Công đoàn cần "sát cánh” với người lao động
EmailPrintAa
08:27 30/07/2013

Để xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh trước hết cần phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Chia sẻ tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đang diễn ra tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, “Mái ấm công đoàn”… 5 năm qua, các cấp công đoàn đã cùng các doanh nghiệp, ban chấp hành công đoàn cơ sở trao tặng trên 64.000 vé xe cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các vùng bị thiên tai lũ lụt, 3 năm liền không có điều kiện về quên đón tết. Chương trình Mái ấm công đoàn cũng đã hỗ trợ cho hơn 600 công nhân viên chức, lao động với tổng số tiền trên 4,8 tỷ đồng sửa chữa nhà ở…Cùng với đó, một số công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng nhà trẻ tại doanh nghiệp hoặc thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí giữ trẻ cho công nhân; các cấp công đoàn cũng chủ động bảo lãnh vay tín chấp từ quỹ CEP để công nhân vay vốn phát triển sản xuất nhỏ, tạo thu nhập cải thiện cuộc sống... 

Thông qua hoạt động chăm lo đời sống một cách thiết thực cho công nhân, viên chức, lao động, việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh được quan tâm, xây dựng và cụ thể hóa các hoạt động đối với từng loại hình công đoàn cơ sở như khu vực công nhân dịch vụ, công chức, viên chức, nhờ vậy, ngày càng có nhiều công đoàn cơ sở tiến hành đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình của đơn vị, tạo điều kiện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên.

Còn ở Bình Dương, tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp Dệt may đang hoạt động với trên 250.000 lao động, chiếm gần 1/3 lao động trong toàn tỉnh, thì Công đoàn ngành Dệt may đã có nhiều hoạt động bảo vệ người lao động, khắc phục tình trạng biến động lao động bất ổn trong quan hệ giữa các doanh nghiệp với người lao động.

Căn cứ thỏa ước ngành Dệt may Việt Nam được ký kết ngày 26/4/2010, Công đoàn ngành Dệt may phối hợp cùng Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương triển khai thí điểm ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành ở địa phương với mục tiêu cụ thể hoá thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động; hạn chế tình trạng đình, lãn công tự phát của người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Một số nội dung Thỏa ước có lợi hơn cho người lao động như: Việc trả lương cho người lao động phải có hệ thống thang bảng lương và mức thấp nhất phải cao hơn 3% so với tiền lương tối thiểu vùng trên địa bàn; đối với lao động nặng nhọc, độc hại, ít nhất cao hơn 7%; lao động có tay nghề khi ký hợp đồng ít nhất cao hơn 10%, hệ thống thang bảng lương không quá 12 bậc. Việc xét nâng lương phải thực hiện hàng năm; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương theo hệ số. 

Cùng với đó, người lao động đã qua đào tạo, học nghề kể cả doanh nghiệp tự đào tạo, có thời gian làm việc đủ tiêu chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ được giao thì người sử dụng lao động bảo đảm mức thu nhập bình quân tối thiểu bằng tiền hằng tháng (không tính tiền lương làm thêm giờ) bằng 1.35 lần tiền lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định...

Ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may tỉnh Bình Dương chia sẻ, chỉ trong vòng 6 tháng, từ khi có chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bình Dương là đơn vị đầu tiên trong cả nước đã xây dựng và tổ chức triển khai, ký kết thành công thí điểm thỏa ước lao động tập thể ngành địa phương. Việc ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may tỉnh Bình Dương (lần thứ nhất) có ý nghĩa rất quan trọng, đã tạo sự thống nhất giữa các doanh nghiệp với các công đoàn cơ sở về mục đích và ý nghĩa của việc tham gia thỏa ước. Đó cũng là biện pháp hữu hiệu để giải quyết khó khăn về tình hình biến động lao động mà các doanh nghiệp đang gặp phải. 

Công đoàn cần phải sát với người lao động

Ông Đỗ Mạnh Hiến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn của các khu công nghiệp cần tập trung chỉ đạo tuyên truyền thành lập công đoàn trong các khu công nghiệp, bằng nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền trực tiếp cho người sử dụng lao động, người lao động (cả trong và ngoài hàng rào doanh nghiệp). Xây dựng một số mô hình điểm hoạt động công đoàn tại một số doanh nghiệp, có hoạt động rõ nét, tiêu biểu nhất là chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích người lao động. Tổ chức các phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo”, hỗ trợ công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn... được đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động đồng tình, hưởng ứng, tạo ảnh hưởng, lan toả đến các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn khác trong khu công nghiệp. 

Cùng với đó, cần tăng cường đối thoại, thương lượng để xây dựng quan hệ lao động hài hoà ổn định trong các doanh nghiệp; hướng dẫn các công đoàn cơ sở xây dựng và thương lượng ký kết thoả ước lao động tập thể; giải quyết kịp thời những kiến nghị đề xuất của công nhân, lao động. 

Khi có vấn đề nổi cộm, bức xúc của doanh nghiệp thì công đoàn Khu kinh tế đến trực tiếp doanh nghiệp giúp công đoàn cơ sở giải quyết kịp thời. Cùng với đó chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho người lao động về pháp luật lao động cho công nhân, lao động lồng ghép với tuyên truyền kỹ năng sống”- Ông Hiến cho biết.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Trần Đình Thực cho biết, bên cạnh việc duy trì các hoạt động tuyên truyền mang tính truyền thống, các cấp công đoàn Thủ đô đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền mới, các hoạt động mang tính phong trào lồng ghép với những nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật theo các chủ đề phù hợp với môi trường, đối tượng cần tác động. Công đoàn các cấp đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống, về pháp luật hoặc tuyên truyền trực tiếp tới các khu nhà trọ thông qua các tổ tự quản, các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, đặc biệt là các hình thức tuyên truyền giáo dục thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa công nhân, lao động, đại diện công đoàn với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, chủ doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Thực cho rằng, để hoạt động công đoàn đạt hiệu quả, các tổ chức công đoàn cần quan tâm động viên và chăm lo đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đảm bảo số lượng, chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết với sự nghiệp, tất cả vì lợi ích của công nhân, lao động. Tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại giữa chủ doanh nghiệp, công đoàn, công nhân và chính quyền cùng cấp. Bên cạnh đó thường xuyên quan tâm nắm bắt phản ánh tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức lao động để phản ánh, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết kịp thời. Đồng thời, thường xuyên chăm lo bảo vệ, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động./.


    Ý kiến bạn đọc