Cùng việc tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao, Thủ tướng hai nước nhất trí sẽ xây dựng một chương trình kết nối kinh tế.
Chiều 14/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Campuchia theo lời mời của Thủ tướng Hun Sen.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN về kết quả chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Campuchia, triển vọng cũng như các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết kết quả và ý nghĩa chuyến thăm Campuchia lần này của Thủ tướng?
Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga: Chuyến thăm Campuchia lần này là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong năm 2014. Diễn ra vào dịp nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia long trọng kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam và Chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia (7/1/1979-7/1/2014), chuyến thăm là minh chứng cụ thể, sinh động của tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó mật thiết giữa Việt Nam và Campuchia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni và hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen. Các vị lãnh đạo hai nước đã khẳng định quyết tâm của cả hai bên tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia.
Quốc vương Sihamoni và Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ sự ủng hộ quý báu, sự hy sinh to lớn của nhân dân và các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam để giúp nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, đất nước Campuchia hồi sinh và phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam là người bạn thủy chung của Campuchia. Trước sau như một, Việt Nam làm hết sức mình để ủng hộ Campuchia hòa bình, độc lập, ổn định, phát triển phồn vinh, nhân dân Campuchia hạnh phúc.
Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu rộng về các biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với việc tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao, hai Thủ tướng nhất trí về việc hai bên sẽ xây dựng một chương trình kết nối hai nền kinh tế trên các lĩnh vực hai bên có yêu cầu như giao thông đường bộ, đường hàng không, đường thủy, đường sắt, du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng, sản xuất lương thực, nông nghiệp, trồng cây cao su…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia và cùng Thủ tướng Hun Sen đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác Đầu tư Việt Nam-Campuchia lần thứ 4. Hai Thủ tướng đã ghi nhận các đề xuất thẳng thắn, xây dựng của các doanh nghiệp và đã giao các bộ, ngành hai bên nghiên cứu giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh thành công, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cả hai nước.
Hai sự kiện khác của chuyến thăm có ý nghĩa rất sâu sắc là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen đã cùng tham dự lễ khánh thành Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnom Penh và lễ khởi công xây dựng cầu Long Bình-Chrây Thom bắc qua sông biên giới nối liền hai tỉnh An Giang (Việt Nam) và Kan-dan (Campuchia). Các công trình chung này là biểu tượng trong sáng và cao cả của tình hữu nghị thủy chung, hợp tác hiệu quả giữa hai nước, phục vụ thiết thực cho việc phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy giao lưu, thương mại, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường kết nối giữa hai nước Việt Nam-Campuchia cũng như trong khu vực.
Có thể nói chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, đạt được kết quả thiết thực và có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, sự tin cậy, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Campuchia, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác cụ thể để đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
PV: Theo Thứ trưởng, sắp tới chúng ta cần phải làm gì để hiện thực hoá các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác, đầu tư?
Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga: Để những thỏa thuận quan trọng này trở thành hiện thực, thực hiện được mục tiêu nâng kim ngạch song phương lên 5 tỷ USD và đầu tư của Việt Nam vào Campuchia lên trên 4 tỷ USD vào năm 2015, chúng ta cần tập trung triển khai nhiều biện pháp, cụ thể là:
Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trước mắt cần sớm thúc đẩy đưa Nghị định thư sửa đổi của Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đi vào hiệu lực; sớm tiến hành đàm phán, ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai nước.
Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thông, giải tỏa các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, giảm chi phí, thời gian cho các nhà đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia, xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phồn vinh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội vùng biên giới hai nước.
Một biện pháp quan trọng và mang lại lợi ích dài lâu, đó chính là việc tăng cường giao lưu, tiếp xúc giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là tăng cường giao lưu kết nối giữa các địa phương vùng biên giới, tăng cường các hoạt động đầu tư cho y tế, giáo dục, đào tạo nhân lực, an sinh xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự gắn kết lợi ích thiết thực của người dân với các thành quả hợp tác kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
Việt Nam và Campuchia có nhiều tiềm năng có thể bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Chúng ta tin tưởng rằng, với thế mạnh của mỗi nước, với quyết tâm và nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước sẽ chứng kiến những bước phát triển mới mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)