Cùng kiến tạo và củng cố hòa bình, hợp tác giữa các quốc gia
EmailPrintAa
08:57 11/04/2014

Ngày 10-4, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2014 đã khai mạc tại Bác Ngao, thị trấn duyên hải thuộc tỉnh Hải Nam (miền Nam Trung Quốc). Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị. 

Thưa Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường,

Thưa Quý vị đại biểu và các bạn.

Thật thú vị khi chúng ta có mặt trong một trung tâm Hội nghị rất hiện đại, rất tiện nghi, tại một nơi mà khi loài người bước sang thiên niên kỷ thứ ba vẫn còn là một làng chài nhỏ bé để cùng bàn về “Tương lai mới của châu Á”. Phải chăng điều này cũng làm cho những người từng dự đoán “Thế kỷ XXI là của châu Á” thêm niềm tin.

Người ta từng nói nhiều về những kỳ diệu của châu Á. Có một điều là sau mỗi cuộc khủng hoảng, các nền kinh tế châu Á lại hồi sinh bằng sức mạnh tự cường và động lực cải cách được nhân lên. Cuộc khủng hoảng vừa qua cho thấy mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên và vốn cần phải chuyển đổi sang mô hình mới. Nâng cao sức cạnh tranh được coi là lựa chọn ưu tiên. Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, gắn với sự ưu tiên này là yêu cầu tăng trưởng bền vững. Người châu Á hay chiêm nghiệm về thuyết Nhân - Quả. Nếu tăng trưởng kinh tế mà làm tài nguyên cạn kiệt, môi trường hủy hoại, xã hội bất hòa… thì mục đích của tăng trưởng là lệch lạc và sẽ phải trả giá. Thời tiết bất thường, bệnh dịch phức tạp là những hệ quả “nhãn tiền” mà hành tinh chúng ta đang phải đối mặt. Châu Á (và thế giới) chỉ có thể phát triển bền vững nếu hướng vào mục tiêu con người và mô hình tăng trưởng xanh.

Thực tế đã chứng minh, khi cần tìm một hướng đi mới, một mô hình phát triển mới thì điều quan trọng là cần cổ vũ sáng tạo và coi sáng tạo, đổi mới công nghệ như một động lực. Năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân và sức mạnh của khoa học - công nghệ cần được phát huy tối đa nhằm phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng tự nhiên, xã hội. Nhìn lại, từ cuối thế kỷ XVIII, nền đại công nghiệp được đem đến với châu Á. Cho tới những thập niên cuối của thế kỷ XX, nhiều nước châu Á đã bứt lên bằng quyết tâm và sáng tạo của mình nhưng phần nhiều công nghệ vẫn được tiếp nhận từ châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng hôm nay và ngày mai, dường như châu Á sẽ không chỉ thừa hưởng mà còn sản sinh ngày càng nhiều công nghệ cho mình và thế giới. Tất nhiên, sẽ có người cho rằng trong một thế giới ngày càng “phẳng” thì nhiều sáng chế, công nghệ có sự tham gia, chia sẻ từ khắp nơi. Cho dù như vậy thì sự tham gia, chia sẻ của châu Á cũng ngày càng quan trọng.

Châu Á đứng trước cơ hội và sứ mệnh vươn lên mạnh mẽ không chỉ vì mình mà còn góp phần ngày càng quan trọng trong giải quyết những vấn đề chung của nhân loại. Từng người sẽ mạnh hơn, sẽ hoàn thiện hơn khi cùng chia sẻ và bổ trợ cho nhau. Cần tăng cường kết nối giữa các nền kinh tế và giữa các khu vực, các châu lục. Sự ra đời tới đây của Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng với các các thỏa thuận, cơ chế hợp tác giữa các nước, giữa châu Á với châu Âu, giữa hai bờ Thái Bình Dương… sẽ tạo môi trường, động lực phát triển cho châu Á và các đối tác của mình.

Điều sau cùng tôi muốn đề cập nhưng lại quan trọng hàng đầu là tương lai châu Á, động lực tăng trưởng của châu Á chỉ có ý nghĩa khi chúng ta kiến tạo và củng cố được hòa bình, hợp tác. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, dù giàu có hay còn nghèo cũng đều cần môi trường ổn định để phát triển. Mọi bất đồng, tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, với sự chân thành và lòng tin. Hợp tác cùng có lợi, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm trước những vấn đề chung là nhân tố không thể thiếu bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững của cả khu vực cũng như của toàn thế giới. Việt Nam luôn nỗ lực hợp tác cùng các dân tộc, đối tác trên tinh thần và vì mục tiêu đó.

Chúc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2014 thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn./.


    Ý kiến bạn đọc