Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Hec-man Van Rôm-puy, Thủ tướng Vương quốc Bỉ E-li-ô Đi Ru-pô, Tổng thống I-ta-li-a Giooc-giô Na-pô-li-ta-nô và Thủ tướng Anh Đa-vit Ca-mơ-rôn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu thực hiện chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu; chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa I-ta-li-a và thăm chính thức Vương quốc Anh từ ngày 17 đến 24-1-2013.
Đây là chuyến thăm các nước Tây Âu lần đầu tiên của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là chuyến đi đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta tới khu vực này trong nhiều năm qua.
Chuyến thăm các nước Tây Âu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta được thực hiện trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục kéo dài gay gắt. Các quốc gia, kể cả các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đang ra sức tìm kiếm phương thức khắc phục hậu quả của khủng hoảng. Hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển vẫn là xu thế lớn. Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được coi là một khu vực phát triển năng động nhưng cũng tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Việc tập hợp lực lượng, đan xen lợi ích đang diễn ra dưới nhiều dạng thức mới. Sau 45 năm thành lập, ASEAN tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để bảo đảm đoàn kết nội khối, thực hiện mục tiêu trở thành Cộng đồng vào năm 2015.
Quan hệ Việt Nam - EU phát triển nhanh chóng và sâu rộng
Trong hơn 20 năm qua, quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng về chính trị. Lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng tăng cường hợp tác nhiều mặt cho tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai bên. Về kinh tế thương mại, EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ, và năm 2012 đã vượt lên số 1. Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15-20%/năm. Tính đến hết tháng 8-2012, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước EU vào Việt Nam đạt trên 18 tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện đạt 13 tỷ USD. Về hợp tác phát triển, EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 20% tổng cam kết của cộng đồng quốc tế tài trợ cho Việt Nam. Vừa qua, hai bên đã ký chính thức Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA), kết thúc vòng 1 đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
Liên minh châu Âu luôn nhìn nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực, nhất là với vị trí điều phối quan hệ ASEAN - EU từ tháng 7-2012 và giữ cương vị Tổng Thư ký ASEAN vào năm 2013. EU và các nước thành viên mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, qua cầu nối Việt Nam để thúc đẩy quan hệ với ASEAN.
Chuyến thăm chính thức Liên minh Châu Âu (EU) lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ với EU; cam kết thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với EU, phát huy vai trò là nước điều phối để thúc đẩy quan hệ ASEAN - EU; góp phần quan trọng tháo gỡ những vấn đề tồn tại và thúc đẩy triển khai hiệu quả một số chương trình, dự án mà các đối tác quan tâm và Việt Nam có lợi ích thiết thực; trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế đang quan tâm.
Quan hệ Việt Nam - Bỉ được thúc đẩy mạnh mẽ
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22-3-1973. Từ năm 1992, quan hệ Việt Nam - Bỉ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về chính trị, ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển và giáo dục - đào tạo; tăng cường hợp tác giữa các vùng, địa phương hai nước...
Cộng đồng doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tìm hiểu cơ hội kinh doanh đầu tư, nhất là trong những lĩnh vực ưu tiên như: phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, công nghệ xanh, y tế và giáo dục - đào tạo... Bỉ tiếp tục coi Việt Nam là ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển trong thời gian tới.
Thời gian qua, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ ASEM, ASEAN-EU.
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tăng cường quan hệ chính trị làm cơ sở cho quan hệ lâu dài trên các mặt, nhất là kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ; xem xét khả năng nâng cấp quan hệ song phương trên một số lĩnh vực thích hợp trong tương lai; chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Nâng cấp quan hệ toàn diện các lĩnh vực với I-ta-li-a
Việt Nam và I-ta-li-a thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-3-1973. Từ đầu thập kỷ 1990, quan hệ giữa Việt Nam và I-ta-li-a đã phát triển tích cực, toàn diện. Hai nước coi trọng vị trí, vai trò của nhau; hoạt động và giá trị trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư song phương phát triển ổn định dù còn ở mức khiêm tốn.
Một số tập đoàn chế tạo lớn của I-ta-li-a đã thiết lập quan hệ hợp tác và bước đầu có một số kết quả quan trọng tại Việt Nam. Hai nước đã tái khởi động hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác phát triển Việt Nam - I-ta-li-a, nhất trí tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tăng cường đầu tư, kể cả hình thức hợp tác Đối tác Công-Tư (PPP)...
Chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa I-ta-li-a lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta nhằm nâng cấp quan hệ toàn diện các lĩnh vực với I-ta-li-a, đặc biệt là ký kết Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - I-ta-li-a; tạo điểm nhấn trong việc tăng cường hợp tác về kinh tế và quốc phòng; chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hiện thực hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11-9-1973. Trong những năm gần đây, thương mại hai chiều tăng trưởng đều đặn khoảng 15-20%/năm. Anh ưu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam và là nhà tài trợ song phương đầu tiên trên thế giới cam kết ODA cho Việt Nam đến năm 2015.
Sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tháng 9-2010, sự hợp tác giữa hai nước được tích cực triển khai thông qua các cơ chế Đối thoại chiến lược và Ủy ban Hỗn hợp kinh tế - thương mại (JETCO), xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động hằng năm. Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, một lĩnh vực hợp tác trọng tâm và nhiều tiềm năng; tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế lớn, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEM.
Anh cam kết tiếp tục hỗ trợ phát triển cho Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu như: Xóa đói giảm nghèo, đối phó với biến đổi khí hậu, giáo dục và đào tạo, phòng chống tham nhũng; hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với EU.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Anh mời Tổng Bí thư của một đảng chính trị nước ngoài đến thăm chính thức Anh. Với vị thế của Anh trong EU và trên thế giới, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này sẽ thúc đẩy quan hệ chính trị và tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Vương quốc Anh; hiện thực hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Chuyến thăm EU, Bỉ, I-ta-li-a và Anh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Chuyến thăm EU, Bỉ, I-ta-li-a và Anh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta sẽ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác Tây Âu, thúc đẩy và mở rộng hợp tác nhiều mặt với các đối tác quan trọng trong tình hình mới./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)