Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới - Những kết quả bước đầu và một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn
EmailPrintAa
09:39 20/03/2012

  

1. Mục tiêu và quá trình triển khai thực hiện Chương trình
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản  sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Trong hơn 25 năm đổi mới vừa qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và to lớn. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được đó còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông nghiệp phát  triển  còn  kém  bền  vững.  Nông  thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc. Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) đã ra Nghị quyết "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" để giải quyết vấn đề chiến lược này, trong đó đề ra chủ trương, nhiệm vụ hết sức quan trọng là "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường" và đề ra mục tiêu đến năm 2020 xây dựng được khoảng 50% số xã trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Ðây là một chủ trương có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội; thực hiện thắng lợi chủ trương này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nền kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, một lực lượng xã hội đông đảo chiếm khoảng 70% dân số của cả nước, tạo ra diện mạo nông thôn mới "ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc", thể hiện rõ bản chất ưu việt, tốt đẹp của chế độ ta. Mặc dù trước đây, Ðảng, Nhà nước ta cũng đã từng chỉ đạo xây dựng một số điểm nông thôn mới, nhưng ở phạm vị còn hẹp và trong thời kỳ áp dụng cơ chế bao cấp, chủ yếu dựa vào đầu tư của Nhà nước, vì vậy, khó nhân ra trên diện rộng. Lần này, việc xây dựng nông thôn mới được thực hiện trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với yêu cầu "phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân", "phát huy cao nhất nội lực", đồng thời có sự hỗ trợ của Nhà nước. Ðây là vấn đề rất mới. Vì vậy, trước khi thực hiện Nghị quyết Trung ương trên diện rộng, Bộ Chính trị (khóa X) đã giao Ban Bí thư (khóa X) chỉ đạo tổ chức làm thí điểm để rút kinh nghiệm.
Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo và thông qua Ðề án về chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới với mục tiêu là:
(1) Xây dựng mô hình thực tế về nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Nghị quyết Trung ương đã đề ra; (2) Trên cơ sở tổng kết chương trình thí điểm, xác định rõ nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới để nhân rộng sau này; chọn ra 11 xã ở 11 tỉnh, thành phố tiêu biểu cho các vùng khác nhau của cả nước để chỉ đạo điểm là: 1- xã Thanh Chăn (tỉnh Ðiện Biên); 2- xã Tân Thịnh (tỉnh Bắc Giang); 3 - xã Hải Ðường (tỉnh Nam Ðịnh); 4- xã Gia Phố (tỉnh Hà Tĩnh); 5- xã Tam Phước (tỉnh Quảng Nam); 6- xã Tân Hội (tỉnh Lâm Ðồng); 7- xã Tân Lập (tỉnh Bình Phước); 8- xã Mỹ Long Nam (tỉnh Trà Vinh); 9- xã Ðịnh Hòa (tỉnh Kiên Giang); 10- xã Thụy Hương (thành phố Hà Nội); 11- xã Tân Thông Hội (thành phố Hồ Chí Minh). Ở các tỉnh, thành phố có xã điểm, thành lập Ban Chỉ đạo và ở các xã được chọn làm điểm, thành lập Ban Quản lý chương trình. Quán triệt tư tương chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương, Ðề án nêu 5 quan điểm trong thực hiện Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới là: (1) Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và thực hiện Chương trình, các nội dung cụ thể của Chương trình trên địa bàn phải được nhân dân địa phương dân chủ bàn bạc, quyết định; (2) Dựa vào nội lực của cộng đồng là chính với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền các cấp; (3) Phối hợp, kế thừa, phát huy kết quả của các chương trình, dự án đã và đang thực hiện trên địa bàn, những cơ sở hạ tầng đã được xây dựng; (4) Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cả hệ thống chính trị phải chung tay xây dựng nông thôn mới và (5) Trong triển khai xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới được phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Căn cứ Ðề án được Ban Bí thư thông