Đánh Syria: Tổng thống Obama đánh cược uy tín trước Quốc hội
EmailPrintAa
15:53 09/09/2013

Ngay cả khi Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch tấn công Syria, ông Obama vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ chính trị.

Các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ ngày 9/9 bắt đầu thảo luận về kế hoạch không kích nhằm vào Syria của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Để bảo vệ kế hoạch của mình, Tổng thống Obama đã từng khẳng định "can thiệp quân sự tại Syria là cần thiết nhằm đảm bảo một lệnh cấm của cộng đồng quốc tế về việc sử dụng vũ khí hóa học, bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và của các đồng minh trong khu vực". 

Tuy nhiên, khi đặt cược uy tín của mình vào cuộc bỏ phiếu lần này tại lưỡng viện Quốc hội, Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với khá nhiều khó khăn để có thể giành được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp và người dân nước này về một kế hoạch tấn công Syria khi mà nhiều người vẫn giữ quan điểm rằng, sự can thiệp như vậy chỉ khiến Mỹ thêm “hao người tốn của”.

Trong khi các tàu chiến của Mỹ đã được triển khai sẵn sàng tại khu vực Địa Trung Hải để đợi lệnh tấn công, nhiều thành viên Quốc hội Mỹ vẫn lưỡng lự và đang đặt ra câu hỏi, liệu cuộc tấn công của Mỹ, nếu xảy ra, có thể khiến chính quyền al-Assad ngừng sử dụng vũ khí hóa học hay không? Song, Nhà Trắng đến nay vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời thuyết phục cho vấn đề này. 

Ông Bruce Reidel, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings ở Washington cho rằng, kế hoạch của ông Obama về một cuộc tấn công quân sự hạn chế là khả thi, song cũng cảnh báo rằng, ngay cả một kế hoạch chi tiết và thận trọng nhất cũng không thể đảm bảo rằng cuộc xung đột tại Trung Đông sẽ không leo thang nếu chính quyền của Tổng thống Assad tiến hành trả đũa cuộc tấn công của Mỹ.

Ông Bruce Reidel nói: “Kế hoạch của Tổng thống là sử dụng hàng loạt tên lửa hành trình để cảnh báo chính quyền Syria. Kế hoạch này là khả thi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ hoàn tất cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria, nếu chính quyền Damascus vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học? Không lẽ Mỹ sẽ lại sử dụng thêm nhiều tên lửa khác để tấn công Syria?

Dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về kế hoạch tấn công Syria trong vài ngày tới, và Hạ viện sẽ biểu quyết sớm nhất là trong tuần sau. Rõ ràng, Tổng thống Obama đang đánh cược uy tín của mình, trong cuộc bỏ phiếu này. Nhiều khả năng Tổng thống của đảng Dân chủ sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Thượng viện, song tại Hạ viện thì điều này là không chắc chắn khi đảng Cộng hòa chiếm đa số. 

Tuy nhiên, ông Obama sẽ phải giành được sự ủng hộ tại lưỡng viện Quốc hội, hoặc uy tín của ông có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng khi cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội diễn ra đúng thời điểm quan trọng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Ngoài cuộc xung đột tại Syria, ông Obama còn đau đầu với các chính sách hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó là các vấn đề trong nước, nhất là về tài chính. Chuyên gia Reidel cho rằng: “Nếu Tổng thống giành được sự ủng hộ tại Thượng viện nhưng không được ủng hộ tại Hạ viện, thì ông sẽ thất bại. Sự thất bại này sẽ khiến cho 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông trở nên vô cùng khó khăn. Thậm chí, nếu ông giành được sự ủng hộ tại lưỡng viện trong cuộc bỏ phiếu này, các nguy cơ chính trị đối với Tổng thống vẫn còn nhiều, bởi sự can thiệp quân sự của Mỹ không thể đạt được thành công trong dài hạn, vì việc sử dụng vũ khí hóa học phải chấm dứt không phải chỉ trong vài giờ hay 1 tháng sau cuộc tấn công”.

Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận gần đây chỉ ra rằng, hầu hết người dân Mỹ không ủng hộ sự can thiệp quân sự vào Syria. Kết quả thăm dò do hãng tin Reuters của Anh tiến hành cuối tuần qua cho thấy, chỉ có 19% người dân Mỹ ủng hộ hành động can thiệp quân sự, trong khi có tới 56% phản đối. Sau cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, hầu hết người dân nước này đều tỏ ra lo ngại rằng, một cuộc chiến tại Syria sẽ chỉ khiến cho Mỹ thêm “hao người tốn của”. 

Một người dân Mỹ bày tỏ: “Tôi cho rằng, can thiệp quân sự là một việc làm sai lầm. Chúng ta không cần phải kiểm soát thế giới mà hãy để các quốc gia tự kiểm soát họ. Những người lính Mỹ đã chết mà không có một lý do chính đáng nào. Đừng để việc này tiếp tục diễn ra”.

Có thể nói, sự đánh cược uy tín của Tổng thống Obama lần này khá mạo hiểm khi việc thuyết phục các nhà lập pháp và người dân nước này không dễ dàng. Trước khi cuộc bỏ phiếu về kế hoạch tấn công Syria diễn ra tại Quốc hội Mỹ, Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough, cũng thừa nhận, các nghị sỹ và người dân Mỹ vẫn còn hoài nghi là điều dễ hiểu, vì chính quyền của Tổng thống Obama vẫn chưa có bằng chứng "không thể chối bỏ" về vấn đề này. Tổng thống Syria al-Assad ngày 8/9 một lần nữa bác bỏ các cáo buộc cho rằng chính quyền của ông đã đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường nước này làm hơn 1.000 người thiệt mạng, đồng thời cho rằng, nếu Mỹ có bằng chứng về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học thì cần phải đưa ra các bằng chứng đó./.


    Ý kiến bạn đọc