Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm việc tại Hà Tĩnh
EmailPrintAa
10:01 01/07/2019

Trong các ngày từ 29 đến 30-6-2019, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã có các cuộc khảo sát và làm việc tại Hà Tĩnh thực hiện chương trình công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII và nghe báo cáo về phương án tổng thể sáp nhập xã, sắp xếp đội ngũ cán bộ sau sáp nhập các xã tại Hà Tĩnh.

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh để nghe phương án tổng thể sáp nhập xã.

Nhân chuyến khảo sát của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII, sáng nay 30-6, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh để nghe phương án tổng thể sáp nhập xã và phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ sau sáp nhập các xã.

Các thành viên trong Đoàn công tác tại buổi làm việc.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; lãnh đạo một số vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ. Về phía tỉnh Hà Tĩnh có các đồng chí: Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo phương án sắp xếp của Hà Tĩnh, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp trong năm 2019 của Hà Tĩnh là 80 xã, trong đó 51 xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 19 xã liên quan, 10 xã thuộc diện khuyến khích thực hiện sắp xếp. Sau khi sắp xếp, Hà Tĩnh sẽ giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới. Có 19 xã mới bảo đảm theo quy định về quy mô, dân số và 15 xã mới chưa đảm bảo theo quy định về quy mô dân số và diện tích. Như vậy sau sắp xếp, trên địa bàn Hà Tĩnh còn 216 xã, giảm 17,56% so với số xã trước khi sắp xếp.

Về phương án sắp xếp cán bộ, tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại 80 xã thực hiện sắp xếp hiện có 2.321 người, trong đó có 760 cán bộ, 744 công chức và 817 người hoạt động không chuyên trách. Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cơ bản được thực hiện và vận dụng thực hiện theo quy định hiện hành. Sau khi thực hiện việc sắp xếp, đến năm 2021 dự kiến giảm 675 người và đến 2025 dự kiến giảm 1.407 người…

Tại buổi làm việc, Hà Tĩnh đã có các kiến nghị cụ thể với đoàn công tác của Trung ương, nhất là thống nhất phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2021 theo đề xuất của tỉnh; tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách chung để giải quyết các vấn đề sau sắp xếp như: chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp…

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính (ảnh trên) hoan nghênh sự quyết tâm, tiên phong trong việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Tĩnh. Tuy việc triển khai sẽ có nhiều khó khăn, nhất là về đội ngũ cán bộ dôi dư, vì đây là vấn đề mang tính phức tạp, nhạy cảm, nhưng Hà Tĩnh cần rà soát kỹ, làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, làm từ nhỏ đến to, từ dễ đến khó, kết hợp vận dụng các chính sách hiện hành đã có và một số chính sách bổ sung phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị Ban Tổ chức Trung ương cùng với Bộ Nội vụ và Tỉnh ủy Hà Tĩnh thành lập tổ công tác để phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình sắp xếp, nhất là liên quan đến đội ngũ cán bộ.

“Mỗi đồng chí trong Ban Thường vụ, trong Ban Chấp hành, người đứng đầu cấp ủy cần phải thông tư tưởng, đồng tình cao về chủ trương, đã quyết tâm thì cần quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực thì cần nỗ lực tốt hơn nữa để triển khai việc sắp xếp theo đúng lộ trình, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân” - đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

*Trước đó, sáng 29-6, thực hiện chương trình công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII, Đoàn khảo sát do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh để đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh chính trị năm 2011; tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn 2016 đến nay. Cùng dự buổi làm việc, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; các Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Tạ Ngọc Tấn, Vũ Văn Hiền; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch; lãnh đạo một số vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương.

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Về phía Hà Tĩnh có các đồng chí: Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Báo cáo do Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trình bày nêu rõ: Thực hiện Cương lĩnh giai đoạn 2011 - 2018, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, huy động vốn đầu tư xã hội có bước đột phá. Giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 17%; GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 42,5 triệu đồng (gấp 3,16 lần so với năm 2010); tổng thu ngân sách đạt 38.096 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 290.583 tỷ đồng.

Riêng năm 2016, sự cố môi trường biển xảy ra, kinh tế suy giảm âm 15,31%, nhưng năm 2017 lấy lại đà năng trưởng 10,7%; năm 2018 tăng trưởng 20,8% (cao nhất cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng, Hà Tĩnh từ vị trí 50/63 (năm 2010) lên thứ 32/63 cả nước. Tổng thu ngân sách năm 2018 đạt 12.784 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay). Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, giai đoạn 2016 – 2018 ước đạt 1,19 tỷ USD.

