Chung tay nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống người Việt Nam
EmailPrintAa
15:25 27/02/2019

Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2-9-2018 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Chương trình được triển khai nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành và các tổ chức xã hội trong thực hiện tốt các biện pháp nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương khám cho người bệnh. Ảnh: THANH HÀ

Trong những năm qua, Việt Nam đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, nhất là tăng tuổi thọ và thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã đạt 75,6 tuổi; tỷ suất tử vong trẻ em dưới năm tuổi giảm xuống còn 22,1‰; tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 14,1%... Việt Nam cũng kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập, không để dịch lớn xảy ra; được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vắc-xin; phát triển được những kỹ thuật cao, kỹ thuật mới góp phần cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo…

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu đang gây ra những hệ lụy. Đó là ô nhiễm môi trường sống cùng với sự gia tăng các yếu tố nguy cơ về hành vi lối sống đã làm trầm trọng gánh nặng mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, nhất là bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính... những căn bệnh này đang chiếm gần 80% số ca tử vong hằng năm. Trong khi đó, việc phòng, chống các yếu tố nguy cơ, khám phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc người bệnh ở tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được chú trọng. Mặc dù người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nhưng có tới gần mười năm phải sống với bệnh tật, vì thế làm giảm nhiều chất lượng của cuộc sống. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam cũng chưa được cải thiện nhiều trong những năm qua.

Để giải quyết những thách thức nêu trên, cũng như thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là: Xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực ưu tiên gồm: dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân; sức khỏe người cao tuổi; sức khỏe người lao động. Đây là chương trình tổng thể được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chương trình Sức khỏe Việt Nam được thực hiện với quan điểm: bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Đối với tất cả các bộ, ngành có liên quan như: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội… căn cứ theo chức năng và lĩnh vực phụ trách, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện. Theo đó, làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác chăm sóc sức khỏe; vận động, hướng dẫn người dân có kiến thức và biết tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Cần phải làm cho các hành vi lối sống có lợi cho sức khỏe hằng ngày trở thành những phong trào sâu rộng, bền vững, thành các tiêu chí về nếp sống và văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, nhất là tại tuyến y tế cơ sở, để mọi người dân được thường xuyên, định kỳ kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện sớm bệnh tật; được tư vấn, hướng dẫn về sức khỏe, đồng thời được chăm sóc, quản lý, điều trị bệnh lâu dài tại nơi sinh sống, nhất là với người mắc các bệnh mạn tính và người cao tuổi. Nói cách khác, mọi người phải được chăm sóc, quản lý sức khỏe ngay từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi về già.

Tăng cường thực thi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật để giảm các yếu tố nguy cơ với sức khỏe và tạo môi trường hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt chú trọng đến: kiểm soát quảng cáo, có chính sách thuế phù hợp nhằm giảm sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có đường, thực phẩm chế biến sẵn và một số sản phẩm khác có nguy cơ gây bệnh. Đồng thời có chính sách khuyến khích sản xuất, cung cấp và tiêu thụ các thực phẩm an toàn, sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục, thể thao; phát triển giao thông công cộng và giao thông phi cơ giới.

Thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam có vai quan trọng của các địa phương. Do đó, UBND các tỉnh, thành phố cần đưa các chỉ tiêu của chương trình vào chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời trực tiếp chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Đối với Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác cùng tham gia chỉ đạo, triển khai và phối hợp để tuyên truyền, vận động, huy động toàn dân tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Đưa nội dung của Chương trình vào cuộc sống, trở thành những việc làm thường xuyên, thiết thực hằng ngày của cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư.

Chương trình Sức khỏe Việt Nam sẽ chính thức được phát động trên phạm vi cả nước đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) với nhiều hoạt động đồng thời diễn ra như: tổ chức đo huyết áp, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm nhanh đường máu và tư vấn sức khỏe để tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe phát hiện sớm bệnh tật; tổ chức hoạt động tập thể dục và đi xe đạp, đi bộ diễu hành để quảng bá, hưởng ứng phong trào toàn dân tăng cường vận động thể lực nâng cao sức khỏe… Kêu gọi mỗi người dân cần thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội như: thường xuyên rửa tay với xà-phòng; tăng cường vận động, đi bộ, tập thể dục, thể thao; không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia… Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây; đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh... Mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình, “mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”.

Nguồn: Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tế/nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc