Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, công chức giải quyết các vụ việc của dân.
Sáng 5/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự thảo Nghị định về việc thi hành Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 1993.
Cần thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là ý kiến của nhiều cử tri khi theo dõi các phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình và phát thanh.
Đồng tình với sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, bà Dương Thị Thanh Sâm, nguyên cán bộ công tác tại Bộ Tài chính, hiện đang cư trú tại phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhất trí cao với những vấn đề, nội dung sửa đổi trong Hiến pháp 1992 được Quốc hội thảo luận. Trong đó, có 3 vấn đề sửa đổi chính là Hiến pháp và vấn đề tổ chức quyền lực; Hiến pháp và vấn đề quyền con người, quyền công dân; Vai trò lãnh đạo của Đảng và cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Tuy nhiên, bà Dương Thị Thanh Sâm cho rằng, cần có biện pháp thi hành và bảo vệ Hiến pháp cụ thể, nhất là việc nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, giám sát của Đảng đối với cán bộ, đảng viên. Cần có cơ chế xử phạt nghiêm minh cán bộ, đảng viên biến chất, suy thoái đạo đức, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên tại cơ sở, đặc biệt là cán bộ phường, xã.
Bà Dương Thị Thanh Sâm nêu ý kiến: “Chủ trương đề ra đúng nhưng xuống dưới thì nhiều khi thực hiện lệch lạc. Nếu cứ làm như cấp trên chỉ đạo xuống thì tôi rất đồng tình. Tôi đề nghị là nên kiểm tra cấp dưới nhiều hơn. Phải kiểm tra thường xuyên với cấp phường”.
Ông Cao Văn Hoài, nguyên cán bộ Viện Khoa học Tài chính đánh giá cao việc sửa đổi Hiến pháp 1992 được lấy ý kiến của đông đảo nhân dân và Hiến pháp sửa đổi đã làm rõ thêm quyền công dân, quyền con người.
Ông Cao Văn Hoài mong muốn Hiến pháp thể hiện rõ hơn nữa trách nhiệm dân chủ đại diện, đòi hỏi các cơ quan, công chức nhà nước phải làm tốt trách nhiệm đại diện của dân, nâng cao hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri, công khai, dân chủ trong việc trưng cầu ý dân, mở rộng việc đối thoại trực tiếp giữa cơ quan nhà nước với người dân để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Ông Cao Văn Hoài nói: “Bộ máy phải do dân, vì dân. Cái chính là phải nâng cao trình độ hiểu biết của người dân. Nếu trình độ dân trí không nâng lên được thì luật khó đi vào cuộc sống”.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề cao dân chủ trực tiếp. Theo đó, công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước. Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Hà, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, cần quy định chặt chẽ hơn nữa vấn đề này. Nhà nước phải luôn bảo đảm quyền công dân bằng pháp luật, để người dân thực hiện quyền quản lý của mình, thông qua hoạt động phản biện và giám sát. Đặc biệt, những ý kiến của người dân cần được tiếp thu một cách nghiêm túc và thỏa đáng.
Bà Ngô Thị Hà nói: “Khi giao việc không kiểm tra thì cán bộ làm tốt hay không tốt không ai biết. Khi giao việc cho cán bộ kiểm tra, nên nghe dân trình bày. Quyền công dân thì bây giờ phải cho dân có quyền biết, bàn, làm và kiểm tra".
Dự thảo sửa đối Hiến pháp 1992 cần phục vụ người dân toàn diện hơn
Cử tri Mạc Như Mai, ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bày tỏ: "Quốc hội họp để mà thảo luận, tôi thấy rằng những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội thỏa đáng và cũng phù hợp trong tình hình thực tế yêu cầu của xã hội chúng ta trong hiện tại. Tôi thấy rằng, Quốc hội cần phải có sự quan tâm, xem xét để đưa Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thực hiện được trọn vẹn, toàn diện hơn theo tình hình đổi mới của đất nước cũng như trên thế giới. Thực hiện tốt những việc đó để Hiến pháp đi vào cuộc sống của nhân dân và đi vào thực tế phục vụ lại cho đất nước, nhân dân toàn diện hơn".
Còn ông Trần Phi, Phó Chủ tịch HĐND xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế nêu ý kiến: Về xây dựng bộ máy chính quyền địa phương, trong đó quan tâm về chất lượng của đại biểu HĐND, bởi một lẽ thì từ trước tới nay, qua các lần bầu cử HĐND thì vẫn làm theo đúng tình trự thủ tục, theo đúng quy định của Pháp luật. Tuy nhiên vừa qua, một số cử tri quan tâm đó là cái việc chúng ta hơi nặng về mặt cơ cấu, khi đã cơ cấu rồi thì cứ theo như các thành phần đã cơ cấu để giới thiệu. Do đó, một số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã về mặt năng lực có phần hạn chế, nhưng mà vì cơ cấu nên chúng ta vẫn giới thiệu cho đủ năng lực, đủ số lượng.
Ông Cao Ngọc Tâm, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nha Trang đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm, bàn sâu về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hiến pháp sửa đổi.
“Tôi mong rằng, các vị đại biểu Quốc hội bàn sâu về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình hiện nay. Các vị đại biểu Quốc hội, bàn, thảo luận, thống nhất về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hiến pháp. Để Mặt trận làm tốt hơn vai trò của mình, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Như vậy, mới xây dựng được một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”- ông Cao Ngọc Tâm bày tỏ./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)