sẽ là 8%-8,5%.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của năm 2021 theo báo cáo chính thức của Chính phủ chỉ đạt 2,58% (so với 2,91% đã báo cáo). Ngân sách tăng thêm gấp 9 lần số ước thực hiện nhưng tăng trưởng lại giảm. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất đặt ra hiện nay theo Chủ tịch Quốc hội là làm thế nào để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 8%-8,5%, và đạt mục tiêu 5 năm như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đây là thách thức rất lớn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chia sẻ với những lo ngại của các đại biểu Quốc hội qua thảo luận liên quan giải ngân đầu tư công chậm, giải ngân gói chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội quá chậm…
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây cũng là những vấn đề mà Quốc hội và Chính phủ đang rất quan tâm trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trước những diễn biến phức tạp về địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn chậm được khắc phục.
Các đại biểu thảo luận tại tổ sáng 25/5. (Ảnh: LINH KHOA)
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay chi ngân sách nói chung đang rất khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Đầu tư công cũng rất thấp, cả năm 2021 chỉ đạt hơn 70%, vốn ODA cũng chỉ giải ngân được 32,85%. Gói kích thích kinh tế hiện chưa giải ngân được. Gói chính sách về y tế chưa có danh mục đầu tư nào. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng chưa giải ngân được.
Tìm giải pháp mới cho các vấn đề cũ
Dẫn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021, trong đó chuyển nguồn sang năm sau hơn 600 nghìn tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vấn đề không phải là không có tiền, mà là do không tiêu được ngân sách. Tình trạng này đã “kéo dài mấy năm nay”.
Nêu dẫn chứng từ vấn đề mua sắm thuốc men và trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ và Quốc hội đã đồng ý cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt, cho phép cả chỉ định thầu, tức là ở mức cao nhất, nhưng lại xuất hiện tình trạng một số nơi không dám mua, trong khi có nơi lại mua sai.
Nhấn mạnh trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế mà “có tiền không tiêu được”, trong khi thể chế thì không vướng gì nữa cả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng này.
Từ thực tế trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội là người sâu sát nhất ở địa phương cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao không tiêu được tiền, từ đó tập trung thảo luận, hiến kế cho Quốc hội và Chính phủ để tìm ra “giải pháp mới cho những vấn đề cũ”.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)
Phát biểu tại thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, (Kiên Giang) đề nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo, nghiên cứu, đưa ra giải pháp đột phá, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục triển khai, tạo chuyển biến tích cực và thực chất trong vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, để phục hồi bền vững trong điều kiện hiện nay, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp tích tụ đất đai hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu để chủ động về nguyên liệu, xem đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ phục hồi chuỗi cung ứng, hạn chế những tác động do đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Còn theo đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang), Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách riêng cho các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Trong đó, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics, các kho trữ lạnh ở đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết vấn đề lưu trữ nông sản trong giai đoạn cao điểm mùa thu hoạch, làm cơ sở cho tái đầu tư vào nông nghiệp trong vùng.
Để phát triển bền vững nông nghiệp vùng, theo đại biểu, cần mở rộng quy mô các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, đồng thời có chính sách mạnh hơn để thu hút đầu tư vào mảng này. Bên cạnh đó, nghiên cứu tăng kinh phí hỗ trợ cho các địa phương, nhất là các tỉnh đang nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương trên 50% để thực hiện các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn: TRUNG HƯNG/nhandan.vn
Tin mới cập nhật
- Làm sâu sắc thêm tin cậy chính trị và nâng cao hợp tác giữa các đảng chính trị ở khu vực châu Á ( 22/11)
- Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia ( 22/11)
- Tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thông qua việc sắp xếp, mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị Việt Nam ( 22/11)
- Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ( 15/11)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ( 13/11)
- Đưa hoạt động chất vấn trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội ( 12/11)