Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu
EmailPrintAa
08:34 18/06/2013

Chiều 17/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Phiên họp đã được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi. 

Trong ngày làm việc, đã có 45 đại biểu Quốc hội của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Quản lý của Nhà nước về đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Tài chính về đất đai, giá đất; Việc phân loại đất, chế độ sử dụng các loại đất, phát triển quỹ đất nông nghiệp; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…

Vấn đề Quản lý của Nhà nước về đất đai, hầu hết các đại biểu Quốc hội tán thành với quan điểm thu hồi đất bởi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Đại biểu Triệu Thị Nái (đoàn Hà Giang) và nhiều ý kiến khác đồng tình, đồng ý sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đồng thời tán thành có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất ở 3 cấp quốc gia, tỉnh, huyện. 

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) thống nhất cao sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, đó cũng là linh hồn của luật và cho rằng, vì vậy càng cần tách bạch rõ quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách quản lý nhà nước.
Vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đại biểu Bùi Sĩ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, với việc thu hồi đất để làm các dự án, cần quy định rõ ràng hơn để tránh lạm quyền, vì hiện nay thu hồi đất luôn là tâm điểm của khiếu kiện về đất đai. Cần quy định ngay trong luật những dự án cần phải thu hồi đất.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) tán thành với các quy định về chính sách đền bù đất đai. Tuy nhiên, đối với tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất, đại biểu Đinh Xuân Thảo đề nghị cần làm rõ thêm. Đất thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước có quyền quyết định thu hồi để phục vụ lợi ích chung. Nhưng tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người dân, vì vậy cần tính toán đầy đủ, cụ thể để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Cần bổ sung chính sách bồi thường thiệt hại đối với tài sản gắn liền với đất của người dân khi bị thu hồi, không phân biệt. 

Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) cho rằng, về thu hồi đất, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng mục đích khác nhau thì bồi thường khác nhau. Điều này là đúng. Nhưng chưa có quy định thu hồi đất để bảo đảm an ninh lương thực và chống biến đổi khí hậu, cần quy định cả vấn đề trả đất để bảo đảm an ninh lương thực. Riêng về thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội, thời gian qua rất phức tạp, người dân chịu thiệt thòi, nhiều nơi chính quyền bất chấp để có nguồn thu. Vì thế, cần cân nhắc việc Nhà nước đứng ra thu hồi đất nhưng lại để chủ đầu tư hưởng lợi. Nhiều vấn đề cũng được các đại biểu Quốc hội tập trung phát biểu làm rõ xoay quanh việc thu hồi đất, bồi thường, quy hoạch sử dụng đất..

Về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, việc quy hoạch đất sử dụng đất hiện gây tác động không tốt đến tâm lý của người dân, vì thế công tác quy hoạch sử dụng đất cần công khai, minh bạch, không để xảy ra lợi ích nhóm. Việc công bố kế hoạch, sử dụng đất các cấp không thể coi như việc công bố các văn bản khác, cần công khai, công bố tại trụ sở cơ quan, qua mạng, báo chí và các kênh khác để người dân được tiếp cận rộng rãi. Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, người dân hiện nay luôn bị động, không được tiếp cận thông tin, vì vậy cần để người dân được lấy ý kiến đối với quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, tỉnh, huyện. 

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước)

Cũng vấn đề này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) cho rằng, hiện nay công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, gây lãng phí, khiến khiếu kiện kéo dài. Không ít quy hoạch dồn người dân đi từ bức xúc này đến bức xúc khác vì quy hoạch treo, đền bù, bồi thường cho người dân không thỏa đáng. Vì vậy, cần quy định rõ đất đai nằm trong quy hoạch sử dụng đất thì bị hạn chế những điều gì. Ví dụ không được tự ý xây dựng tức là không được chuyển mục đích sử dụng, sang nhượng, vậy thì cần phải quy định rõ. Việc hạn chế quyền sử dụng đất cũng phải được đền bù giống như thu hồi đất, vì thực tế người dân hạn chế quyền sử dụng đất cũng chịu thiệt hại rất lớn như không được sang nhượng, xây dựng, trồng cây lâu năm.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, thực tế thiếu đất cho bà con dân tộc thiểu số hiện nay đang diễn ra do quy hoạch có vấn đề, trong khi quy hoạch thủy lợi, các dự án ngày càng lấy nhiều đất ở của bà con, cả đất ở, đất sản xuất. Vì thế, luật cần quy định về quy hoạch đất cho bà con dân tộc thiểu số. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, cần quy định về có đất sản xuất cho người dân tái định cư. Vì mục tiêu phát triển chung, người dân phải di chuyển chỗ ở là bất đắc dĩ, vì thế nhà nước phải bảo đảm quy hoạch đất sản xuất cho bà con, tránh tình trạng có chỗ ở mà không có đất sản xuất hiện nay. Các đại biểu đề nghị chỉ thu hồi đất ở của người dân sau khi đã bố trí xong hạ tầng ở khu tái định cư và đất sản xuất cho bà con. 

Phát biểu kết luận sau một ngày thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung cơ bản trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cũng phát biểu nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo Luật; phân tích sâu sắc những nội dung tán thành và không tán thành; đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai và giá đất; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; công việc giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai... 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau và sẽ gửi phiếu xin kiến các đại biểu để làm cơ sở cho việc chỉnh lý, soạn thảo Luật, báo cáo lại Quốc hội xem xét quyết định.

Theo chương trình, ngày hôm nay 18-6-2013, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. 


    Ý kiến bạn đọc