Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Giải ngân nhanh hay chậm do cách làm và quyết tâm của người đứng đầu. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Đề cập đến tiến độ giải ngân đầu tư công và vốn ODA thời gian, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, công tác này tuy có nhiều cố gắng, nhưng thực tế vẫn chậm.
Qua theo dõi, kiểm tra thì việc giải ngân nhanh hay chậm do cách làm, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu. Nếu làm quyết liệt thì hiệu quả cao, không thì chậm chạp. Có địa phương lập tổ công tác thường xuyên giao ban, tháo gỡ vướng mắc thì tốc độ nhanh hơn.
Bên cạnh đó là thể chế, pháp luật, giải phóng mặt bằng làm chậm. Ngay như giải ngân đầu tư công cho thấy, việc xây dựng kế hoạch dự án, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, giải phóng mặt bằng… triển khai đến 2-3 năm. Vốn ODA cũng gặp những vướng mắc tương tự. Vậy phải làm cách nào để rút ngắn thời gian lại?
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, một trong những giải pháp là Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần đánh giá lại rà soát của mình xem vướng mắc chỗ nào, tháo gỡ ra sao, trong đó có vốn ODA và giải ngân vốn đầu tư công. Điều này nói đi nói lại mãi rồi. Cần phải làm rõ cơ chế chính sách thế nào, sửa luật ra sao, cải cách hành chính nhanh hơn, hiệu quả hơn gắn với thể chế để đạt được yêu cầu của Thủ tướng về công tác này.
Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là giải phóng mặt bằng, chuẩn bị vốn đối ứng, phối hợp với các bộ và đối tác, tháo gỡ các vướng mắc, không để chậm trễ như thời gian qua như dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội), Thủ tướng đã chỉ thị ấn định cụ thể thời gian đi vào hoạt động. Càng kéo dài thì dễ sinh ra kiện tụng, tranh chấp.
Thời gian tới, vốn ODA tiếp tục huy động để thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng là chính, cần phát huy hiệu quả, không để lặp lại sai lầm, vướng mắc, khó khăn như thời gian qua. Vốn ODA chịu nhiều thủ tục ràng buộc nên phải làm càng nhanh càng tốt, chậm tiến độ thì nợ nần gia tăng, hiệu quả không cao.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành phải rà soát kỹ càng những vướng mắc về thể chế, pháp luật. Cái gì thuộc về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành thì kiến nghị sửa đổi, bổ sung ngay để công tác này ngày càng hiệu quả.
Nguồn: Lê Sơn/chinhphu.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)