Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều nay (31/10), thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội, việc làm, đồng thời đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thống nhất đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành chính sách, giúp nền kinh tế sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm góp phần ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên, các ĐB đều cho rằng, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn trì trệ, vấn đề an sinh xã hội và việc làm cho người lao động đang còn nhiều bất cập, cần có biện pháp khắc phục.
Cần quan tâm hơn nữa đến người nghèo và phụ nữ
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) nhất trí với báo cáo của Chính phủ và cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp đã tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Những kết quả đạt được của nền kinh tế trong 3 năm qua là rất đáng kể và và có ý nghĩa quan trọng. Đó là kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiềm chế, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh chủ quyền quốc gia được giữ vững…
Riêng về vấn đề an sinh xã hội, đại biểu cho rằng, đây là vấn đề luôn được Đảng, Chính phủ và Quốc hội quan tâm. Các Nghị quyết của Quốc hội bên cạnh Nghị quyết về kinh tế thì luôn quan tâm và đề ra các Nghị quyết về về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Từ những định hướng đó, 3 năm qua (2011-2013), tuy kinh tế có khó khăn, GDP giảm nhưng đầu tư cho an sinh xã hội vẫn được chú trọng, đời sống của người dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; tỷ lệ tham gia người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng; chính sách hỗ trợ gạo cho dân nghèo tăng; y tế được mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, sức khỏe nhân dân được cải thiện…Tuy nhiên, báo cáo còn đề cập một số hạn chế cần được quan tâm và có giải pháp kịp thời.
Cụ thể, về vấn đề gia đình, theo ĐB, cả báo cáo năm 2013 và giai đoạn 2011- 3013 chưa có báo cáo bổ sung đánh giá về vấn đề gia đình, mặc dù năm 2013 là năm gia đình. Tuy đạt được một số kết quả ban đầu, tạo tiền đề để nâng cao vị trí ý nghĩa của gia đình nhưng trách nhiệm của xã hội đối với gia đình và trách nhiệm của gia đình đối với xã hội còn chưa được đề cập.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cần phân tích thêm về đời sống của tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp nông dân, nhất là hộ nghèo. Kết quả điều tra vừa qua cho thấy, 50% số hộ nông dân phải vay nợ nhưng chỉ vay được từ nguồn chính thức là khoảng 13%, phụ nữ trung niên các vùng thu hồi đất thì cơ hội có việc làm mới rất là khó…
Về vấn đề việc làm, ĐB cũng đề nghị, báo cáo cũng cần phân tích thêm nguyên nhân vì sao mà tỷ lệ thanh niên tại các đô thị thất nghiệp còn cao gấp 4,5 lần so với người lớn tuổi trong khi chúng ta lại đang trong thời kỳ dân số vàng. Bởi vậy, “Chính phủ và Quốc hội cần có giải pháp để góp phần tăng tỷ lệ người lao động được đào tạo, cần chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về học nghề, quan tâm tạo điều kiện thêm cho các cơ sở đào tạo nghề để có các hình thức dạy nghệ linh hoạt, phù hợp với lực lượng lao động trung niên, nhất là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, góp phần tạo việc làm cho chị em nói riêng và người lao động nói chung”, ĐB đề xuất.
ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đề nghị, Chính phủ cần có những chính sách để cán bộ ở cấp xã, phường khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng mới đóng góp BHXH được trên 15 năm (chưa đủ 20 năm theo quy định) được đóng bảo hiểm tự nguyện một lần và được hưởng ngay sau khi đóng BHXH.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần có chính sách đối với phụ nữ không thuộc diện đóng bảo BHXH bắt buộc, khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản. Đặc biệt, “một số nữ chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn Chính phủ xem xét có những chính sách phù hợp yêu cầu và tài sản thế chấp khi vay vốn tăng cường như tư vấn lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, tư vấn quản lý tài chính…và cho phép nộp thuế đất một lần theo khung giá gần nhất mà các doanh nghiệp đang thực hiện để có thể nâng đỡ và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ phát triển”, ĐB nhấn mạnh.
Nhất trí với quan điểm của ĐB Hòa, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng cho rằng, trong 3 năm qua (2011-2013) tỷ lệ hộ nghèo đã giảm gần 50%. Tuy nhiên, con số này chưa thật bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Bởi vậy, cần phải chú trọng giảm nghèo, coi đây là giải pháp thúc đẩy sự phát triển xã hội bền vững.
ĐB cũng đề nghị, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn thì phải coi trọng nguồn lực xã hội, trong đó phải có nguồn lực của bản thân người nghèo, để có giải pháp chính sách phù hợp, đồng thời chú trọng giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chưa huy động tốt nguồn vốn các thành phần kinh tế trong và ngoài nước
Nhận định nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phục hồi, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, trong 15 chỉ tiêu mà Quốc hội thông qua năm 2013, đã có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch là tăng trưởng GDP đạt 5,4/ 5,5% kế hoạch và tạo việc làm đạt 1,54 triệu việc làm so với kế hoạch là 1,6 triệu.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tồn tại như tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm còn nhiều; môi trường kinh doanh chưa bình đẳng, công bằng; chưa kích thích mạnh mẽ đầu tư dài hạn, đầu tư quy mô lớn; đổi mới công nghệ nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh; chưa khai thác kịp thời huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước… Đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội cần phân tích sâu sắc thêm về vấn đề này và có giải pháp phù hợp.
Về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu trong thời gian tới, hầu hết các ĐB nhất trí về dự báo tình hình, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường và các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác nhau về mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu chủ yếu.
Về vấn đề này, đa số ĐB cho rằng, nguyên nhân tình trạng trì trệ của nền kinh tế hiện nay là do đã quá thiên về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong 3 năm qua và thắt chặt quá mức các nguồn lực cho tăng trưởng. Tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, thu ngân sách khó khăn là kết quả tất yếu vì tổng cầu bị thu hẹp và kéo dài gần 3 năm; tình trạng này nếu tiếp tục duy trì sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô trong trung hạn. Vì vậy, cần có sự thay đổi định hướng chính sách, trong khi đầu tư tư nhân sụt giảm mạnh thì phải tăng tỷ trọng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước để sớm phục hồi tổng cầu, khi đầu tư tư nhân phục hồi sẽ có lộ trình giảm đầu tư nguồn vốn nhà nước.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, nhiều ĐB đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ nên ở khoảng 5,5% là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30-31% GDP; tăng tín dụng ở mức 14-15%; đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)