Đây là một hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10-10-1952/10-10-2022).
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo phát biểu.
Quang cảnh Hội thảo.
Tới dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương , Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức Hội Trung ương; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo Trung ương và địa phương; và đặc biệt là đại diện lãnh đạo các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, các nhà xuất bản, công ty in, phát hành sách cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách.
Hội thảo gồm hai phiên nội dung, tương ứng với hai chủ đề lớn: Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam - Hành trình 70 năm và Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam - Tầm nhìn và định hướng phát triển. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người làm xuất bản, in và phát hành sách đã cung cấp nhiều luận chứng, luận cứ khoa học, với những phân tích, trao đổi sâu sắc về quá trình hình thành, phát triển và những dấu mốc quan trọng của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam trong 70 năm qua.
Tư liệu trưng bày tại triển lãm trong khuôn khổ Hội thảo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người làm xuất bản, in và phát hành sách đã phân tích những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách ở Việt Nam hiện nay; cung cấp nhiều luận chứng, luận cứ khoa học với những phân tích, trao đổi sâu sắc về quá trình hình thành, phát triển và những dấu mốc quan trọng của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam trong 70 năm qua (10-10-1952/10-10-2022). Các tham luận cũng làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách; làm rõ những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước…
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá: Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, nhằm ôn lại những dấu mốc lịch sử của ngành trong 70 năm qua; đánh giá những đóng góp của ngành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như quá trình đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quý báu của ngành, qua đó đóng góp ý kiến, quan điểm để hoạt động xuất bản, in và phát hành tiếp tục phát huy truyền thống, trí tuệ; đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực, tiềm lực của ngành trong thời gian tới. Từ hơn 70 bài tham luận, Ban Tổ chức đã lựa chọn hơn 40 bài đăng trong Kỷ yếu nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành. Các tham luận gửi đến Hội thảo là kết quả của sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc và tâm huyết, trách nhiệm của những người làm công tác xuất bản, cung cấp thêm nhiều luận cứ, chứng cứ, bổ sung nguồn tư liệu có giá trị, góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề liên quan đến hai chủ đề lớn của hội thảo.
Các đại biểu tham quan triển lãm sách.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá: Các bài tham luận cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với hoạt động xuất bản, in và phát hành sách ở Việt Nam thời gian tới, như: Vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động xuất bản, trong đó có xuất bản điện tử, truyền thông số, thương mại điện tử… Trên cơ sở đó, chỉ rõ những yêu cầu tất yếu, bức thiết hiện nay, đó là phải nhận diện rõ bối cảnh, điều kiện, phương hướng để có giải pháp đổi mới công tác xuất bản, in và phát hành sách đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ mới, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đổi mới công tác quản lý nhà nước về xuất bản, in và phát hành, tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão hiện nay.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã được tham quan Triển lãm sách gồm các sách về Văn kiện Đảng; sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sách về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; sách về xây dựng Đảng và các sách lý luận, chính trị...
Nguồn: Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN-NGÔ TRUNG KIÊN/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)