Giá trị và ý nghĩa phong cách tư duy khoa học của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
EmailPrintAa
08:56 02/01/2014

Phong cách tư duy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một bộ phận quan trọng trong phong cách Nguyễn Chí Thanh, phản ánh tập trung ở hệ thống các bài nói, bài viết và cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng.

Cố Trung tướng, PGS Nguyễn Đình Ước trong bài “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự lỗi lạc” (Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1997) bước đầu đã phác thảo những nét lớn về phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh: Một người Cộng sản kiên cường, trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Đại tá Lê Hải Triều trong sách: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” (Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1997) đã khái quát phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh như sau: Là người có hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, có tư duy biện chứng và khoa học, sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, nhuần nhuyễn trong gắn liền lý luận với thực tiễn; đã nắm vững và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn chiến tranh cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc sắc của phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh là luôn tìm tòi, phát hiện những nhân tố mới, tìm cách xây dựng những điển hình tập thể và cá nhân, rồi kịp thời rút kinh nghiệm. Sau khi đã rút kinh nghiệm chắc chắn, khẳng định được tính đúng đắn của sự đổi mới thì lập tức nhân điển hình, xây dựng mở rộng ra thành phong trào.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài hoa của quân đội ta” và Cố Đại tướng Văn Tiến Dũng trong bài: “Một con người trung hiếu, mẫu mực của Đảng ta và nhân dân ta”, trong sách “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhà chính trị, quân sự lỗi lạc” (Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1997) đều thống nhất cho rằng, đặc trưng phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh là: Sắc sảo, độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, lý luận gắn liền với thực tiễn, quyết chiến, quyết thắng.

Nhận định khái quát của Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cố Đại tướng Văn Tiến Dũng về cơ bản đã phản ánh đúng bản chất, đặc trưng phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh. Có thể khẳng định rằng: Nét đặc sắc của phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh là: Nhận dạng nhanh, tính chính xác cao, sắc sảo, mềm dẻo, độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn, quyết chiến, quyết thắng; vừa có tính độc đáo, rất riêng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vừa có tính phổ biến, mang tính giá trị bền vững của phong cách tư duy khoa học, cách mạng. Chúng ta ai cũng có thể học tập và làm theo.

Tinh thần xông xáo, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thể hiện ở chỗ “Đâu cần là có, đâu khó là đến”, “Có lợi cho cách mạng là làm”. Ngay cả lúc ốm mệt, giờ nghỉ, hễ có việc “cần làm ngay” là Đại tướng “đi ngay, đến ngay, giải quyết ngay”. Điều này đã được Nhà thơ Tố Hữu viết trong bài “Nhớ anh”: “Ở đâu nghèo đói gọi xung phong; lon nước, mo cơm, lội khắp đồng. Ở đâu tiền tuyến, kêu Anh đến; tay súng, tay cờ, lại tiến công”.

Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, đổi mới trong phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh được thể hiện ở chỗ: Không giáo điều, rập khuôn máy móc, không bắt chước, không phụ thuộc, theo đuôi; luôn suy nghĩ và hành động độc lập, quyết đoán với cách nhìn mới, phương pháp và hình thức mới.

Tinh thần tiến công, quyết chiến, quyết thắng trong phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh được thể hiện ở chỗ: “Một tấc không đi, một ly không rời; kiên trì bám dân, bám đất; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Khi thực dân Pháp chiếm đóng Bình Trị Thiên, quân và dân ta thiếu thốn đủ thứ: Thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thiếu căn cứ địa an toàn, thiếu lực lượng..., tình hình nhiều bề nguy khốn, không ít người đã hoang mang, dao động, tâm lý sợ quân Pháp đè nặng. Trong hoàn cảnh đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn bình thản, tự tin, sáng suốt đưa ra nhận định mới: “Mất đất, nhưng chưa mất nước; kiên quyết bám dân, xây dựng cơ sở, phát triển chiến tranh du kích trong vùng địch kiểm soát sẽ xoay chuyển được tình thế” .

