Đại biểu Quốc hội đề nghị trình danh mục cấm kinh doanh
EmailPrintAa
09:23 29/05/2014

Danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh sẽ do các Bộ, ngành xây dựng... 

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 28/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Nhiều ý kiến tán thành với mục tiêu của sửa đổi Luật doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Tại đoàn TP HCM, Đại biểu Trần Du Lịch nêu ý kiến: Theo tờ trình và nỗ lực của cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháo gỡ tất cả rào cản để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thực hiện quyền kinh doanh hợp pháp. Luật phải kèm theo hai việc là danh mục những gì Nhà nước cấm và kinh doanh có điều kiện, ngoài hai cái này doanh nghiệp có thể kinh doanh tất cả. “Các Bộ đưa ra danh mục những ngành có điều kiện chắc sẽ nhiều lắm. Tôi đề nghị đưa ra hết cho Quốc hội xem xét. Từ đó có thể tính tới việc có cần đăng ký ngành nghề kinh doanh như hiện nay không?” – đại biểu Trần Du Lịch nói.

Về qui định DNNN làm nhiệm vụ xã hội, nhưng không tách bạch rạch ròi, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, thiếu định chế công phi lợi nhuận, bổ sung cùng Nhà nước và thị trường để giải quyết bài toán phát triển, hiện không luật nào đề cập. Đó là thiếu xót.

Cũng theo đại biểu Du Lịch, trong Luật không cần thiết quy định nhóm công ty. “Trên thế giới, không ai lập Tập đoàn cả mà do DN phát triển đi lên hình thành tập đoàn. Đó là từ những cây tre hình thành bụi tre chứ không ai có ngay bụi tre từ những ngày đầu tiên cả”.

Các đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng Luật DN sửa đổi thông thoáng, không yêu cầu đưa vào đăng ký kinh doanh lĩnh vực, ngành nghề; tiếp thu rất nhiều góp ý, đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp là mọi người được phép kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm và không hạn chế.

Theo quan điểm của đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải dựa vào hồ sơ đăng ký của DN, phải ghi ngành nghề kinh doanh. Nhưng khi được cấp là không ghi những điều này nhưng nên có mã hóa ngành nghề khi cấp giấy đăng ký kinh doanh. Khi cần triển khai thì thông báo đến các DN có mã đó để dễ quản lý. Ngoài ra, để môi trường hoạt động lành mạnh, DN phải có lý lịch tư pháp chứ không đơn giản chỉ là phô tô chứng minh thư nhân dân.

Trước đó, trong các thảo luận liên quan, nhiều đại biểu tán thành với nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 30) đã đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, trước hết là đăng ký thành lập doanh nghiệp. Việc ghi rõ ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện góp phần bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm đối tác...

Ở khía cạnh khác, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, thủ tục đơn giản không có nghĩa là quá sơ sài. Bởi thực tế, đã có nhiều DN ma, nợ thuế, nợ bảo hiểm… mà không quản lý được. Các điều kiện đăng ký quá đơn giản cũng cần xem xét lại. Khi DN đăng ký kinh doanh phải xác định được trụ sở, địa chỉ DN… “Như ở TPHCM, tìm số nhà đã khó, nói gì đến việc tìm địa chỉ các DN” – đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nói.

Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Luật DN cần đặt mạnh cơ chế hậu kiểm và có chế tài xử lý chặt chẽ, xử lý được những bất cập trong cuộc sống. “Luật cấm điều tra đời tư, thế mà các công ty thám tử quảng cáo tràn lan, vi phạm hiển nhiên. Chúng ta cần xem lại vẫn đề thực thi pháp luật và hậu kiểm”.

Theo nhận xét của Đại biểu Trần Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), thì trong dự thảo, trách nhiệm của Nhà nước chưa rõ trong khi quyền và trách nhiệm của DN là khá rõ. Nhà nước phải thể hiện bằng hành động cụ thể. Thực tế, công tác kiểm tra, thanh tra còn chồng chéo, nhiều DN kêu ca vì quá nhiều đoàn vào kiểm tra trong năm. Do vậy, trong kiểm tra phải kết nối thông tin để chia sẻ kết quả thanh tra, kiểm tra./.

Vũ Hạnh/VOV online


    Ý kiến bạn đọc