Nhiều sinh viên đã thẳng thắn chất vấn các Đại biểu Quốc hội về vai trò và trách nhiệm của họ với các cử tri là sinh viên
Sáng 29/3, tại Văn phòng Quốc hội diễn ra Hội nghị truyền thông về Quốc hội cho sinh viên các trường đại học. Nhiều sinh viên đã thẳng thắn chất vấn các Đại biểu Quốc hội (ĐB) về vai trò và trách nhiệm của họ với các cử tri là sinh viên.
Mở đầu, TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - đặt câu hỏi “Có ai trong số gần 200 bạn sinh viên ở đây nhớ vị ĐB mà mình đã bầu?”.
Thay lời đáp, sinh viên Ngô Lê Mỹ Linh (ĐH Luật Hà Nội) đặt vấn đề ngược lại: “Hiện nay, còn nhiều ĐB không gần dân thì không thể đòi hỏi dân phải biết mình”.
Sinh viên Lê Thị Yến Ly (ĐH Luật Hà Nội) cũng cho rằng “có một thực tế đáng buồn: Quốc hội còn là cơ quan khá xa lạ với thế hệ trẻ”. Trong khi đó người trẻ rất mong thể hiện quan điểm, suy nghĩ, nguyện vọng của mình gửi gắm tới các ĐB. Nhưng chưa có một diễn đàn nào dành riêng cho các bạn sinh viên để tiếp xúc với các ĐB.
Từ đó, sinh viên dẫn tới trạng thái “lười nghĩ”, “không muốn nghĩ”, thậm chí “không quan tâm” tới hoạt động của QH, dù đó là những vấn đề quan trọng của đất nước, có ảnh hưởng trực tiếp tới sinh viên.
“Thế hệ trẻ VN cần một diễn đàn thường xuyên để trao đổi, giao lưu và bày tỏ suy nghĩ, mong muốn tới các ĐBQH. Và mong các ĐBQH là những người dám nói trung thực, dám nghĩ quyết liệt, dám làm vì dân”, Lê Thị Yến Ly nói.
ĐB Dương Trung Quốc chia sẻ “khi nói QH xa lạ, đúng là QH có vấn đề”. Đó là tỷ lệ ĐB không chuyên trách còn nhiều, tính thiếu chuyên nghiệp của ĐB dẫn tới hạn chế trong hoạt động của mình. Ông Dương Trung Quốc lo lắng nhất khi các hoạt động của QH không chuyên nghiệp, sẽ làm mất dần sự tin tưởng của người dân vào QH.
Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội - bày tỏ “rất buồn vì sinh viên nói Quốc hội quá xa rời sinh viên”, và thừa nhận hơn 10 năm nay là ĐBQH nhưng chưa một lần tiếp xúc với cử tri nào là sinh viên.
Sinh viên Nguyễn Thu Hà, Khoa Luật, Viện ĐH Mở Hà Nội cho rằng mỗi năm có 4 lần tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp QH là quá ít ỏi. Vì thế cử tri không có điều kiện bày tỏ mong muốn của mình tới những người mà mình ủy quyền.
Nhiều sinh viên đặt ra những câu hỏi “vĩ mô” khiến các nghị sĩ giật mình: Tại sao luật rất hay phải sửa đổi. Có phải do những người làm luật đã hạn chế về tầm nhìn? Vai trò của Đảng trong việc chống tham nhũng thế nào…?
Đáp lại sự nhiệt thành này, hầu hết các câu hỏi của sinh viên đều được các đại biểu giải đáp cởi mở. Trước câu hỏi về vai trò của Đảng trong việc phòng, chống tham nhũng, ĐB Dương Trung Quốc nói: “Người phải có chức vụ nào đó thì mới tham nhũng được mà hầu hết người có chức vụ lại là đảng viên. Vì vậy vai trò chống tham nhũng của Đảng là hết sức quan trọng".
TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết QH là thiết chế đại diện, vì vậy chất lượng của QH, của các ĐB phụ thuộc vào người ủy quyền và người được ủy quyền hành xử ra sao. Nếu các cử tri đề nghị, giám sát kỹ thì các ĐB sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của mình. “Tôi hi vọng trong số các bạn trẻ ngồi đây sẽ có người trở thành nghị sĩ, hoặc chí ít là những cử tri mới”, Phó Chủ nhiệm VPQH gửi gắm./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)