Nghị quyết, kết luận của UBTVQH được triển khai nghiêm túc
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UBTVQH sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 4 kết luận về chất vấn của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Đây là lần đầu tiên UBTVQH thực hiện việc giám sát lại đối với các nội dung đã được UBTVQH giám sát, chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, liên quan đến việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH, Chính phủ đã chuẩn bị 10 báo cáo, trong đó nêu khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực trong nghị quyết và kết luận. Từ tình hình thực tế và qua những nhận định trong các báo cáo cho thấy, các nội dung trong nghị quyết, kết luận của UBTVQH đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nghiêm túc, mang lại những kết quả đáng kể, tạo sự chuyển biến trong nhiều lĩnh vực, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Điều đó thể hiện sự nỗ lực, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Đảng, Nhà nước, trước cử tri và nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, so với yêu cầu và thực tiễn, vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục triển khai, nhiều nội dung cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì mới có thể tạo chuyển biến tích cực.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Daikin Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên)
Đấu tranh, loại bỏ thông tin tiêu cực trên internet
Bước vào phần chất vấn, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đặt câu hỏi việc sử dụng MXH ngày càng phát sinh nhiều tiêu cực. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có giải pháp gì để quản lý thông tin trên MXH?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua bộ đã đầu tư, xây dựng, vận hành trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng, gồm: Giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng. Trung tâm có khả năng xử lý mỗi ngày khoảng 100 triệu tin và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực. Trước đây, tỷ lệ tin tiêu cực trên mạng khoảng hơn 30% nhưng sau khi giám sát, chấn chỉnh còn dưới 10%. Bên cạnh đó, thời gian qua Bộ TT&TT đã đấu tranh với các MXH nước ngoài, thúc đẩy việc chấp hành yêu cầu của các cơ quan quản lý. Trước đây, việc chấp hành yêu cầu của các cơ quan quản lý từ các MXH nước ngoài, như: Facebook, Youtube chỉ đạt 30-60%, nay tỷ lệ này đã tăng lên 70-85%.
Đề cập tới giải pháp quản lý thông tin trên MXH, Bộ trưởng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng MXH của Việt Nam để tránh việc toàn bộ thông tin của người Việt Nam được lưu trữ ở nước ngoài. Bộ trưởng đặt mục tiêu, chậm nhất tới năm 2021, các MXH trong nước sẽ có số tài khoản tương đương MXH nước ngoài. Hiện các MXH Việt Nam có khoảng 65 triệu tài khoản; còn MXH nước ngoài khoảng 90 triệu.
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sẽ thông xe vào cuối năm 2020
Liên quan tới dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ là một trong những trục đường quan trọng nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây gần 10 năm, nhưng đến thời điểm này tiến độ vẫn chậm.
Đối với đoạn từ Trung Lương-Mỹ Thuận, Bộ trưởng cho biết, vừa qua Chính phủ đã quyết định bổ sung 2.186 tỷ đồng hỗ trợ nhà đầu tư, cho nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án và đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. UBND tỉnh Tiền Giang và cơ quan nhà nước có liên quan đã điều chỉnh hợp đồng, đưa vào điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư. Mới đây, Chính phủ cũng đã họp và giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương-Mỹ Thuận. Nếu được khoản vốn tín dụng này, cùng với 2.186 tỷ đồng của Nhà nước và 3.000 tỷ đồng của nhà đầu tư đã bỏ ra, thì đến cuối năm 2020, dự án sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương-Mỹ Thuận.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được Quốc hội bố trí 5.100 tỷ đồng. Bộ GTVT đang làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán. Theo kế hoạch, quý I-2020, sẽ khởi công cây cầu này. Riêng hai đường vào cầu, thì từ nay đến tháng 12-2019, Bộ GTVT sẽ khởi công.
Đối với đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết vẫn chưa mở thầu dự án. Lý do là cần bổ sung nguồn vốn khoảng 932 tỷ đồng thì phương án tài chính mới khả thi. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung cho dự án này và khi có quyết định chính thức sẽ mở thầu. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ mở thầu dự án đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ.
Nhà ở cho người có công: Cơ bản sẽ xong trong năm 2019
Trước câu hỏi của đại biểu cho rằng, việc sửa đổi chính sách xã hội còn chậm, chính sách nhà ở cho người có công (NCC) chưa dứt điểm, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, chính sách với NCC là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và đang được thực hiện tốt. Theo đó, việc sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng sẽ được Chính phủ trình vào tháng 12-2019 để UBTVQH xem xét, quyết định.
Về nhà ở của NCC, cho đến nay, toàn bộ kinh phí thực hiện 413.000 căn nhà hỗ trợ xây mới cho NCC đã phân bổ cho tất cả địa phương. Ước tính hơn 80% số nhà đã được triển khai, còn 20% đang hoàn thiện, cơ bản sẽ xong trong năm 2019.
Thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn tham nhũng vặt
Chiều 15-8, cuối phiên chất vấn tại UBTVQH, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu giải trình thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Về các chính sách, nguồn lực bố trí các chương trình phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về chương trình mục tiêu quốc gia thứ ba về phát triển KT-XH cho đồng bào DTTS, miền núi. Trong đó có hợp phần riêng cho dân tộc ít người và rất ít người. “Chúng ta sẽ tích hợp 118 chính sách về vùng DTTS, miền núi thành một bộ chính sách trong chương trình mục tiêu quốc gia”, Phó thủ tướng cho hay.
Về vấn đề liên quan đến tham nhũng vặt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, tham nhũng vặt là tệ nạn gây nhức nhối trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Nó liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, như hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, bảo đảm thống nhất, rõ ràng tránh tình trạng tùy tiện trong quá trình thực thi. Hoàn thiện quy trình thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công cấp độ 4. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức có đạo đức công vụ; có quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Phát biểu kết luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội; thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát. Nhìn chung, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Các bộ trưởng, trưởng ngành cơ bản nắm chắc và toàn diện vấn đề của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu được nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)