Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới
EmailPrintAa
10:02 13/04/2012

Sáng 12/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị số 09-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng chủ trì Hội nghị.
Nhiều mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc phát huy hiệu quả
Báo cáo của Bộ Công an chỉ rõ, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã phát huy sức mạnh “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, cảnh giác và đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, hoạt động kích động, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị xã hội của đất nước.
Lực lượng Công an đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện Nghị quyết số 40-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới”; Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Kết luật số 86-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14/10/2006 của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới”.
Nhiều địa phương đã tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng các quy ước, hương ước, tự nguyện ký cam kết không vi phạm pháp luật (hiện nay cả nước có hàng chục triệu hộ ký cam kết), riêng khối cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước đã tổ chức cho hơn 50 triệu lượt cán bộ, công nhân viên ký cam kết xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
Qua phong trào, quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng chục triệu nguồn tin có liên quan đến công tác an ninh, trật tự, trong đó, có 60-70% tin có giá trị giúp các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, các vụ án về tội phạm có tổ chức, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, đường dây buôn bán ma túy, mua, bán người.
Từ phát hiện của quần chúng, 10 năm qua, Cơ quan điều tra đã bắt giữ gần 15.000 đối tượng truy nã, trốn thi hành án; vận động hơn 28.560 đối tượng phạm tội ra tự thú.
Hiện nay, cả nước có trên 700 mô hình, tổ chức quần chúng hoạt động về phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn ma túy; phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; giữ gìn an ninh, trật tự.
Nổi bật là các mô hình như: “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”; “Chi hội Cựu chiến binh gương mẫu”; “Thanh, thiếu niên nói không với tội phạm ma túy”, “Đội giáo dục đồng đẳng”; “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; “Nông dân với pháp luật”; “Xóm đạo bình yên”…
Tập trung khắc phục những hạn chế
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, đoàn thể, nhân dân về nhiệm vụ này được nâng lên một bước.
Chất lượng phong trào có nhiều chuyển biến quan trọng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được nhân rộng; nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự đã được phát hiện, kịp thời giải quyết ổn định ngay tại cơ sở...
Tuy nhiên, đồng chí Lê Hồng Anh cũng chỉ rõ, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa được duy trì thường xuyên, phát triển chưa vững chắc; một số nội dung thực hiện còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ; công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng, động viên phong trào chưa kịp thời.
Công tác đấu tranh chống âm mưu và hoạt động “diễn biến hoà bình”, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch còn thiếu sắc bén; công tác tham mưu phối hợp và biện pháp giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, những vấn đề phức tạp về an ninh liên quan đến tôn giáo, dân tộc ở một số địa phương còn lúng túng…
Đây là những hạn chế cần khắc phục.
 Làm tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, đồng thời để tiếp tục thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 09-CT/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu cần làm tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội…
Thứ hai, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cần tiến hành theo hướng xã hội hoá ngày càng cao. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hoà giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học…
Thứ ba, phong trào phải thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, đảm bảo thiết thực, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng lĩnh vực…
Thứ tư là tăng cường công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Thứ năm là tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc....
Thứ sáu là cấp ủy đảng, chính quyền cần chăm lo xây dựng, tạo điều kiện để xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó quan tâm xây dựng đội ngũ công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp...
Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư, sau Hội nghị này, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân căn cứ tình hình cụ thể, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương để xây dựng, bổ sung chương trình hành động tổ chức triển khai thực hiện cho phù hợp. Làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiên tiến, khắc phục những yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện.
Các cơ quan thông tấn, báo chí phải thường xuyên tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, những kinh nghiệm hay trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

    Ý kiến bạn đọc