Công bố 7 Luật và 2 Nghị quyết
EmailPrintAa
11:07 17/07/2012

Chiều 16/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 Luật và 2 Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3. Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo.

7 Luật được công bố lần này gồm: Luật giá; Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật quảng cáo; Luật tài nguyên nước (sửa đổi); Luật biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013; Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. Hai Nghị quyết về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân cũng đã được công bố tại buổi họp báo.

*Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương và 55 điều, quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết “Theo Luật Biển Việt Nam, mọi cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển”.

Ông Sơn nhấn mạnh, mục đích của việc xây dựng Luật Biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ra, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo ở nước ta.

Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp trên biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới” – Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi họp báo.(Ảnh: TH) .

*Giới thiệu một số điểm mới cơ bản của Luật giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung nhấn mạnh, Luật giá đã khẳng định nguyên tắc quản lý là cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Luật cũng đã quy định chế dộ công khai thông tin về giá nhằm làm minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành giá. Đây là điểm mới so với Pháp lệnh Giá.

Luật cũng đã bổ sung một số biện pháp quan trọng để bình ổn giá thị trường như các biện pháp về tài chính, tiền tệ; đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá; lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa...

Việc quy định hoạt động thẩm định gía của Nhà nước cũng là điểm mới xuất phát từ yêu cầu thực tế nhằm góp phần quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiệu quả hơn.

Luật này gồm có 5 Chương, 48 Điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.

*So với Luật Tài nguyên nước hiện hành, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung 39 điều mới hoàn toàn về nội dung và sửa đổi, bổ sung 40 điều. Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 10 chương 79 điều quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà, đây là lần đầu tiên Luật quy định một số dự án liên quan đến khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng và tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đề cao trách nhiệm, minh bạch thông tin về những tác động tiêu cực có thể gây ra ngay từ khi chuẩn bị thực hiện dự án. Luật cũng đã bổ sung quy định về quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản về tài nguyên nước, chiến lược tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước, đồng thời bổ sung các quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả...

*Nghị quyết số 29/2012/QH13 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2012. Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế xã hội cũng được giảm 30% số thuế thu nhập phải nộp năm 2012...

Tại buổi họp báo, các cơ quan chủ trì soạn thảo cũng giới thiệu những nội dung cơ bản của 4 Luật gồm: Luật Quảng cáo, Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính./.


    Ý kiến bạn đọc