qua, Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành các văn bản hướng dẫn các xã điểm đánh giá tình hình, xây dựng Ðề án xây dựng nông thôn mới ở xã, tổ chức để Ðảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân xã thảo luận, góp ý, sau đó nghe báo cáo, góp ý với đề án của 11 xã để các xã hoàn thiện, báo cáo các Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo, đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương có liên quan, ban hành các văn bản hướng dẫn trong phạm vi thẩm quyền của mình để thực hiện các nội dung của Ðề án, như: Bộ Tài chính có Thông tư số 174/2009/TT-BTC ngày 8-9-2009 hướng dẫn cơ chế đặc thù về huy động và quản lý các nguồn vốn, Thông tư số 72/2010/TT-BTC ngày 11-5-2010 hướng dẫn cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư thực hiện Chương trình ở 11 xã điểm; Bộ Kế hoạch và Ðầu tư ban hành Thông tư số 18/TT-BKH&ÐT ngày 27-7-2010 hướng dẫn cơ chế đặc thù về cơ chế đầu tư xây dựng cơ bản ở 11 xã điểm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hành Sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới; Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) triển khai dự án đào tạo nghề cho nông dân ở các xã điểm; Ngân hàng Nhà nước ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2010/NÐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Các văn bản này đã giúp các xã điểm tháo gỡ khó khăn và có căn cứ pháp lý để chủ động triển khai thực hiện Chương trình.
Trong quá trình thực hiện Chương trình, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương được phân công đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố kiểm tra, đôn đốc các xã điểm; Thường trực Ban Chỉ đạo mỗi tháng một lần, Ban Chỉ đạo ba tháng một lần họp, đánh giá tiến độ và kết quả triển khai Ðề án, phát hiện để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho xã, nhất là trong những năm đầu triển khai thực hiện Ðề án. Ðịnh kỳ sáu tháng, một năm, Ban Chỉ đạo tổ chức sơ kết kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm về nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện. Ðầu năm 2012, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức tổng kết, báo cáo Ban Bí thư về kết quả thực hiện Chương trình.
2. Những kết quả chủ yếu sau gần ba năm thực hiện Chương trình
Gần ba năm qua, với sự nỗ lực cao của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã điểm, Ban Chỉ đạo các cấp, các bộ, ngành liên quan, các nội dung trong Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới đã được triển khai thực hiện toàn diện, tích cực và cơ bản đạt được yêu cầu, mục tiêu đề ra, cụ thể là: 
- Về quy hoạch nông thôn mới: Ðây là nội dung phải được triển khai thực hiện trước một bước để làm căn cứ thực hiện các nội dung khác. Với sự hỗ trợ của cán bộ các đơn vị tư vấn ngành xây dựng, Ban quản lý chương trình ở các xã điểm đã rà soát, kế thừa, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đã có, xây dựng các quy hoạch theo yêu cầu của Chương trình xây dựng nông thôn mới (quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch các khu dân cư, quy hoạch sản xuất...) để Ðảng bộ và nhân dân trong xã thảo luận, hoàn chỉnh, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng. Ban đầu, do phương pháp, quy trình, định mức kinh phí cho công tác quy hoạch đều thực hiện theo các quy định chung đang được sử dụng của ngành xây dựng nên tập trung nhiều vào quy hoạch xây dựng, chưa quan tâm đúng mức tới quy hoạch phát triển sản xuất và kinh phí cho công tác quy hoạch khá cao, khó có thể áp dụng trên diện rộng sau này. Ban Chỉ đạo chương trình đã kịp thời phát hiện, trên cơ sở thực tiễn của một số địa phương, điều chỉnh lại nội dung, cách làm phù hợp với tình hình các xã hiện nay để nâng cao chất lượng và giảm bớt kinh phí quy hoạch. Trên cơ sở kinh nghiệm này, Bộ Xây dựng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 193/QÐ-TTg ngày 2-2-2010 về quy hoạch nông thôn mới; các bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTNMT về Quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Ðến hết năm 2011, 11 xã đã hoàn thành quy hoạch chung, 10/11 xã hoàn thành các quy hoạch chi tiết.
- Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Ðây là nội dung quan trọng để thúc đẩy sản xuất, cải thiện điều kiện sống của nhân dân. Ðể chuẩn bị thực hiện nội dung này, các xã điểm đều khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có và dựa trên các tiêu chí về cơ sở hạ tầng của xã nông thôn mới để xác định những việc cần làm, những công trình cần xây dựng, đưa ra nhân dân thảo luận, lựa chọn cách làm và thứ tự ưu tiên làm trước, làm sau theo hướng với những công trình đã có thì tập trung cải tạo, nâng cấp để đạt chuẩn, chỉ xây dựng mới những công trình chưa có; chỉ những công trình có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, vốn lớn, mới lập dự án đầu tư và đấu thầu thi công, còn chủ yếu chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật rồi tổ chức để nhân dân trong xã tự làm, có sự giám sát của cộng đồng. Việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đòi hỏi một lượng vốn lớn, theo quan điểm phát huy nội lực, các xã điểm đã tuyên truyền vận động, huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, như đóng góp bằng tiền, bằng công sức, vật liệu và hiến đất cho xây dựng các công trình (mở rộng đường, làm kênh mương, làm trường học, trạm xá...), kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, sự đóng góp xây dựng quê hương của con em trong xã công tác ở các vùng trong cả nước... Ðồng thời, sự hỗ trợ ban đầu của ngân sách Nhà nước Trung ương và địa phương có ý nghĩa rất quan trọng để tạo lòng tin và tạo đà cho việc thực hiện Chương trình. Theo Ðề án được Ban Bí thư thông qua, hai xã Thụy Hương (Hà Nội) và Tân Thông Hội (thành phố Hồ Chí Minh) mỗi xã được ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 tỷ đồng, xã Hải Ðường (Nam Ðịnh) 20 tỷ đồng, các xã còn lại mỗi xã 30 tỷ đồng, riêng xã Thanh Chăn (Ðiện Biên) do rất khó khăn, được hỗ trợ 50 tỷ đồng. Ngoài ngân sách Trung ương, các địa phương (tỉnh, huyện, xã) đều có hỗ trợ từ ngân sách cho thực hiện Chương trình với mức độ khác nhau; các xã nằm trong vùng có các chương trình mục tiêu của Nhà nước còn được địa phương ưu tiên lồng ghép để sử dụng vốn xây dựng trước các công trình hạ tầng; nhiều xã được ưu tiên sử dụng tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng... Với việc triển khai thực hiện tập trung tích cực, đến hết năm 2011, cơ sở hạ tầng ở 11 xã điểm đã cơ bản được cải tạo, nâng cấp, xây dựng khá đồng bộ, tuy ở mức độ khác nhau, nhưng đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn. Có hơn 80% đường giao thông thôn, xã được làm mới, cải tạo, nâng cấp (khoảng 270 km), hơn 60% đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, bảo đảm đi lại sạch sẽ, không lầy lội mùa mưa; 30% đường trục nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới có thể đi lại. Ðã cải tạo, nâng cấp được gần 100 công trình thủy lợi, đạt gần 80% kế hoạch; 8/11 xã hoàn thành nâng cấp, cải tạo hệ thống điện, nâng tỷ lệ hộ dùng điện lên 99,5%... Tổng  hợp lại,  đã có 8/11 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí về cơ sở hạ tầng thiết yếu theo tiêu chí nông thôn mới.
- Về phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ðây là một trong những  nội dung chủ yếu, quan trọng nhất của Chương trình, yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, lâu dài của mô hình, nhưng cũng là nội dung khó nhất nên được Ban Chỉ đạo các cấp tập trung chỉ đạo. Sau những lúng túng ban đầu, với sự hỗ trợ, tư vấn của các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành của tỉnh, của huyện, Ðảng bộ và nhân dân các xã điểm đã thảo luận, tìm tòi hướng đi, xây dựng các đề án phát triển sản xuất trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh, truyền thống sản xuất của địa phương, bám sát yêu cầu của thị trường; thu hút đầu tư, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, để hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo thêm những ngành nghề mới, sản phẩm mới hết sức phong phú, đa dạng, như xã Thụy Hương (Hà Nội), Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh) thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng hoa, rau sạch, vùng lúa cao sản, nuôi bò sữa; Mỹ Long Nam (Trà Vinh) phát triển tiềm năng nuôi trồng thủy sản: tôm, nghêu; Tân Thịnh (Bắc Giang) liên kết với Tổng công ty thuốc lá để trồng, chế biến, tiêu thụ thuốc lá xuất khẩu, liên kết với Trường đại học Nông nghiệp I để trồng cà chua năng suất cao; Hải Ðường (Nam Ðịnh) vận động, hỗ trợ nhân dân cải tạo vườn tạp, trồng cây có giá trị kinh tế cao và liên kết với Tổng công ty may lập Xí nghiệp may ở xã tạo việc làm cho hơn 300 lao động... Nông dân các xã ngày càng mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất. Vốn tín dụng chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng vốn xây dựng nông thôn mới ở các xã. Sản xuất phát triển, thu nhập của người dân ở 11 xã điểm năm 2011 tăng bình quân 62,6% so với năm 2008 (cao nhất ở xã Mỹ Long Nam gấp hai lần, thấp nhất ở xã Thanh Chăn, tăng 30%). 6/11 xã đạt tiêu chí có thu nhập bằng 1,4-1,5 lần thu nhập của vùng; 5/11 xã còn lại tuy chưa cao hơn 1,4-1,5 lần mức thu nhập chung của vùng nhưng đều tăng cao hơn so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Trong ba năm, xã giảm hộ nghèo thấp nhất cũng được 6-7%, cao nhất giảm được 14%.
Cùng với phát triển sản xuất, các tổ chức kinh tế tập thể được củng cố và phát triển thêm, gắn liền với mô hình sản xuất mới, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, là cầu nối giữa hộ nông dân với các đơn vị khoa học, doanh nghiệp và thị trường. Trong gần ba năm, ở 11 xã điểm đã phát triển thêm được 68 tổ hợp tác, củng cố 10 hợp tác xã, phát triển thêm sáu hợp tác xã mới trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của người dân, với các hình thức rất đa dạng, như hợp tác xã trồng hoa ở xã Thụy Hương, tổ hợp tác liên kết sản xuất lúa theo mô hình GAP ở xã Tam Phước; tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa, trồng hoa ở xã Tân Thông Hội...
- Về văn hóa, xã hội, môi trường:  Sau thời gian đầu tập trung nhiều vào xây dựng kết cấu hạ tầng, các xã đã ngày càng quan tâm hơn đến phát triển giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường; cải tạo nhà ở (xóa nhà tạm), xây dựng ba công trình vệ sinh ở hộ gia đình, phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú thêm đời sống tinh thần ở nông thôn. Trên cơ sở rà soát lại tình hình cụ thể của địa phương, đối chiếu với các tiêu chí của xã nông thôn mới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã đã tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế, chưa đạt. Ðến hết năm 2011, chỉ còn 2/11 xã chưa hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, 11/11 xã đều đạt tiêu chí phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 62% thôn, bản, ấp được công nhận thôn, bản, ấp văn hóa, 60% thôn có đội văn nghệ; 70% số hộ đã có đủ ba công trình vệ sinh, 93/130 thôn, ấp đã lập tổ vệ sinh, thường xuyên quét dọn vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải, hơn 90% số hộ đã cải tạo vườn tạp, di chuyển 230 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và đưa vào khu chăn nuôi tập trung; 11 xã đều xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung, trong đó tám xã đã hoàn thành đi vào sử dụng... Ðánh giá chung 9/11 xã đạt các tiêu chí về giáo dục, 10/11 xã đạt các tiêu chí về y tế, 7/11 xã đạt tiêu chí về văn hóa, 6/11 xã đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường.
