Chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông lớp 1 mới
EmailPrintAa
16:21 04/06/2019

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai ở bậc tiểu học từ năm học 2020-2021. Vì vậy, các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới đối với lớp 1. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình mới, tổ chức học hai buổi/ ngày ở bậc tiểu học vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Giờ học tại Trường tiểu học khu đô thị Sài Đồng, Hà Nội.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), chương trình GDPT mới ở bậc tiểu học là chương trình được thiết kế học hai buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá bảy tiết học. Mục tiêu của hoạt động dạy học hai buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, nhất là các hoạt động thực hành, rèn luyện, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Dạy học hai buổi/ngày cũng hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập, đáp ứng yêu cầu quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học. Việc tổ chức dạy học hai buổi/ngày không phải là mới. Trong những năm qua, việc dạy học hai buổi/ngày được tổ chức ở nhiều địa phương với tỷ lệ học sinh tiểu học học hai buổi/ngày của cả nước đạt gần 80%. Một số địa phương đã đạt tỷ lệ 100% học sinh học hai buổi/ngày như: Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam… Tại tỉnh Lào Cai, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD và ĐT Lào Cai) Trần Thị Minh Thu cho biết: Là một tỉnh vùng cao, biên giới có 72% số học sinh là người dân tộc thiểu số, do đó, việc tổ chức dạy học hai buổi/ngày là cần thiết để học sinh tăng cường tiếng Việt, đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục, giúp học sinh dân tộc thiểu số đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, những năm qua, toàn tỉnh có 100% các trường tiểu học dạy hai buổi/ ngày với gần 80 nghìn học sinh. Ngoài học các môn học bắt buộc, học sinh còn được học các môn học tự chọn và tham gia các câu lạc bộ yêu thích cũng như các hoạt động trải nghiệm. Đại diện Sở GD và ĐT Nghệ An cho rằng: Dạy học hai buổi/ngày được xem là giải pháp hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ưu điểm nổi bật của dạy hai buổi/ngày là giáo viên có nhiều thời gian sâu sát và nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh, từ đó có hướng bồi dưỡng phù hợp. Hiện nay, Nghệ An có 80% số trường tiểu học dạy học hai buổi/ngày, ngoài được học các kiến thức theo quy định, học sinh còn được học thêm các môn Ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng sống, nhờ đó, sẽ tạo thuận lợi cho tỉnh trong việc triển khai chương trình GDPT mới trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các địa phương đã chỉ ra những thách thức đặt ra khi dạy hai buổi/ ngày. Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng, tỷ lệ giáo viên tiểu học là nữ chiếm gần 100%, do đó khi giáo viên nghỉ ốm, sinh con, việc bố trí dạy thay, kiêm nhiệm các nội dung khác rất khó khăn. Vì vậy, tỷ lệ 1,5 giáo viên/ lớp đối với trường tiểu học khi tổ chức dạy hai buổi/ ngày như hiện nay là không đủ... Đại diện Sở GD và ĐT thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ việc tăng dân số cơ học ở một số quận, huyện có tỷ lệ dân nhập cư cao như Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp... đã tạo áp lực lớn về cơ sở vật chất, do đó việc tổ chức dạy học hai buổi/ngày sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, một số địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, sắp xếp chương trình cho các môn học sao cho hợp lý, không tạo áp lực cho học sinh.

Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, (Bộ GD và ĐT) Thái Văn Tài cho biết: Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho học sinh học hai buổi/ngày do khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân. Bên cạnh đó, trong chương trình mới có thêm hai môn học là Ngoại ngữ 1; Tin học và Công nghệ, cho nên việc bổ sung giáo viên Tin học và tiếng Anh là khó khăn không nhỏ của nhiều địa phương, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế như hiện nay.

Vì vậy, để chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới đối với lớp 1, các địa phương cần tăng cường cơ sở vật chất để tổ chức dạy học hai buổi/ngày; chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình GDPT mới; phối hợp thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Trong đó, bảo đảm các trường có tỷ lệ một phòng học/lớp, có đủ phòng chức năng, thư viện, sân chơi, bãi tập, công trình vệ sinh sạch sẽ; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1. Đáng chú ý, cần bảo đảm sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học. Đối với các địa phương có tỷ lệ giáo viên thấp cần có phương án tuyển dụng để bảo đảm thực hiện dạy học hai buổi/ngày. Bộ GD và ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025. Theo đó, sẽ xây dựng lại và xây mới nhiều trường lớp học, phòng học chức năng... đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới.

Toàn quốc hiện có 15.525 trường tiểu học với tỷ lệ trung bình chung là 0,89 phòng/lớp, trong đó miền núi phía bắc đạt 0,90; Tây Nguyên đạt 0,85; Tây Nam Bộ đạt 0,7. Để tổ chức dạy học hai buổi/ngày cấp tiểu học tỷ lệ phòng học phải đạt một phòng/lớp.

Theo kế hoạch từ 2017-2020, cả nước đầu tư xây dựng 5.900 phòng học tiểu học thay thế các phòng học tạm thời; xây dựng bổ sung 6.000 phòng học và 7.770 phòng chức năng; 3.420 phòng thư viện.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguồn: nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc