Sáng 16-4-2014, tiếp tục Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Việc sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, so với dự thảo trước đây, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam lần này đã tiếp thu các ý kiến góp ý, chỉnh lý bổ sung, cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị về nhiều nội dung.
Dự thảo có một số điểm mới như: việc phong quân hàm cấp tướng được sửa đổi theo Hiến pháp năm 2013 và được quy định vào luật chứ không ở cấp dưới luật. Bên cạnh đó, dự thảo Luật bỏ quy định cấp quân hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Tổng Giám đốc các công ty loại 1. Thời hạn phong hàm cấp Đại tá lên Thiếu tướng tối thiểu là 4 năm. Việc phong hàm cấp Tướng trở lên sẽ không quy định thời gian. Đối với Hà Nội, Chỉ huy lực lượng vũ trang cấp hàm cao nhất là Trung tướng; ở Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất là Thiếu tướng. Chỉ huy quân sự các tỉnh sẽ mang cấp hàm Thượng tá; trừ 06 tỉnh, thành là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An và Đồng Nai mang cấp hàm Đại tá.
Góp ý vào Dự thảo, một số ý kiến tại phiên họp cho rằng, dự thảo Luật quy định một số chức vụ trần quân hàm cấp Tướng còn chưa đáp ứng được yêu cầu như: cùng nhóm chức vụ cơ bản nhưng trần quân hàm lại khác nhau, có chức vụ được phong hàm Đại tá, có chức vụ được phong hàm Thiếu tướng; cùng chức danh Cục trưởng nhưng có Cục trưởng được phong hàm Trung tướng, có Cục trưởng được phong hàm Thiếu tướng, gây nên những bất cập giữa cấp Cục và Tổng cục; có Cục trưởng trần quân hàm bằng Tổng Cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy quân khu, quân chủng và cao hơn Tổng Cục phó; chưa bảo đảm nguyên tắc người chỉ huy và chính ủy có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất của đơn vị.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo cần làm rõ vị trí có nhu cầu hàm cấp Tướng; không cần quy định hàm cấp Tướng đối với một số đơn vị như: các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công. Mặt khác, đơn vị chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu phải cao hơn các đơn vị khác để tránh những quy định không phù hợp, gây tâm lý so sánh, thắc mắc không đồng thuận ngay trong lực lượng.
Về chính sách lương trong quân đội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chủ trương tách lương ra khỏi quân hàm và cho rằng, cần đổi mới chính sách tiền lương theo hướng này, bảo đảm tiền lương được xác định theo vị trí việc làm và chức danh, để việc phong, thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cho ý kiến tại buổi làm việc, nhấn mạnh nguyên tắc cấp trên phải cao hơn cấp dưới, cấp trưởng phải cao hơn cấp phó, chức vụ tương đương sẽ có quân hàm tương đương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cần thống nhất trong cả Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân sửa đổi và Luật Công an nhân dân sửa đổi tuân thủ nguyên tắc này.
"Đối với quân đội, đơn vị có tổ chức mô hình Chính ủy, Chính ủy và Tư lệnh có thể có cấp hàm bằng nhau, còn các đơn vị khác không nên quy định như vậy", Chủ tịch Quốc hội nói.
Về thời hạn thăng quân hàm cấp tướng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên quy định cụ thể trong dự thảo theo hướng rút ngắn thời hạn thăng quân hàm để trẻ hóa sĩ quan chỉ huy trong quân đội. Dự thảo cũng nên quy định bổ nhiệm ngay trần cấp hàm đối với người được bổ nhiệm vào chức vụ mà chưa có cấp hàm phù hợp. Ví dụ, một người là Trung tướng được bầu vào Bộ Chính trị, bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ được phong Đại tướng trước niên hạn - Chủ tịch Quốc hội nói.
Về vấn đề tiền lương sĩ quan, cần quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, không quy định cụ thể trong luật này mà làm thang bảng lương riêng.
Liên quan đến việc thống nhất trần quân hàm giữa hai lực lượng quân đội và công an, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa nêu quan điểm, không nên so sánh việc bổ nhiệm chức vụ, quân hàm giữa quân đội và công an vì quân đội được tổ chức theo mô hình tác chiến liên địa bàn bao gồm bảo đảm an toàn vùng trời, vùng đất, lãnh thổ nên có đặc thù riêng.
Một số ý kiến cũng cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật liên quan chặt chẽ với các quy định của Hiến pháp như: thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định chặt chẽ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp và phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước đối với việc tổ chức quân đội nhân dân./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)