Công nhân Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội kiểm tra thông số vận hành một trạm biến áp 110kV. Ảnh: TÙNG LÂM
Việc tăng giá điện sẽ gây tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời, hợp lý nhằm hạn chế tác động tiêu cực, kiểm soát tốt lạm phát, tạo điều kiện để kinh tế tiếp tục phát triển bền vững.
Tính toán thận trọng
Tại buổi họp báo công bố quyết định tăng giá điện, Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân các năm nói chung và điều chỉnh giá điện năm 2019 nói riêng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.
Về điều chỉnh giá điện lần này, sau khi có kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2017 và kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN xây dựng các phương án giá điện năm 2019 theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện. Phương án tăng giá điện bình quân 8,36% đã được cân nhắc với mục tiêu là đưa vào dần các chi phí còn treo, đồng thời bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, có xem xét đến tình hình kinh tế vĩ mô.
Lý giải nguyên nhân tăng giá điện lần này, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, có nhiều yếu tố tác động tăng giá điện, trong đó quan trọng nhất là giá nguyên liệu đầu vào. Năm 2019, chúng ta chính thức thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với than làm giá than tăng. Từ ngày 5-1, giá than bán cho sản xuất điện đã tăng từ 2,61 đến 7,67% tùy loại, làm tăng chi phí phát điện năm 2019 lên khoảng 3.000 tỷ đồng. Không những vậy, giá than cũng sẽ được tiếp tục điều chỉnh bước hai đồng thời với giá điện. Cụ thể, giá than của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ tăng 3,77% và than Đông Bắc tăng khoảng 5%, khiến chi phí phát điện năm nay ước tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. Mặt khác, do than trong nước không đủ, một số nhà máy điện than sẽ phải sử dụng than trộn giữa trong nước và nhập khẩu. Chi phí phát điện của các nhà máy sử dụng loại than này cũng ước tính tăng hơn 1.900 tỷ đồng. Tương tự với giá khí, cũng từ ngày 20-3, giá khí bán cho nhà máy điện trong bao tiêu sẽ được chuyển sang bán với giá thị trường. Điều này cũng khiến cho chi phí sản xuất điện năm 2019 dự kiến sẽ tăng hơn 5.800 tỷ đồng so năm trước. Cộng thêm nhiều chi phí của ngành điện hiện được tính bằng ngoại tệ như vốn vay nước ngoài, giá khí trả bằng USD, từ đó, theo tính toán, việc trượt tỷ giá sẽ tăng khoảng 1,36%.
Với những chi phí đầu vào đều tăng này, cộng thêm việc phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá từ các năm trước chưa được tính vào giá điện (do giá điện vẫn giữ nguyên từ ba năm nay), đã khiến giá điện năm 2019 phải tăng như mức đã công bố.
Bên cạnh đó, để giảm tác động của việc tăng giá điện, nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kW giờ/hộ/tháng; hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kW giờ/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kW giờ/hộ/tháng. Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh được phê duyệt, Bộ Công thương sẽ có những điều chỉnh cụ thể đối với từng nhóm khách hàng theo thẩm quyền theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho phù hợp.
Giải pháp hạn chế tác động
Việc tăng giá điện chắc chắn sẽ tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và nhất là tới hoạt động sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân. Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ Bùi Trọng Hiếu cho biết: Đối với những doanh nghiệp cơ khí, nhu cầu tiêu thụ lượng điện rất lớn, cho nên việc tăng giá điện sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng theo, ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, trước mắt khi giá điện tăng, công ty sẽ tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện như tính toán lại hệ thống chiếu sáng, tận dụng ánh sáng cũng như thông gió tự nhiên; thay thế các máy móc công nghệ cũ không tiết kiệm điện;... Riêng về việc sắp xếp lại sản xuất theo khung giờ thấp điểm, theo ông Hiếu là không hề đơn giản vì như vậy sẽ phải chịu thêm chi phí cho công nhân làm ca ba, lại ảnh hưởng hiệu suất cũng như sức khỏe của cả đội ngũ công nhân và lãnh đạo công ty. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường chia sẻ: Nhìn chung, các doanh nghiệp dệt may đã có sự chủ động thích ứng với việc điều chỉnh giá điện bằng việc triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết giảm chi phí. Trong các giải pháp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có thể thực hiện nhanh, thiết thực nhất. Thí dụ, chiếu sáng là hệ thống quan trọng và tiêu thụ điện nhiều nhất đối với các công ty may. Do đó, sử dụng các loại đèn hiệu suất cao, tiết kiệm điện là giải pháp mang lại hiệu quả trông thấy,... Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn mong việc tăng giá điện và mức độ tăng cần được cân nhắc thật kỹ để không tăng thêm gánh nặng chi phí quá lớn.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng giá điện sau ba năm được điều chỉnh đã “dồn tích” khá lớn, khiến giá điện lần này tăng ở mức 8,36%; cộng thêm thời điểm tăng ngay trong quý I cho nên sẽ tác động lớn đến mặt bằng giá cũng như lạm phát cả năm vì điện là đầu vào của tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Bộ Công thương đã phối hợp Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể, phương án điều chỉnh giá điện tăng 8,36% sẽ làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26 đến 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng từ 0,15 đến 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22 đến 0,25%. Ông Tuấn khẳng định: Với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20-3, theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3 đến 3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn bảo đảm mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khuyến nghị: Để giảm bớt tác động tiêu cực cũng như khả năng phá vỡ mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm từ việc tăng giá điện, việc điều hành các loại giá dịch vụ khác do Nhà nước quản lý như giáo dục, y tế,... sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều. Ngoài ra, tác động đến lạm phát ngoài chính sách về giá, còn hai chính sách quan trọng nữa là tiền tệ và tài khóa. Trong năm 2019, căn cứ vào biến số giá điện cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát bình quân dưới 4%, cần tập trung nhiều hơn vào việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là việc điều chỉnh lãi suất và tín dụng. Mặt khác, cần giữ nghiêm kỷ luật tài khóa cũng như mức thâm hụt ngân sách, phối hợp tốt với chính sách tiền tệ để kiểm soát tốt mục tiêu lạm phát đã đề ra. Nếu thực hiện tốt các giải pháp, dù giá điện tăng, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra cho năm 2019. Riêng về trung hạn, việc tăng giá điện sẽ tác động giúp bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cũng như việc sử dụng tiết kiệm năng lượng. Do đó, việc tăng giá điện sẽ không gây tác động quá lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, hộ tiêu dùng nếu họ biết chủ động chuyển sang sử dụng các công nghệ tiết kiệm điện. Khi đó, chắc chắn mức tăng chi phí sản xuất sẽ không tương ứng với mức tăng giá điện 8,36% như hiện nay.
Hằng năm, EVN đều phải thuê các đơn vị kiểm toán độc lập tiến hành kiểm tra quá trình sản xuất, kinh doanh điện. Chỉ có những chi phí liên quan quá trình sản xuất, kinh doanh điện đã kiểm toán mới được đưa vào để tính toán giá thành. Sau khi các đơn vị kiểm toán độc lập đưa ra kết quả, Bộ Công thương tiếp tục thành lập tổ công tác bao gồm đại diện các đơn vị của bộ, các bộ, ngành liên quan cùng kiểm tra lại kết quả kiểm toán này.
NGUYỄN ANH TUẤN Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương)
Nguồn: nhandan.com.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)