- Về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở bảo đảm việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trước hết đòi hỏi phải nâng cao vai trò làm chủ và sự tham gia chủ động, tích cực của mọi người dân, của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở; đồng thời, thông qua đó củng cố, xây dựng được hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, hoạt động có hiệu quả. Ba năm qua, Ðảng bộ các xã điểm đều xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị chủ yếu của Ðảng bộ; đã tổ chức học tập, quán triệt, thảo luận và ra Nghị quyết lãnh đạo việc thực hiện. Trong Ðại hội Ðảng bộ các xã năm 2010, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được đưa vào Nghị quyết Ðại hội. Sau bầu cử Hội đồng nhân dân, nội dung xây dựng nông thôn mới được đưa vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các xã. Trên cơ sở đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy Ðảng, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tham gia tích cực với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo. Ở nhiều xã, Mặt trận Tổ quốc đảm nhận công tác tuyên truyền, vận động xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, bản theo tiêu chí xã nông thôn mới. Hội Nông dân đảm nhận việc vận động xây dựng hợp tác xã và cải tạo vườn tạp. Ðoàn thanh niên đảm nhận công tác vệ sinh môi trường. Hội Cựu chiến binh nhận trách nhiệm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hội Phụ nữ vận động hội viên học tập, tạo thêm ngành nghề mới,  vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh... Thông qua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, năng lực và vai trò làm chủ của nhân dân được nâng lên, động viên được ý thức chung sức, đồng lòng của nhân dân, của cả hệ thống chính trị; đội ngũ cán bộ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có bước trưởng thành nhanh chóng trong quản lý và điều hành công tác. Trong ba năm, để đáp ứng tiêu chuẩn về đội ngũ cán bộ của xã nông thôn mới, 11 xã điểm đã cử gần 50 cán bộ đi học các lớp Trung cấp chính trị, Trung cấp hành chính và chuyên môn, nghiệp vụ; 25 cán bộ đi học đại học tại chức. Ba năm 2009 - 2011, 11 Ðảng bộ xã điểm đều đạt danh hiệu "Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh". Ðến hết năm 2011, cả 11/11 xã đều đạt chỉ tiêu xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh của xã nông thôn mới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Về nguồn lực để thực hiện Chương trình: Ban đầu, ngân sách Nhà nước Trung ương hỗ trợ cho 11 xã điểm 300 tỷ đồng (xã thấp nhất 10 tỷ đồng, xã cao nhất 50 tỷ đồng), bình quân 27,2 tỷ đồng/xã. Khi Chương trình được triển khai, càng ngày các xã càng thu hút được nhiều nguồn lực mới. Nhân dân các xã đóng góp tiền, công sức, vật liệu, hiến đất, vận động con em của xã làm việc ở các cơ quan, đơn vị đóng góp xây dựng quê hương. Ngoài ngân sách Trung ương, các tỉnh, huyện, xã cũng dành một phần ngân sách hỗ trợ cho Chương trình. Nhiều địa phương đã ưu tiên sử dụng vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở các xã điểm (xã Thanh Chăn sử dụng vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường để xây dựng hệ thống cấp nước cho 100% hộ dân trong xã; xã Gia Phố sử dụng vốn của Chương trình giao thông nông thôn do World Bank tài trợ để xây dựng hệ thống giao thông trên địa bàn...). Một số xã có điều kiện thuận lợi (như Thụy Hương, Tân Thông Hội, Tân Hội...) đã liên kết, thu hút được vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp vào phát triển sản xuất. Cùng với sự phát triển của sản xuất, nhân dân các xã tìm đến các ngân hàng thương mại, vay vốn tín dụng ngày càng nhiều; vốn tín dụng ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong vốn xây dựng nông thôn mới. Ðến tháng 12-2011, dư nợ tín dụng của xã Tân Thông Hội là hơn 114 tỷ đồng, của xã Tân Hội là gần 130 tỷ đồng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, tổng vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất ở 11 xã điểm trong ba năm là 1.347,88 tỷ đồng, dư nợ tín dụng ở thời điểm tháng 12-2011 là 689,3 tỷ đồng. Tính chung, tổng số vốn đã huy động được của 11 xã điểm để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ba năm được 2.523,13 tỷ đồng (chưa kể công lao động và đất hiến của người dân); trong đó vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước các cấp chiếm 31,5% (riêng vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương trực tiếp cho Chương trình chiếm 11,9%), vốn ngoài ngân sách là 68,5% (gồm vốn tín dụng 53,4%, của cộng đồng dân cư 10,3%, của các doanh nghiệp 4,7%).
