Đề nghị thành lập mới một số đơn vị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
EmailPrintAa
08:26 12/07/2013

Tiếp tục Phiên họp thứ 19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị phê chuẩn Quyết định việc thành lập mới, điều chỉnh, bổ sung tên gọi một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.

Theo Tờ trình, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị thành lập mới hai đơn vị gồm: Vụ Thi đua - Khen thưởng và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Đồng thời, điều chỉnh tên gọi từ “Vụ” thành “Viện” đối với các đơn vị Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp về hình sự; điều chỉnh tên gọi của Viện Khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Cục Tài chính - Hậu cần; bổ sung tên gọi Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành Cục Điều tra (Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao).

Tại báo cáo thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị: Trong thời điểm Quốc hội đang nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Hiến pháp, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng sẽ được trình Quốc hội trong thời gian tới, cần cân nhắc thận trọng khi thay đổi về tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp để đảm bảo tính đồng bộ trong việc thực hiện các yêu cầu cải cách tư pháp. 

Mặt khác, việc điều chỉnh tên, thay đổi chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải đảm bảo không được trái với các quy định hiện hành của các luật liên quan. Việc thay đổi tổ chức bộ máy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng sẽ liên quan đến việc tăng biên chế nên khi xem xét các nội dung cụ thể của Tờ trình, cần chú ý đảm bảo yêu cầu này.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc thành lập mới Vụ Thi đua Khen thưởng và Đại học Kiểm sát Hà Nội (thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) và bổ sung tên gọi Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành Cục Điều tra (Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). 

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và cơ chế phối hợp của lực lượng phòng cháy, chữa cháy với các lực lượng khác để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy hiệu quả hơn. 

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc xác định tính chất vũ trang của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đề nghị lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy chỉ nên quy định được hưởng chế độ chính sách như lực lượng vũ trang, có chính sách hỗ trợ cho đối tượng trực tiếp tham gia chữa cháy tại chỗ và quy định thống nhất mức chi, nguồn kinh phí bảo đảm.

Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, phạm vi sửa đổi, bổ sung và tên gọi của Luật; tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy; tính chất vũ trang của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy; chính sách hỗ trợ đối với lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở hiện là 4 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy. 

Liên quan đến vấn đề tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, việc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của lực lượng phòng cháy chữa cháy như quy định trong Luật hiện hành chưa phù hợp tình hình phát triển của đất nước hiện nay; nhất là trong điều kiện các khu đô thị, khu chung cư phát triển và được xây dựng xen kẽ nên khó áp dụng trong thực tiễn khi xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở. Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế chính sách giữa lực lượng dân phòng với lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở cần phải được quy định cụ thể trong luật để bảo đảm tính khả thi và nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục những yếu kém hiện nay. Do vậy, đề nghị quy định rõ yêu cầu xây dựng, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế chính sách đối với từng lực lượng phòng cháy chữa cháy phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.


    Ý kiến bạn đọc