6 tháng đầu năm 2019, kinh tế Hà Tĩnh tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 12,78%, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, thứ 5 so với cả nước; phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030 tăng trưởng kinh tế đạt 10,4%.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp năm 2011, đến nay toàn tỉnh có 158 xã đạt chuẩn NTM; 290/1.748 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; 3.380 vườn mẫu đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 28 triệu đồng (tăng 3,3 lần so với năm 2011). Có 5 xã cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM.

Hà Tĩnh cũng thực hiện đồng thời 3 đột phá chiến lược: xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng thể chế và cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực.

Thời gian tới, Hà Tĩnh xác định quan điểm phát triển: Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; lấy con người làm trung tâm, khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực; phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu; kết hợp chặt chẽ kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Xác định “Bốn trụ cột - Ba đô thị - Ba hành lang - Một trung tâm - Ba nền tảng” làm trọng điểm phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Hà Tĩnh đã tập trung cao cho công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; củng cố, năng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; tăng cường đối thoại và thông tin hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị với nhân dân. Thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả quan trọng các nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

Tỉnh cũng đã tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Giai đoạn 2011 - 2017, cấp tỉnh giảm 15 phòng chuyên môn của các sở, ngành; 3 chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 11 ban quản lý dự án cấp tỉnh, sở, ngành. Cấp huyện đã sắp xếp, sáp nhập, giảm 100 trường học; 29 ban quản lý dự án cấp huyện; chuyển 16 đơn vị sang hoạt động tự chủ. Cấp xã, giảm được 722 thôn, tổ dân phố; giảm hơn 24.000 người, góp phần giảm chi ngân sách gần 132 tỷ đồng.

Đồng thời, từ năm 2015 đến tháng 3-2019, toàn tỉnh giảm 174 biên chế công chức hành chính, 2.553 biên chế viên chức sự nghiệp, giảm chi ngân sách trên 265 tỷ đồng/năm.

Bước đầu thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chuẩn bị báo cáo công phu, nghiêm túc. Hà Tĩnh đã vận dụng sáng tạo những định hướng lớn trong Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Nêu ra những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình phát triển, đồng chí Phạm Minh Chính cũng gợi mở những tư duy, giải pháp mới để Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới. Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo tổng kết thực tiễn từ những mô hình hay, kinh nghiệm quý của Hà Tĩnh để phổ biến nhân rộng. Đồng thời, ghi nhận những kiến nghị của Tỉnh ủy Hà Tĩnh để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Cũng trong sáng 29-6, Đoàn công tác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đến dâng hương, hoa tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (ảnh trên).

* Chiều 29-6, Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Phạm Minh Chính làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát tại xã nông thôn mới Tượng Sơn (huyện Thạch Hà) và Khu Kinh tế Vũng Áng.

Đồng chí Phạm Minh Chính và Đoàn công tác khảo sát tại Trung tâm một cửa xã Tượng Sơn.

Qua khảo sát khu dân cư (KDC) nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn và tham quan trạm y tế, trung tâm hành chính xã, đồng chí Phạm Minh Chính vui mừng được biết, mặc dù được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015 nhưng cán bộ, nhân dân xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được mà tiếp tục đoàn kết, chung sức, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2019.

Đặc biệt, Tượng Sơn là địa phương đi đầu trong thực hiện tiêu chí 20 – KDC mẫu, vườn mẫu, gìn giữ môi trường xanh, kinh tế phát triển; đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững, đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm. Đến nay, toàn xã có hơn 250 vườn hộ có thu nhập 80 -100 triệu đồng/năm; gần 300 vườn cho thu nhập 30 – 40 triệu đồng/năm… góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trong xã tăng lên 45 triệu đồng/năm.

Đồng chí Phạm Minh Chính và Đoàn công tác thăm gia đình một thương binh gương mẫu trong xây dựng NTM ở xã Tượng Sơn.

Nói chuyện với cán bộ và nhân dân Tượng Sơn, đồng chí Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận những thành quả cán bộ, nhân dân đã chung sức, đồng lòng xây dựng. Các khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu chính là giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; nâng cao chất lượng, tính bền vững, hiệu quả xây dựng NTM.

*Cũng trong chiều 29-6, đồng chí Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác khắc phục sự cố môi trường và hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).

Đồng chí Phạm Minh Chính và Đoàn công tác nghe báo cáo kết qủa xử lý nước thải Nhà máy Formosa.

