Có thể đạt và vượt cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018
EmailPrintAa
14:57 31/08/2018

Sáng 30-8, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8-2018 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, như: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018; tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019... Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe, thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng nhẹ, khoảng 0,45% so với tháng trước và CPI bình quân 8 tháng vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý, tăng 3,52% so với cùng kỳ, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tín dụng trong tháng 8 chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới, tuy nhiên, nhờ điều hành linh hoạt các chính sách nên đã giữ được sự ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý ở mức 8,18%. Thu chi cân đối ngân sách Nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 8, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 871,8 nghìn tỷ đồng, bằng 66,1% dự toán, tăng 13,8%. Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước đạt 873,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 57,3% dự toán, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: THỐNG NHẤT

Giải ngân vốn đầu tư phát triển đã được cải thiện rõ rệt, ước đạt 176,8 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 38,4% dự toán). Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá, tính đến ngày 20-8, tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017, số vốn giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tính chung 8 tháng IIP ước tăng 11,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,2%); trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng cao, đạt 13,3% (cùng kỳ tăng 11,6%). Hoạt động dịch vụ, thương mại tiếp tục tăng khá, tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2,86 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng vui mừng cho rằng, từ các báo cáo, đánh giá sơ bộ của lãnh đạo các bộ, ngành chức năng có thể nhận thấy, 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. Tăng trưởng GDP năm 2018 có khả năng đạt hơn 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3-5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%. Bảo đảm việc phát triển toàn diện của đất nước, không chỉ tăng trưởng theo số lượng mà chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năng suất lao động tăng. Niềm tin xã hội, niềm tin thị trường ngày càng được củng cố. Uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng cao. Một không khí phấn khởi đầu tư, làm ăn lan tỏa khắp nước.

Tuy vậy, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra nhiều yếu kém cần được tập trung khắc phục, đặc biệt là vướng mắc trong đầu tư kinh doanh và các vấn đề xã hội. Bối cảnh quốc tế thuận lợi nhiều nhưng có nhiều khó khăn từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, bất ổn về thị trường tài chính quốc tế, tình hình thiên tai còn rất phức tạp.

Thủ tướng chỉ đạo, từ nay tới cuối năm còn 4 tháng nữa, các bộ, ngành, địa phương không được lơ là chủ quan, cần phải tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán. Thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách Nhà nước, phấn đấu giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước dưới 3,7% GDP. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm chi phí hội họp. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu trong tháng 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thông báo tình hình giải ngân của từng bộ, ngành và địa phương để từ đó điều chỉnh dành vốn cho các công trình cấp bách. Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo phải có các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ hệ thống bán lẻ của Việt Nam; ngành du lịch phải phấn đấu có hơn 15 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018, làm nền tảng để năm 2019 có 20 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh việc cần có biện pháp mạnh mẽ để giám sát, ngăn chặn việc đánh bắt cá trái phép.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các đối tác lớn rất phức tạp, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá hiệu quả việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua.

Sắp tới dịp Quốc khánh 2-9 và khai giảng năm học mới 2018-2019, Thủ tướng chỉ đạo phải bảo đảm tuyệt đối vấn đề an ninh, an toàn, hạn chế tai nạn giao thông. Bộ Công an cần tăng cường lực lượng ở các địa phương để bảo đảm an ninh dịp 2-9. Phải có các giải pháp hiệu quả để năm 2018-2019 không xảy ra tình trạng thiếu phòng học, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất trường học phải được quan tâm đầu tư, nhất là nhà vệ sinh trong trường học. Trong tình hình cắt giảm biên chế nhưng biên chế giáo viên, biên chế bác sĩ cần được ưu tiên.

Về dự kiến kế hoạch năm 2019, từ đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đề nghị phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2019 khoảng 6,6-6,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%, giữ bội chi ngân sách Nhà nước ở mức 3,6%...

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc