Qua 2 ngày làm việc nghiêm túc tại hội trường, trong không khí dân chủ, thẳng thắn, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, trong 2 ngày thảo luận tại hội trường, đã có 119 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và 86 đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến tại hội trường. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng công việc này đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc theo đúng nghị quyết của Quốc hội; thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, thu hút sự quan tâm sâu sắc, tham gia tích cực, có trách nhiệm và tâm huyết, trí tuệ của đông đảo đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài.
Thông qua đợt lấy ý kiến nhân dân lần này cũng góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về Hiến pháp, pháp luật, tạo điều kiện cho việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, pháp luật của nhân dân. Ý kiến góp ý của nhân dân đã được các cơ quan, tổ chức và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tập hợp, tổng hợp đầy đủ, khoa học và nghiên cứu đề xuất các phương án tiếp thu nhằm hoàn thiện bản dự thảo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Sau kỳ họp này, đến ngày 30/9/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục tập hợp, tổng hợp các ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, với mong muốn có một bản dự thảo Hiến pháp chất lượng tốt hơn, thực sự kết tinh được tinh hoa, trí tuệ, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Về một số nội dung cụ thể của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhìn chung các đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu vào bản dự thảo Hiến pháp năm 1992, nhất là đối với những vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc, liên quan đến bản chất của chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của nước ta.
Về Lời nói đầu, các đại biểu Quốc hội đa số tán thành với dự thảo Lời nói đầu của dự thảo Hiến pháp, trên cơ sở kế thừa những nội dung cơ bản của Lời nói đầu Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm lưu ý đề nghị cân nhắc thêm Lời nói đầu cần viết ngắn gọn, súc tích hơn, bảo đảm thể hiện được quá trình lịch sử vẻ vang của dân tộc, của Đảng, Nhà nước, nền tảng tư tưởng, mục tiêu chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp.
Tiếp tục giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Về tên nước (Điều 1), tuyệt đại đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành tiếp tục giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng có ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Về bản chất của Nhà nước, Điều 2, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều khẳng định, “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, có sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Riêng vấn đề về nền tảng của Nhà nước, cũng có loại ý kiến đề nghị nên dùng cụm từ “khối đại đoàn kết toàn dân, toàn dân tộc” hoặc để nguyên như Dự thảo nhưng thêm “đội ngũ doanh nhân” vào sau đội ngũ trí thức
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội
Về Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Điều 4, tất cả ý kiến của các đại biểu phát biểu và cũng là ý kiến, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân là khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội. Nêu rõ bản chất của Đảng như trong Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng là “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Các đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung của dự thảo Điều 4, song cũng có ý kiến bổ sung cụm từ “Đảng cầm quyền là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Có ý kiến đề nghị bổ sung Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân và pháp luật, có cơ chế để nhân dân giám sát Đảng.
Khẳng định vai trò của các tổ chức chính trị xã hội
Về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các ý kiến hoan nghênh việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, ý kiến của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Điều 9, trong đó khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Tổ chức chính trị xã hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, nhà nước và hoạt động đối ngoại nhân dân.
Điều 10 về công đoàn còn 2 loại ý kiến khác nhau, đa số ý kiến đề nghị giữ Điều 10 như dự thảo đã công bố lấy ý kiến nhân dân. Quy định này cũng là kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây để khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và bổ sung một số nội dung mới về công đoàn cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị đưa nội dung Điều 10 thành một khoản độc lập của Điều 9.
Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Về chế độ kinh tế, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như trong Cương lĩnh. Riêng về vai trò của các thành phần kinh tế hiện vẫn còn 3 loại ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến tán thành với phương án 3 nêu trong báo cáo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đó là nền kinh tế Việt Nam, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế. Cũng có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tán thành với phương án 2 đó là nền kinh tế Việt Nam, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Cũng có ý kiến đề nghị giữ như phương án 1 nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý
Về sở hữu đất đai và thu hồi đất, Quốc hội tiếp tục khẳng định quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất v.v... Trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Riêng việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội thì vẫn đang còn ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này vào trong dự thảo Hiến pháp, nhưng cũng có ý kiến đồng ý với Dự thảo. Vấn đề này cũng có ý kiến đề nghị nên được quy định cụ thể trong Luật đất đai tới đây.
Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân
Về lực lượng vũ trang, Quốc hội khẳng định lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân như trong Cương lĩnh, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, Đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện trách nhiệm quốc tế.
Thẩm quyền quyết định phê chuẩn ngân sách nhà nước và ngân sách Trung ương
Về thẩm quyền quyết định phê chuẩn ngân sách nhà nước và ngân sách Trung ương, hiện vẫn còn có hai loại ý kiến khác nhau như hai phương án trong dự thảo trình Quốc hội. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị Quốc hội quyết định dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương, xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
Quốc hội có thẩm quyền quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính
Về thẩm quyền quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đa số ý kiến tán thành với phương án 1 trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đề nghị của Chính phủ. Cũng có ý kiến đề nghị giữ phương án 2, đó là Chính phủ có thẩm quyền quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân
Về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Hiến pháp về vị trí, vai trò, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Riêng về vấn đề án lệ, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung vào Hiến pháp, nhưng cũng có ý kiến đề nghị đây là vấn đề mới chưa được nghiên cứu kỹ nên không quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà tiếp tục nghiên cứu nếu thấy phù hợp thì quy định trong luật.
Về Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nên bổ sung thẩm quyền kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân hoặc kiểm sát vấn đề xử phạt vi phạm hành chính, kiểm sát văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương như trước đây.
Làm rõ vị trí, vai trò, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của chính quyền địa phương
Về chính quyền địa phương, đây là nội dung rất lớn thuộc nội dung của Hiến pháp nhưng dự thảo chưa làm rõ được vị trí, vai trò, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của chính quyền địa phương, Hiến pháp không thể không hiến định chế định này. Có ý kiến cho rằng cả hai phương án này đều chưa đáp ứng được yêu cầu của chúng ta trong vấn đề đổi mới, cải cách chính quyền địa phương. Nếu như phương án 1 thì quá chung, chưa nêu được cụ thể, nhưng nếu như phương án 2 giữ như hiện hành thì chưa thể chế hóa được một số quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta hiện nay về chính quyền địa phương.
Trong thảo luận lần này, Quốc hội đồng ý đơn vị hành chính bốn cấp như hiện nay nhưng việc tổ chức các cấp chính quyền địa phương đang còn những ý kiến khác nhau về chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, chính quyền hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và nhiệm vụ, chức năng, vị trí, tính chất của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân như thế nào, chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế này thì đề nghị cần phải tổng kết các đề án thí điểm và sẽ đưa vào trong Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Về cơ chế bảo vệ Hiến pháp
Về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, tiếp tục xây dựng từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền như nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Hiện còn ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức cơ quan bảo hiến.
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban Quốc hội, các cơ quan khác của nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị thành lập Hội đồng Hiến pháp nhưng để tăng thẩm quyền để cơ quan này thực sự có thực quyền để đảm bảo được bảo vệ Hiến pháp.
Cũng có đề nghị nên nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5, Khóa X là thành lập Tòa án Hiến pháp để cơ quan này thực hiện quyền tài phán đối với những vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Đây cũng là vấn đề mới đang còn ý kiến khác nhau.
Về việc sửa đổi Hiến pháp
Về việc sửa đổi Hiến pháp, xây dựng quy trình sửa đổi Hiến pháp, bảo đảm kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội với quyền của nhân dân. Quy định rõ Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định như Dự thảo đã công bố.
Tuy nhiên, tại Hội trường cũng có ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị Hiến pháp sau khi Quốc hội thông qua cần phải được toàn dân phúc quyết về Hiến pháp và lúc đó Hiến pháp mới có hiệu lực vì nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước.
Ngoài vấn đề nói trên, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận góp ý cụ thể vào nhiều nội dung khác cũng như kỹ thuật lập hiến của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cũng có ý kiến các đại biểu Quốc hội đề nghị nên thành lập Uỷ ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng, Uỷ ban kiểm soát nhà nước, Thanh tra Quốc hội, Ngân hàng Trung ương, Thống kê nhà nước để đưa vào trong Hiến pháp. Đoàn thư ký kỳ họp đã ghi chép đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tất cả các ý kiến này sẽ được chuyển đến Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thảo luận xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 dự kiến vào tháng 10 năm nay./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)