Báo cáo giải trình trước Quốc hội chiều 7/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp chấm dứt khiếu nại của công dân trên tinh thần bảo đảm về chất lượng và ổn định được tình hình.
Khiếu nại về đất đai chiếm 80%
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, thực hiện Nghị quyết 30/2012/QH13 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 3 và Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khiếu kiện tồn đọng, phức tạp kéo dài được xã hội quan tâm, sau khi có các văn bản chỉ đạo, từ tháng 6-10/2012, Thanh tra Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã thành lập 28 tổ công tác làm việc với 53 tỉnh, thành phố do 9 tỉnh đến cuối năm 2011 không còn tồn đọng những vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài.
Trên cơ sở rà soát 528 vụ việc tồn đọng kéo dài, trong đó có 509 vụ khiếu nại, 19 vụ tố cáo, trong đó khiếu nại về đất đai 422 vụ việc, chiếm 79,9%...
Kết quả, qua 5 tháng triển khai (30/10/2012) các tổ công tác cùng địa phương đã tiến hành rà soát, phân loại 513/528 vụ việc đạt 97%. Trên cơ sở giải quyết, các tổ công tác đã bàn phương án giải quyết, theo đó có 2 loại: 58 vụ việc sau khi tổ chức đối thoại, người dân đồng tình rút khiếu nại. Thứ hai, có 143 vụ việc xem xét giải quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý rồi nhưng dân vẫn tiếp tục khiếu nại.
“Trường hợp này, chúng tôi cũng đã xin ý kiến Chính phủ và bàn với các địa phương tiến hành chấm dứt thụ lý. Nếu nhận thụ lý thì cũng không còn cách nào để giải quyết nữa” – Tổng thanh tra nói.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tính đến thời điểm này, số vụ việc có thể chấm dứt được là 374 vụ, chiếm khoảng 72%. Còn 173 vụ việc phải xem xét giải quyết lại theo đúng trình tự thẩm quyền và theo hướng có lợi cho dân. Vì thời gian qua, trình tự, thẩm quyền có một số trường hợp là không đúng. Cá biệt có những trường hợp phải hỗ trợ chính sách xã hội để chấm dứt vụ việc do người dân quá khó khăn. Còn lại 151 vụ việc khác tiếp tục giải quyết có thẩm quyền và có khoảng 40 vụ việc Thủ tướng Chính phủ có ý kiến nhưng dân tiếp tục khiếu nại cho nên phải tiến hành xem xét lại.
Giải quyết không đến nơi, đến chốn
Chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, phải xem lại trách nhiệm phục vụ của cán bộ giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số nơi, nhiều nơi có hiện tượng đùn đẩy, tránh né, giải quyết không đến nơi, đến chốn, kéo dài vừa gây bức xúc cho người khiếu nại và xã hội.
Trên thực tế, 528 vụ việc này nằm trong tổng số hơn 2.000 vụ việc ở năm 2009 giải quyết tồn đến nay. Số vụ này, tính chất, mức độ rất khó khăn, nhiều vụ việc kéo dài, phức tạp, chồng chéo và phải giải quyết đi, giải quyết lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, do lịch sử để lại nên hồ sơ pháp lý không đầy đủ. Có trường hợp mấy chục năm nay từ thời xây dựng hợp tác xã, rồi tranh chấp đất đai...
Nhiều vụ việc giải quyết đã hết thẩm quyền nhưng dân vẫn khiếu kiện (hầu hết những vụ này đã có 3-4 quyết định). Mặt khác, do chính sách bồi hoàn thu hồi đất thời gian sau đảm bảo quyền lợi tốt hơn thời gian trước đây nên người dân bị thu hồi trước đây thấy thiệt thòi nên tiếp tục khiếu nại. Một số bà con bị kích động, hiểu pháp luật chưa nhiều nên dẫn đến tiếp tục khiếu nại và khiếu kiện vượt cấp.
Kiến nghị giám sát chuyên đề thường xuyên góp phần giải quyết triệt để, hiệu quả
Về giải pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp chấm dứt khiếu nại của công dân trên tinh thần bảo đảm về chất lượng và ổn định được tình hình. Phấn đấu từ nay đến cuối năm hoàn thành cơ bản theo tiến độ Quốc hội đề ra nhưng đảm bảo chất lượng, hạn chế khiếu nại.
Cụ thể, tiếp tục thống nhất các phương án giải quyết giữa Trung ương và địa phương tạo tiếng nói chung; phối hợp chặt chẽ theo thẩm quyền, luật định.
Muốn chấm dứt khiếu nại thì trước mắt phải tổ chức họp liên ngành, kể cả hệ thống cơ quan Nhà nước, đoàn thể, MTTQ các cấp và Hội luật gia cùng đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương tham gia để tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị; tổ chức đối thoại công khai với người dân (có thể mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho người khiếu nại).
Khi đã có quyết định có hiệu lực thì triển khai thực hiện và thông báo trên thông tin đại chúng để chấm dứt khiếu nại. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo. Song song với việc giải quyết những phát sinh mới, hiện nay ngoài 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài thì phát sinh mới nhiều. Do đó, một mặt phải tập trung giải quyết tồn đọng, đồng thời giải quyết phát sung mới theo yêu cầu của công dân.
Tổng Thanh tra kiến nghị, đoàn đại biểu Quốc hội địa phương cần tích cực tham gia để tạo đồng thuận tại địa phương. Song song, đề nghị Hội đồng dân tộc và các Ủy ban Quốc hội thường xuyên hoặc giao một Uỷ ban giám sát chuyên đề thường xuyên về nội dung này để góp phần giải quyết triệt để, hiêụ quả hơn. Sau kỳ họp này, đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này với các giải pháp chung và cụ thể.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)