Tóm lại, khi bắt tay vào làm điểm, mặc dù các xã được chọn là diện xã trung bình khá của các tỉnh, thành phố, nhưng so với 19 tiêu chí của xã nông thôn mới thì mức độ đạt được còn thấp (Thanh Chăn, Ðịnh Hòa mới đạt 2/19 tiêu chí, Tân Thông Hội, cao nhất, đạt 8/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt 4-5 tiêu chí; các tiêu chí còn lại mới đạt 40 - 50% so với yêu cầu). Sau ba năm xây dựng, kết quả đạt được ở các xã tuy có khác nhau, nhưng đến nay đã hình thành được mô hình nông thôn mới theo những yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), được cụ thể hóa bằng 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới (bốn xã Thụy Hương, Tam Phước, Tân Thông Hội, Mỹ Long Nam đạt 18/19 tiêu chí, bốn xã Tân Thịnh, Gia Phố, Tân Hội, Tân Lập đạt 16/19 tiêu chí; Hải Ðường đạt 13/19 tiêu chí, Ðịnh Hòa đạt 11/19 tiêu chí, Thanh Chăn đạt 8/19 tiêu chí; các tiêu chí còn lại đều đạt 60-80% so với yêu cầu; các xã phấn đấu năm 2012 sẽ hoàn thành đủ 19 tiêu chí). Ba năm là thời gian còn ngắn để thực hiện một Chương trình lớn, toàn diện, khó khăn phức tạp, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chưa vững chắc, cần phải tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực quản lý của xã phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời, Chương trình thí điểm đã kiểm nghiệm thực tiễn đối với các tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, cho thấy một số tiêu chí cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế của các vùng khác nhau; giúp Chính phủ, các bộ, ngành có cơ sở ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là chính sách về động viên và tạo nguồn lực và rút ra những kinh nghiệm thực tiễn về phương pháp, cách làm chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên diện rộng sắp tới.
3. Một số kinh nghiệm bước đầu rút ra từ Chương trình thí điểm
(1) - Ðể tiến hành xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong Ðảng, trong nhân dân các xã về quan điểm, nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của nhà nước  về xây dựng nông thôn mới, để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và mỗi người dân hiểu rõ, từ đó đồng tâm, chung sức, tự giác, chủ động tham gia. Khác với trước đây, Chương trình xây dựng nông thôn mới lần này không phải chủ yếu là dựa vào đầu tư của Nhà nước, không phải chỉ là một dự án đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Nếu hiểu Chương trình xây dựng nông thôn mới là dự án đầu tư của Nhà nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn rồi trông chờ, ỷ lại thì sẽ thất bại, mà cần nhận thức rằng đây là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện ở nông thôn tiến hành cùng với quá trình Công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, do nhân dân trong xã làm chủ, phát huy cao nhất nội lực, các nguồn lực xã hội với sự hỗ trợ của Nhà nước thì mới thành công, bền vững. Thực tế cho thấy, xã nào ngay từ đầu đã tổ chức tốt việc phổ biến, quán triệt để mọi người hiểu đúng, thống nhất nhận thức, tạo được sự đồng thuận thì công việc triển khai thuận lợi, có nhiều sáng kiến, đạt kết quả tốt; xã nào quán triệt không đầy đủ, khi thực hiện sẽ có vướng mắc lại phải giải thích, quán triệt lại.
