Giỗ Tổ Hùng Vương - Nét độc đáo của văn hóa Việt
EmailPrintAa
08:07 18/04/2013

"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba". Từ bao đời nay, người dân Việt Nam đã khắc sâu vào tâm trí mình câu ca dao ấy để nhắc nhớ ngọn nguồn dân tộc.

Truyền thống từ xa xưa của người Việt là tục thờ cúng gia tiên ở mỗi gia đình để con cháu truyền mãi công đức tổ tiên, ông cha, là mở hội làng để tưởng nhớ những vị thành hoàng làm phúc cho dân. Đi đến tận cùng của lễ nghĩa, đó chính là thờ cúng những người đã có công lập ra đất nước. Chính vì thế, ngày Giỗ các Vua Hùng (10 tháng 3 âl) hàng năm trở thành ngày Quốc giỗ của dân tộc Việt.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đất nước có lúc thịnh, lúc suy, nhưng không bao giờ người Việt Nam quên ngày Giỗ Tổ. Thật độc đáo và kỳ diệu, làng xóm nào, gia đình nào, người dân nào cũng thờ Quốc Tổ Hùng Vương; cả nước có đến 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Truyền thống ấy, đạo lý ấy không phải là một thứ tôn giáo mà là sự tự nguyện, tình cảm thiêng liêng, trong sáng, là văn hóa tinh thần luôn tiềm ẩn và trở thành sức mạnh vô biên.

Có thể khẳng định, ngày Giỗ Tổ chính là biểu tượng của nền văn hiến dân tộc, cũng như niềm tự hào thiêng liêng của những người có nguồn gốc là con Rồng cháu Tiên. Thật vinh dự và tự hào, dịp Giỗ Tổ năm 2013, Việt Nam tổ chức đón bằng công nhận của UNESCO “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Vua Hùng đã trở thành điểm tựa sức mạnh tinh thần cho người Việt Nam, nhắc nhở truyền thống quật cường dựng nước và giữ nước, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước thương nòi, tinh thần đồng bào - những người cùng chung một bọc trứng - luôn sống trong tình tương thân tương ái, đoàn kết, sát cánh bên nhau.

Lịch sử dân tộc ta, xưa các Vua Hùng dạy dân cày cấy, trồng lúa, trồng khoai, đánh cá, dệt vải... Vua nhà Lý thân chinh đốc thúc việc đắp đê, vua nhà Trần chủ lễ hội thề Đồng Cổ, chủ lễ tịch điền đầu năm… Các vị vua cũng nhiều phen khoác áo bào ra trận... Truyền thống nước - nhà, làng - nước trải qua nhiều thiên niên kỷ, qua thăng trầm lịch sử và khói lửa chiến tranh càng trở nên gắn bó sắt son.

Lễ hội Đền Hùng năm nay, Hà Tĩnh là 1 trong 8 tỉnh vinh dự được dâng lễ vật. Lễ vật của Hà Tĩnh dâng lên Giổ Tổ Hùng Vương gồm: kẹo cu đơ và rượu nhung hươu

Chân lý muôn đời đã được đúc kết: nếu nước mất thì nhà tan; nước phải lấy dân làm gốc. Trong lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã tỏ rõ khí phách anh hùng, phát huy cao nhất lòng yêu nước, trí thông minh và lòng dũng cảm, xây dựng nên truyền thống nhân - trí - dũng của dân tộc. Đây là phẩm chất toàn vẹn mà Bác Hồ thường xuyên chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

Năm 1954, trước lúc tiến về thủ đô Hà Nội, tại đền Hùng - nơi chốn địa linh, cội nguồn của dân tộc, chính Người đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bác Hồ kính yêu đã đi xa nhưng lời dạy của Người vẫn mãi mãi còn đó, khắc sâu trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước. Từ nhiều năm nay, Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đứng vai chủ lễ, đọc diễn văn trang nghiêm, tưởng nhớ công lao các Vua Hùng, đồng thời ôn lại truyền thống văn hiến của dân tộc và kêu gọi đồng bào, chiến sĩ trong nước và kiều bào ở nước ngoài nêu cao truyền thống uống nước nhớ nguồn, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong lễ thờ cúng các Vua Hùng bao giờ cũng có bánh chưng, bánh dày. Điều vinh dự, dịp Giỗ Tổ năm 2013, Hà Tĩnh là một trong 8 tỉnh, thành trên cả nước sẽ tiến hành dâng lễ vật về đất Tổ.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên, chúng ta tự hào thưa với Bác rằng: con cháu của Người đã và đang vượt qua muôn vàn gian khó để giữ gìn độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; đang từng ngày, từng giờ nỗ lực quên mình để xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh và luôn uống nước nhớ nguồn. Thời đại các Vua Hùng là thời đại văn minh mở nước, dựng nước - văn minh Sông Hồng, văn minh Việt cổ.

Sức mạnh văn hóa vật chất - văn hóa tinh thần của thời đại các Vua Hùng tạo nền tảng cho nước Việt, văn hóa Việt trường tồn qua ngàn năm Bắc thuộc, được phát huy để vượt qua mọi thử thách vô cùng cam go khốc liệt suốt chiều dài lịch sử để tạo dựng nên cơ đồ Việt Nam hôm nay, tạo dựng văn hóa tinh thần, bản sắc và bản lĩnh đặc biệt, một tấm lòng sắt son, một niềm tin kiên định ở chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” để Việt Nam vững vàng bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển.


    Ý kiến bạn đọc