Hà Tĩnh đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử
EmailPrintAa
16:34 27/08/2020

Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử Hà Tĩnh (CQĐT) tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực trong các hoạt động của cơ quan nhà nước.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Phạm Anh Tuấn cùng dự hội nghị (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Chiều 26/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử Bộ, ngành và Ban chỉ đạo xây dựng CQĐT 63 tỉnh, thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Việt Nam tăng 2 bậc xếp hạng Chính phủ điện tử trên thế giới

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, ngày 10/7/2020, Liên Hợp Quốc công bố báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Theo đó, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Việt Nam thuộc nhóm quốc qua ở mức cao với chỉ số tổng hợp là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực. Mục tiêu của Việt Nam đặt ra đến hết năm 2020 là tăng 10 bậc xếp hạng mức độ phát triển CPĐT.

Về xếp hạng Chính phủ điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ:

Đánh giá của Bộ Thông tin và truyền thông theo thứ tự từ cao đến thấp (từ xếp hạng 1 đến xếp hạng 17) như sau: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng.

Về xếp hạng chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên - Huế xếp vị trí thứ 1; kế đến là: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, An Giang, Thanh Hóa…

Đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh

Cụ thể hóa Chính phủ điện tử, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký… Từ tháng 3/2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành góp phần đưa Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiến một bước xa hơn.

Hội nghị đã chia sẻ nhiều cách làm hay để triển khai CQĐT để Hà Tĩnh ứng dụng triển khai

Tại hội nghị, đại biểu cũng được theo dõi một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, cách làm về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số…

Nổi bật là các tham luận chia sẻ: cách làm để đẩy nhanh chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công mức độ 4, thúc đẩy chuyển đổi số của bộ Y tế; triển khai dạy và học trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương các cơ quan CNTT như: Viettel, VNPT... đã có những đóng góp trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, CQĐT của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương nên đầu năm đến nay, công tác xây dựng Chính phủ điện tử, CQĐT đã được triển khai mạnh mẽ. Các nền tảng Chính phủ điện tử được tích hợp, phát triển rất nhanh; hệ thống an toàn thông tin phát triển mạnh; dịch vụ công trực tuyến tiếp tục tăng nhanh; chuyển đổi số được triển khai tích cực...

Những kết quả đạt được trong xây dựng Chính phủ điện tử, CQĐT đã góp phần thúc đẩy, đưa đất nước phát triển. Tuy nhiên, triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, nhất là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến vẫn còn thấp. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đưa ra các chủ trương, biện pháp mới để tháo gỡ, thúc đẩy Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cả về số lượng và tốc độ; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và nền tảng Chính phủ số, chuyển đổi số.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu trình Chính phủ phê duyệt một số đề án để thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương cần có chủ trương, biện pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa để phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam.

Trong 63 tỉnh/thành trên cả nước, Hà Tĩnh xếp thứ 44 trong bảng xếp hạng.

Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực. Ban Chỉ đạo đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nhất là trong giai đoạn ứng phó dịch Covid-19; giám sát, đánh giá cụ thể việc minh bạch thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện theo Quyết định số 739/QĐ-UBND.

Nhờ những chỉ đạo quyết liệt đó mà số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 toàn tỉnh từ cấp tỉnh đến cấp xã nâng lên đáng kể, đạt 30% (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 16,1%).

Nguồn: Phan Trâm/baohatinh.vn

( https://baohatinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ha-tinh-day-manh-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu/197641.htm )


    Ý kiến bạn đọc