Nhờ ý chí quyết tâm “bám trụ” và sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, nhanh nhạy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bình Trị Thiên trở thành một mặt trận sôi động và vô cùng anh dũng, góp phần chặn đứng âm mưu chia cắt chiến lược và mở rộng chiến tranh ra vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh của thực dân Pháp. Từ thực tế “bám sát chiến trường”, trải nghiệm trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy và trực tiếp chiến đấu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết, rút ra phương châm chỉ đạo độc đáo: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, lập “các vành đai diệt Mỹ”. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy lãnh đạo các lực lượng vũ trang nhân dân quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đây là thời kỳ phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh phát triển nhanh, vững chắc, thể hiện rõ tính độc đáo trong nhân cách, phong cách Nguyễn Chí Thanh. Những cống hiến của đồng chí về lãnh đạo quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhờ có tư duy sắc sảo, độc lập, tự chủ, nhạy bén làm điểm tựa nên tư duy của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở nên năng động, sáng tạo, nhận dạng nhanh, tính chính xác cao, chỉ rõ bản chất sự vật. Tính năng động, sáng tạo của phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh dựa chắc trên nền tảng tư duy biện chứng và thực tiễn cách mạng phong phú. Nhờ đó, những suy tư, tìm tòi, phát hiện của đồng chí luôn phản ánh đúng tình hình vận động, biến đổi của thực tiễn đất nước và quân đội. Vì vậy, sau khi hòa bình lập lại, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã viết một loạt bài về củng cố, xây dựng quân đội về chính trị. Tư duy nhất quán, xuyên suốt của đồng chí thể hiện ở chỗ: Đảng Cộng sản Việt Nam là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo quân đội; mọi chiến công của quân đội không tách rời sự lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh khẳng định: Quân đội ta là quân đội của Đảng, của nhân dân, suốt đời vì Đảng, vì nhân dân phục vụ. Tư duy chiến lược quân sự của đồng chí là ra sức chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, để quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đồng chí đã đề ra bảy nguyên tắc công tác Đảng, công tác chính trị. Đó là những nguyên tắc mang ý nghĩa chiến lược, thể hiện tầm tư duy biện chứng sâu sắc, mang ý nghĩa lâu dài, có giá trị bất biến đối với quân đội cách mạng. Bảy nguyên tắc công tác Đảng, công tác chính trị thể hiện rõ bản lĩnh chính trị sắc sảo, vững vàng, sự am hiểu sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Năm 1959, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng, Nhà nước ta phong quân hàm Đại tướng.

Cuối năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Sự điều động này thể hiện rõ sự tin tưởng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với Đại tướng. Lần đầu tiên, một vị tướng cầm quân đánh giặc ngoại xâm chuyển sang đánh “giặc đói, giặc dốt”.

Với phong cách tư duy sắc sảo, mềm dẻo, độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, lý luận gắn với thực tiễn, quyết chiến, quyết thắng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, gắn bó với nông dân, cùng họ xắn quần lội ruộng, xem xét việc canh tác, khảo sát các nơi nghèo khó, rút kinh nghiệm từ các nơi làm ăn khá, lắng nghe ý kiến của nông dân và các nhà khoa học... Trên cơ sở đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo mở rộng sản xuất, phá “xiềng ba sào”, phát động phong trào thi đua gió “Đại phong”. Tuy Đại tướng “làm nông nghiệp” chỉ một thời gian ngắn, nhưng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.

Cả trong lĩnh vực nào cũng vậy, phong cách tư duy của Đại tướng có những nét riêng, độc đáo: Sắc sảo, mềm dẻo, độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo... không chỉ trong tư duy, ý thức mà cả trong hành động cách mạng, trong xây dựng phong trào, trong đánh giặc và sản xuất... Các công việc Đại tướng làm đều toát lên phong cách tư duy khoa học Nguyễn Chí Thanh.

Năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng điều vào miền Nam, cùng Trung ương Cục trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong chỉ đạo chiến đấu, qua các bài viết, bài nói, tư duy quân sự chiến lược của Đại tướng thể hiện ở chỗ: Tìm phương pháp, biện pháp, cách thức đánh Mỹ, diệt Ngụy, bảo vệ và phát triển lực lượng cách mạng, tiến tới giành thắng lợi. Để giải quyết vấn đề này, theo Đại tướng, việc làm đầu tiên có ý nghĩa quyết định là hạ quyết tâm đánh Mỹ, theo đó, phải trả lời được câu hỏi: Làm gì và làm như thế nào để thắng Mỹ? Vốn có phong cách tư duy khoa học, lại nhạy cảm, hiểu biết tường tận thực tiễn chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tìm được lời giải đáp chính xác, khái quát khẩu hiệu chỉ đạo, nêu phương châm hành động: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Trên cơ sở tư duy biện chứng duy vật sắc sảo, Đại tướng đã phân tích, so sánh thế và lực của ta và địch trên chiến trường. Mọi sự so sánh của Đại tướng đều mang tầm chiến lược, “nhìn xa, trông rộng”, song lại rất thực tiễn, rất sâu sắc và cơ bản, đã chỉ ra tính ưu việt, chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, đọc lại “10 điều cần nhớ kỹ, làm đúng” của Đại tướng căn dặn quân và dân miền Nam; “5 điều hỏi Chính phủ Mỹ”; “5 bài học về sự chỉ đạo thành công chiến lược quân sự trong Đông Xuân 1965 - 1967”..., chúng ta thấy tầm tư duy chiến lược sắc sảo, độc đáo, có tính vượt trước, mang ý nghĩa dẫn đường của Đại tướng.

Có thể khẳng định rằng, quân Mỹ nhiều tiền, không thiếu súng đạn, song vẫn bị thất bại thảm hại, thua quân và dân Việt Nam là do nhiều nguyên nhân, song trước hết là thua tầm tư duy chiến lược. Nhiều tướng tài của Mỹ được đào tạo rất cơ bản, song chằng bao giờ học được phong cách tư duy của người Cộng sản Việt Nam: Dám nghĩ, dám làm, dám đánh, biết đánh và biết thắng, biết khởi đầu và kết thúc chiến tranh đúng lúc, hiệu quả.