Báo cáo với đoàn công tác, đại diện FHS cho biết, sau sự cố môi trường năm 2016, 3 năm qua FHS đã từng bước khắc phục các lỗi vi phạm, đầu tư kinh phí đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý môi trường hiện đại. Đến nay, dự án FHS đã hoàn thành 100% các công trình bảo vệ môi trường, đảm bảo điều kiện vận hành 2 lò cao; cơ bản hoàn thành khắc phục 53/53 lỗi vi phạm.

Năm 2018, sản xuất thép từ Formosa đạt gần 5 triệu tấn, doanh thu đạt khoảng 2,6 tỷ USD, đóng nộp vào ngân sách trên 6.200 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép đạt hơn 2,5 triệu tấn, nộp ngân sách hơn 2.600 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ).

Hiện tại, FHS đang giải quyết việc làm cho hơn 13.823 người, trong đó làm việc trực tiếp tại FHS là 6.911 người.

Đồng chí Phạm Minh Chính chúc mừng kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của FHS trong thời gian qua; đồng thời ghi nhận, đánh giá cao công tác khắc phục, xử lý, bảo vệ môi trường, khẩn trương chuyển đổi công nghệ dập cốc ướt sang khô của FHS.

Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị FHS tiếp tục quan tâm vấn đề đảm bảo môi trường; tập trung hơn nữa cho sản xuất thép công nghiệp, thép phục vụ sản xuất các sản phẩm tiêu dùng để tạo giá trị gia tăng.

*Chiều cùng ngày, đồng chí Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã thăm Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Đồng chí Phạm Minh Chính và Đoàn công tác nghe báo cáo tình hình sản xuất của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Sau hơn 4 năm chính thức đưa vào vận hành thương mại, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định năng lượng quốc gia, đóng góp ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động.

6 tháng đầu năm 2019, nhà máy đã sản xuất 2,6 tỷ kWh, doanh thu đạt hơn 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 83,7 tỷ đồng. Nhà máy hiện có hơn 800 lao động với mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng.

Đồng chí Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả sản xuất-kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1; đồng thời đề nghị lãnh đạo nhà máy có phương án chủ động nguyên liệu (than), đảm bảo nguồn điện ổn định, chú trọng đến công tác môi trường, cảnh quan trong và xung quanh nhà máy.

*Trưa 30-6, đồng chí Phạm Minh Chính trực tiếp đến hiện trường cháy rừng tại xã Sơn Lễ (Hương Sơn - Hà Tĩnh) để chỉ đạo công tác chống cháy và động viên các lực lượng tham gia chống cháy rừng. Cùng đi có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và lãnh đạo các sở ngành, địa phương liên quan.

Đồng chí Phạm Minh Chính thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và lực lượng chữa cháy rừng.

Đám cháy được phát hiện lúc 3 giờ sáng cùng ngày tại khu vực rừng thông 15 năm tuổi và keo, lim... thuộc thôn Nam Sơn, sau đó lan sang khu vực thôn Sơn Thủy. Khu vực này có khoảng 85 hộ dân sinh sống sát bìa rừng.

Sau hơn 10 giờ đồng hồ kể từ khi phát hiện đám cháy bùng phát, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn đã điều động lực lượng hơn 1.000 người gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ và đông đảo nhân dân phối hợp tập trung mọi phương tiện chữa cháy.

Trực tiếp chỉ đạo công tác chống cháy, đồng chí Phạm Minh Chính nhận định, tình hình cháy rừng rất phức tạp, công tác dập lửa vô cùng khó khăn. Đồng chí lưu ý các lực lượng phải tập trung làm đường băng cản lửa; tập trung lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy nhà dân và triển khai phương án di dời các hộ dân gần bìa rừng; phải đảm bảo an toàn cao nhất cho tính mạng và tài sản của người dân; các địa phương cần nâng cao cảnh giác, cảnh báo trên mọi kênh thông tin, thực hiện công tác giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đồng chí Phạm Minh Chính đã đến động viên các lực lượng công an, quân đội, phòng cháy chữa cháy, dân quân tự vệ đang trực tiếp tham gia chữa cháy rừng tại đây. Đồng thời, thăm hỏi, động viên một số hộ dân ở sát khu vực cháy rừng tại Nghi Xuân.

Đến thời điểm này, ngọn lửa đã cơ bản được khống chế.

Nguồn: xaydungdang.org.vn


    Ý kiến bạn đọc