Đại biểu muốn chất vấn Bộ trưởng Công thương để có câu trả lời chính xác về trách nhiệm quản lý, vận hành hồ chứa.
Ngập lụt do mưa bão ở miền Trung vừa tạm lắng thì người dân nơi đây lại đối diện với nguy cơ bị nước lũ nuốt chửng vì thủy điện xả nước. Đây không phải là lần đầu người dân sống ở vùng hạ du phải hứng chịu hậu quả hạn hán vào mùa khô và ngập úng vào mùa mưa bão do hồ thủy điện. Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, VOV ghi lại ý kiến của các đại biểu về câu chuyện xả lũ tại các hồ chứa hiện nay.
Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP HCM): “Phải rà soát các hồ đang vận hành hiện nay”
Tình trạng thủy điện gây tác hại, hệ lụy đến đời sống của bà con các địa phương, nhiều đại biểu đã có ý kiến, đặc biệt là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc qui hoạch, quản lý, vận hành các hồ thủy điện. Chính phủ đã có báo cáo đánh giá nhưng theo tôi là chưa đầy đủ, đặc biệt mới chỉ là đánh giá, rà soát qui hoạch thủy điện để loại các dự án không khả thi hoặc những dự án không đúng qui trình. Vấn đề hiện nay Quốc hội quan tâm và bản thân tôi cũng đặt vấn đề là trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương trong quá trình quản lý, vận hành. Vì sao cho thủy điện phát triển ồ ạt mà chưa có chế tài bắt buộc các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm ngặt việc vận hành hồ thủy điện. Cho nên, để bây giờ xảy ra tình trạng mùa khô thì chịu khô hạn, đến mùa mưa thì chịu lũ lụt.
Ở đây trách nhiệm không chỉ ở nhà đầu tư mà còn ở cả cơ quan quản lý Nhà nước. Vì cơ quan quản lý không chặt chẽ, không buộc chủ đầu tư đảm bảo qui trình, có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho dân thì mới vận hành. Chúng ta quản lý lỏng lẻo nên đã để lại hậu quả rất nặng nề cho bà con. Chính phủ có báo cáo là chỉ Thủ tướng mới có quyền phê duyệt dự án nhưng đó mới chỉ là giải quyết phần ngọn còn cái gốc là phải rà soát các hồ đang vận hành hiện nay. Cái nào không đảm bảo an toàn cho dân, không đảm bảo nguyên tắc bảo vệ môi trường, cuộc sống người dân phải đưa ra khỏi qui hoạch. Thậm chí những cái đang vận hành thì chúng ta cũng không đặt lợi ích kinh tế lên trên hết mà phải đảm bảo lợi ích người dân, phải đảm bảo cuộc sống người dân lên hàng đầu.
Tôi rất tiếc là danh sách trả lời chất vấn kỳ này không có Bộ trưởng Công thương, là đơn vị chủ quản về lĩnh vực này. Tuy nhiên, tôi có thể chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, vì đây là lĩnh vực liên quan đến đời sống người nông dân và những người làm nông nghiệp.
Vấn đề sau chất vấn là làm sao đảm bảo an toàn cho đời sống người dân mới là yêu cầu thiết thực, là mục tiêu… Quốc hội sẽ có nghị quyết về tiếp tục chấn chỉnh phát triển thủy điện hiện nay.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): “Xả lũ cũng nguy hại như xả thải chất độc”
Tác động của việc xả lũ vừa qua phải đi đến cùng trách nhiệm ở đâu? Việc thiên tai là thiên tai nhân tai là nhân tai. Người dân hoàn toàn có thể kiện. Ngày hôm qua họ chỉ ứng phó với thiên nhiên thôi. Hôm nay một lần xả lũ có thể phá vỡ tất cả tài sản của họ cũng như ô nhiễm môi trường. Anh xả thải chất độc và xả lũ cũng nguy hại như nhau.
Thuỷ điện đã giúp cho những DN làm dự án rất nhanh chóng có sản phẩm điện để bán. Nhưng chúng ta không nhìn thấy, cố tình không nhìn thấy tác động đằng sau nó là phá hại môi trường và nguồn lợi khai thác lâm sản từ thuỷ điện.
Chính sách Nhà nước có những lỗ hổng rất lớn và có sự bất hợp lý. Đó là việc phân chia lợi ích. Các tỉnh hạ lưu phải chịu hậu quả mà không được lợi ích nào. Người ta chỉ thấy cái lợi nhiệm kỳ, cái lợi cấp phép mà không thấy cái lợi tổng thể và không lường trước được tính quy hoạch bị phá vỡ ngay từ đầu. Chúng ta chỉ tính không gian lãnh thổ hành chính mà quên mất con sông là dòng chảy liên tục. Tỉnh nào cũng không quan tâm đến thượng lưu, hạ lưu. Đấy là chưa kể, 40- 50 năm nữa hết giá trị khai thác, thuỷ điện ở vùng sâu, vùng xa sẽ biến thành hàng trăm, hàng ngàn quả bom nước nổ chậm không được quản lý. Cùng với thời gian, thay đổi khí hậu thì hậu quả ai chịu trách nhiệm? Đấy là câu hỏi hiện nay không ai đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình một cách rất chung chung. Quan trọng nhất là không thấy trách nhiệm ở đâu. Giữa địa phương và Bộ, cao nhất, tôi cho rằng Chính phủ phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước. Mặt khác phải thay đổi tư duy về lợi ích. Giao về cho địa phương, họ cứ làm bằng mọi giá để tăng GDP lên, đến giờ GDP là một chỉ số mang tính hai mặt chứ không chỉ là phát triển.
Đại biểu Ngô Văn Minh – Quảng Nam: “Chưa thấy rõ trách nhiệm”
Thủy điện đã và đang gây ra khá nhiều hệ lụy. Nguyên nhân là do quy trình vận hành hồ chưa còn nhiều bất cập, mùa khô thì thủy điện tích nước khiến cho những dòng sông ở hạ du trờ thành những dòng sông chết. Còn mùa mưa thì xả lũ gây thiệt hại.
Thực tế, đến nay chúng ta mới chỉ có quy trình vận hành đơn hồ, còn liên hồ thì lại chưa có luôn khiến mạnh ai nấy xả. Rồi khi có cảnh bảo, dự báo mưa lũ thì các thủy điện vì lợi ích cục bộ của nên ai cũng giữ nước, chứ không chịu xả. Ví như, vừa rồi đó khi dự báo mưa bão lớn như vậy mà anh cũng không chịu xả nước. Đến khi hoàn lưu của bão số 15 gây mưa lớn thì anh lại xả nước, gây ra lụt lội.
Ví dụ thủy điện Sông Tranh 2, Chính phủ không cho tích nước cao trình 161m. Nhưng anh không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này nên khi nước về đã lên tới cao trình 166m. Nếu có vấn đề xảy ra thì ai chịu trách nhiệm đây? Việc chấp hành, quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành hồ chưa còn ngổn ngang, khiến cho cử tri, đại biểu Quốc hội day dứt.
Cơ quan quản lý Nhà nước, qua cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương trong cuộc họp Quốc hội vừa qua cũng chưa thấy rõ trách nhiệm, nhất là trong câu nói “quy hoạch thủy điện là chúng ta nói về chúng ta chứ không phải Chính phủ hay bộ này, bộ khác”. Anh nói như thế là hòa cả làng và không bao giờ sửa sai được.
Anh phải thấy rằng, mặc dù phân cấp quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa là do địa phương, nhưng về mặt vĩ mô, anh quản lý nhà nước thì anh phải rà soát chứ. Như sân gorl trước đây phân cấp cho địa phương khiến phát triển mạnh, thì sau khi đại biểu phản ứng nay đã sửa rồi. Đó là bài học anh phải học, phải rút kinh nghiệm chứ. Với tư tưởng đó, tôi nghĩ dân chịu thiệt, dân còn kêu trời, chịu khổ, đại biểu còn lên tiếng dài dài… Trách nhiệm quản lý nhà nước là chính. Bộ công thương không có trách nhiệm là vô lý, không thể chấp nhận được. Bởi anh là người quản lý ngành, anh phải có trách nhiệm.
Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai): “Phải xây dựng quy trình vận hành hồ chứa”
Theo quy định về pháp lý, Bộ, Ngành liên quan đã giao hết rồi nhưng trong thực tế, như tôi nói trước Quốc hội, phải xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, kể cả hồ thuỷ lợi và thuỷ điện trên 11 lưu vực sông. Nhưng qua 2 năm rồi, việc thực hiện kết quả thấp, không kiên quyết, kể cả khi ban hành quy định vận hành rồi.
Nhưng làm rõ trách nhiệm Bộ, Ngành mức độ nào, địa phương mức độ nào, chủ công trình mức độ nào thì không rõ, xử lý trách nhiệm thế nào cũng không rõ. Khi vận hành xả lũ dứt khoát có ảnh hưởng đến hạ lưu.
Thêm một yếu tố nữa, xả lũ vừa qua, nhất là các hồ thuỷ điện, rõ ràng tác động không chỉ hồ thuỷ điện mà còn rừng tự nhiên bị mất. Chính từ đây, đòi hỏi nếu Quốc hội ban hành Nghị quyết phải xác định rõ về cách quản lý bảo vệ rừng của các Bộ, Ngành liên quan và địa phương. Trước nay chưa có xử lý nào rõ ràng với quy trình vận hành xả lũ./.
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)