(2) - Cần phải coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở xã, thôn, bản, những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Giai đoạn đầu, đội ngũ cán bộ các xã đều lúng túng trong triển khai thực hiện Chương trình. Sau đó từ thực tiễn, khi Ban chỉ đạo, các bộ, ngành Trung ương có các văn bản hướng dẫn cụ thể cho từng lĩnh vực, về phương pháp xây dựng đề án, phương pháp xây dựng và quản lý quy hoạch, huy động các nguồn lực, quản lý tài chính, quản lý xây dựng cơ bản, thủ tục thanh, quyết toán..., tổ chức tập huấn, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc cụ thể trong quá trình triển khai thì công việc từng bước đi dần vào nền nếp. Ðội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở càng năng động, sáng tạo, trưởng thành thì kết quả đạt được càng tích cực và hiệu quả hơn.
(3) - Trên cơ sở  mục tiêu, nội dung chung của Chương trình, các cơ chế chính sách chung của Nhà nước,  mỗi địa phương phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và yêu cầu bức thiết của người dân, cần phát huy dân chủ rộng rãi, tiếp thu ý kiến của nhân dân, có cách làm chủ động, sáng tạo, lựa chọn những nội dung bức thiết cần làm trước, cần tập trung đầu tư, những nội dung có thể làm sau, cách thức huy động nguồn lực tổng hợp, tạo ra sự liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, phân công thực hiện cho các tổ chức trong hệ thống chính trị... phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của từng xã, không rập khuôn, máy móc.
(4) - Cần phải đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình, sự hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách Trung ương là cần thiết để tạo đà, tạo niềm tin cho nhân dân, tạo cơ sở để có thêm ngày càng nhiều các nguồn vốn khác từ ngân sách địa phương, đóng góp của nhân dân dưới nhiều hình thức, vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu trên địa bàn; cần hết sức chú ý huy động vốn của  các doanh nghiệp thông qua các hình thức thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết và nhất là tăng vốn tín dụng cho các hộ, các tổ hợp tác, hợp tác xã vay để phát triển sản xuất... Về cơ bản và lâu dài, để nông thôn mới được xây dựng, phát triển bền vững thì phải tập trung phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao nội lực của nhân dân kết hợp với vốn đầu tư, liên doanh, liên kết của các doanh nghiệp và vốn tín dụng ngân hàng phải trở thành những nguồn lực chủ yếu nhất.
(5)- Ðể xây dựng nông thôn mới,  cần có sự chỉ đạo tập trung, sâu sát, cụ thể, thường xuyên kiểm tra đôn đốc và thu hút được sự tham gia chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn. Cấp ủy Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở phải xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên của mình. Các bộ, sở, ngành có liên quan phải xây dựng các cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở tháo gỡ kịp thời khó khăn. Ban chỉ đạo các cấp phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, phát hiện sai lệch để uốn nắn, cách làm hay để nhân rộng...
Sau ba năm triển khai thực hiện tích cực, với sự nỗ  lực phấn đấu cao của Ðảng bộ, Chính quyền và nhân dân các xã được chọn làm điểm, của các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương có liên quan, của Ban chỉ đạo các cấp, Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ Ban Bí thư đề ra. Mặc dù những kết quả đạt được và những kinh nghiệm rút ra mới chỉ là những kết quả và kinh nghiệm bước đầu nhưng đã khẳng định sự đúng đắn của Nghị quyết Trung ương, thể hiện trong việc xây dựng mô hình trong thực tiễn, cho ta những kinh nghiệm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng và niềm tin để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược to lớn mà Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đã đề ra.

    Ý kiến bạn đọc