Chủ trương của Đảng về văn hóa có sức lan tỏa sâu rộng
EmailPrintAa
09:03 09/08/2013

Xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy cách mạng của Đảng ta.

Hôm nay (8/8) tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Tới dự có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương. 

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, diện mạo văn hoá Việt Nam được đánh giá là ngày càng khởi sắc hơn, từ tính đa dạng đến nét đặc trưng trong văn hoá của mỗi dân tộc nói riêng và đại gia đình các dân tộc Việt Nam nói chung. 

Đời sống văn hoá cơ sở phát triển rộng khắp với những phong trào thiết thực mà điển hình là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Công tác bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số cũng được quan tâm và coi trọng và đến nay Việt Nam đã có 17 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh…

Các tham luận tại Hội nghị tập trung đánh giá, phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra, trong đó nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong 10 nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Trung ương 5 là xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng đây cũng là hạn chế, thách thức lớn nhất hiện nay. Đó là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang gây ra bức xúc trong xã hội… 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách trước tiên là tiếp tục đổi mới nhận thức và quan điểm về vị trí và vai trò văn hoá trong thời kỳ mới: “Đối diện với toàn cầu hoá kinh tế và toàn cầu hoá về văn hoá, Việt Nam phải phấn đấu xây dựng một nền văn hoá của quốc gia dân tộc vững chắc. Văn hoá sẽ là nhân tố hoà giải, đoàn kết dân tộc trước toàn cầu hoá và những âm mưu làm suy yếu nước ta. Văn hoá Việt Nam phải là văn hoá của toàn dân, hướng tới các giá trị khoa học, hiện đại, nhân văn, lấy nòng cốt là đội ngũ trí thức, những người hoạt động văn hoá, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước vì lợi ích tinh thần của nhân dân Việt Nam và góp phần với bè bạn trên thế giới”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và các mặt của đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy cách mạng của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới.

Qua 15 năm thực hiện, nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong Đảng, trong xã hội được nâng lên rõ rệt. Chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Nguồn lực văn hoá, mà trước hết là nguồn lực con người ngày càng được phát huy và phát triển toàn diện.

Quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa cũng ngày càng được mở rộng và phát huy sức mạnh. Quá trình xây dựng và phát triển văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung to lớn của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Thủ tướng yêu cầu: Bên cạnh những thành tựu đạt được, khẳng định giá trị to lớn của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII thì cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém của sự nghiệp phát triển văn hóa trong thời gian qua. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trước hết, nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị và trong nhân dân về văn hóa và xây dựng nền văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 chưa cao, chưa sâu sắc. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa còn nhiều hạn chế, yếu kém. Hệ thống văn bản pháp quy về văn hóa chưa thích ứng với sự năng động của nền kinh tế thị trường. Quản lý văn hóa, nghệ thuật còn lúng túng. Chưa có nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật xứng tầm với thành tựu to lớn của thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản vẫn còn nhiều hạn chế. 

Đạo đức, lối sống, nhân cách văn hóa của người Việt Nam nhiều nơi, nhiều lúc vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ngay từ gia đình, nhà trường, sự tự giác giữ gìn, xây dựng của mỗi người. Sự tha hóa, lối sống xa hoa, phù phiếm, giả dối, cá nhân, vị kỷ, vô cảm có xu hướng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức trong tổ chức các hoạt động, các sự kiện văn hóa ngày càng lan rộng.

Những yếu kém nêu trên không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn có thể làm chệch hướng sự phát triển, làm xấu hình ảnh của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Theo Thủ tướng, đây là một nguy cơ, thậm chí là nguy cơ của mọi nguy cơ, trong bối ảnh chúng ta xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị (Ảnh: Chinhphu.vn)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với ngành liên quan nghiên cứu, cụ thể hóa với những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả nhất để vừa phát huy tiềm năng, lợi thế, vừa hạn chế những tác động tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa; tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước đã cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển văn hóa đến 2020; chủ động hội nhập văn hoá trên tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, giữ được bản sắc văn hóa tốt đẹp dân tộc. 

Thủ tướng cũng yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn ngành Văn hóa thể thao, du lịch cần có các biện pháp và hành động thiết thực để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống chính sách, biện pháp thực thi phù hợp để khai thác và phát huy được tiềm năng kinh tế của văn hóa và tiềm năng văn hóa trong kinh tế. 

Thủ tướng nhấn mạnh, kế thừa tinh hoa trong nhân cách văn hóa Việt Nam từ ngàn đời để xây dựng nhân cách con người Việt Nam với các giá trị văn minh mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. 

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường quản lý Nhà nước tốt hơn nữa, cả về xây dựng và thực thi thể chế, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để tạo mọi thuận lợi cho phát triển văn hóa, ngăn chặn hiệu quả các mặt tiêu cực, tha hóa, đồng thời tập trung xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc với những thiết chế văn hóa mới, xứng tầm với thời đại.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng văn hóa nước ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng Hội nghị lần này sẽ có những đóng góp thiết thực với những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp mới phù hợp, sáng tạo trong điều kiện mới để tất cả mọi người cùng chung sức xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới, để Tổ quốc ta mãi mãi là một quốc gia văn hiến, để dân tộc ta mãi mãi là một dân tộc văn hóa, xứng đáng với tầm vóc của mình trong lịch sử và tự tin, đủ sức vững bước tiến cùng thời đại./.


    Ý kiến bạn đọc