Ngoài tư duy chỉ đạo đánh giặc, Đại tướng còn viết nhiều bài luận, ký tên “Hạ sĩ Trường Sơn” có tiếng vang lớn. Tuy ký tên là “Hạ sĩ Trường Sơn”, song tư duy của Đại tướng là tầm tư duy chiến lược, nhuần nhuyễn phương pháp biện chứng duy vật, đầy ắp hơi thở cuộc sống. Bằng nhiều con số chiến lược “biết nói”, Đại tướng luôn nghiền ngẫm, so sánh lực lượng địch - ta, thông qua phân tích, mổ xẻ thực tiễn để khái quát, nâng lên tầm tư duy lý luận. Những nhận định, kết luận mà Đại tướng rút ra đều có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu sắc, hiệu quả.

Trong phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh, tính thiết thực, tính lý luận gắn với thực tiễn thể hiện rất rõ: Đồng chí luôn xông xáo, bám sát cơ sở và nắm chắc tính hình đơn vị; mọi quyết định, chủ trương, biện pháp của Đại tướng đều xuất phát từ tình hình thực tiễn, hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhất là những vấn đề nổi cộm. Vì thế, Đại tướng luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải bám sát thực tiễn sinh hoạt, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội mà tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị. Theo Đại tướng: “Con người mác xít lêninnít là con người rất lý luận, rất nguyên tắc, song lý luận và nguyên tắc phải đi từ cuộc sống và xâm nhập vào cuộc sống”. “Nếu thực tiễn tách rời lý luận là thực tiễn mù”, chỉ có lý luận thống nhất với thực tiễn mới là lý luận chính xác, khoa học” . Do đó, mỗi bài nói, viết của cán bộ chỉ có giá trị khi nó phản ánh sinh động thực tiễn và có giá trị chỉ đạo thực tiễn.

Đại tướng căn dặn cán bộ, đảng viên phải đi sâu, sát bộ đội, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với họ. Có như vậy mới hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, nhờ đó mà đề xuất chủ trương, biện pháp phù hợp. Đại tướng phê phán thói quen làm việc công chức “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”, lề lối làm việc bàn giấy, “ít đi cơ sở”, “không hiểu cơ sở” nên thường “ba hoa, sáo rỗng”, “đại khái, chung chung”. Đọc những báo cáo, kế hoạch công tác chỉ dựa “trên cơ sở cái ghế 6 chân”, Đại tướng không bằng lòng.

Là người của cơ sở, gắn sát với thực tế đơn vị, am hiểu tường tận tình hình chiến trường, Đại tướng luôn căn dặn cán bộ, đảng viên: Việc gì có lợi cho cách mạng, dù khó khăn đến mấy đều phải cố gắng làm; khi đã quyết làm, phải tìm biện pháp tốt nhất, phải luôn chủ động, sáng tạo, cụ thể và thiết thực.

Là người trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, có sự trải nghiệm thực tiễn sâu sắc từ bài học thành công và thất bại, Đại tướng cho rằng, suy đến cùng, mọi vấn đề đều do con người quyết định. Tâm huyết của Đại tướng là làm cách nào tốt nhất để chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và giữ cán bộ của Đảng. Khi một cán bộ, đảng viên, chiến sĩ chưa hoàn thành nhiệm vụ, Đại tướng coi đó là trách nhiệm của mình. Về điều này, tư duy của Đại tướng không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ đó, mà vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong thời đại ngày nay, nhất là vận dụng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, quân đội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tính thiết thực của lý luận là phải gắn với thực tiễn, là một nét đặc trưng nổi bật của phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng đã toát lên điều đó. Vì vậy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đứng trên “mảnh đất thực tiễn” của cách mạng Việt Nam để vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm đánh giặc của nước ngoài vào Việt Nam cho phù hợp, những đề xuất mới từ một vấn đề cũ, dám từ bỏ lối mòn trong thói quen, nếp nghĩ, dám nhận lấy trách nhiệm khai phá con đường mới, cách làm mới... đã phản ánh rõ nét đặc sắc phong cách tư duy Nguyễn Chí Thanh.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã học và trưởng thành từ “trường đại học” cuộc đời mà người Thầy vĩ đại là Bác Hồ muôn vàn kính yêu, là Đảng Cộng sản Việt Nam, là quân đội, là nhân dân anh hùng. Bài học xuyên suốt là: Suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân với cái tâm trong sáng, tầm trí tuệ uyên thâm, với đức tính khiêm tốn, giản dị, chân tình, thủy chung, trọn vẹn tấm lòng với Đảng, với nhân dân, đất nước, với đồng chí, đồng đội. Phong cách tư duy sắc sảo, độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, lý luận gắn liền với thực tiễn, quyết chiến, quyết thắng đã giúp Đại tướng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, quân đội và nhân dân giao phó.

Vì lẽ đó, phong cách tư duy của Đại tướng vừa có giá trị độc đáo riêng, vừa có giá trị bền vững và phổ biến. Nghiên cứu, học tập phong cách, tư duy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - là việc làm cần thiết để xây dựng phong cách tư duy khoa học cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đến thành công, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./. 

Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Bá Dương


    Ý kiến bạn đọc