Hà Tĩnh hướng về cơ sở, tập trung xây dựng tổ chức đảng vững mạnh
EmailPrintAa
10:01 03/12/2013

Xác định hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn có vai trò quan trọng trong lãnh đạo, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội… Khi triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh chỉ đạo tập trung dồn sức cho cơ sở. Tỉnh ủy, các cấp ủy đã ban hành nhiều văn bản để triển khai các nghị quyết về xây dựng Đảng của Trung ương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn công tác, mỗi đoàn công tác có từ 18-20 thành viên, do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, các đồng chí trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh là thành viên. Làm nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực tại các xã, phường, thị trấn và tham dự sinh hoạt với các chi bộ thôn, xóm, khối phố. Thông qua các đoàn công tác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nắm chắc tình hình cơ sở, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết những vụ việc phát sinh từ cơ sở, tại cơ sở và ngăn chặn đơn thư vượt cấp, kéo dài… Qua đó, cũng ngăn chặn, phòng ngừa hiện tượng một số cán bộ cấp huyện, thành phố, thị xã, cán bộ cấp xã, phường, thị trấn có biểu hiện quan liêu, xa dân, không nắm được tình hình cơ sở và đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Hằng quý, 6 tháng, hằng năm tiến hành đánh giá kết quả hoạt động của đoàn công tác và đưa vào tiêu chí thi đua, đánh giá phân loại cán bộ; lấy kết quả của cơ sở làm thước đo hiệu quả hoạt động của các đoàn công tác…

Từ năm 2008, Hà Tĩnh đã duy trì tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đội ngũ cán bộ theo phân cấp quản lý. Các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ… được lượng hóa khá chi tiết, cụ thể. Trên cơ sở kết quả lấy phiếu tín nhiệm và những kênh thông tin khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã đánh giá khá chính xác, khách quan đội ngũ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý. Với những cán bộ có tín nhiệm thấp có biện pháp chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời những hạn chế, khuyết điểm; đồng thời tiến hành điều động, bố trí, sắp xếp lại cán bộ phù hợp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

 

Các cấp ủy tiến hành rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015 và xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020, thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5-11-2012 của Ban Tổ chức Trung ương. Quy hoạch cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn từng bước được trẻ hóa, chuẩn hóa, có tính khả thi, gắn công tác quy hoạch với luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. 

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo mở 3 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở của 262 xã, phường, thị trấn với 766 học viên (gồm bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND). Qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ được cập nhật những vấn đề mới, khi về công tác tại cơ sở đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, các cấp ủy cũng tập trung chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm bỗi dưỡng chính trị mở nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ cấp uỷ cơ sở.

Thực hiện chủ trương đưa trí thức trẻ về công tác ở cơ sở, năm 2011 và 2012 đã tuyển dụng, thu hút 1.018 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại các xã, phường, thị trấn và được phân công, bố trí công việc phù hợp, bước đầu đã phát huy trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho cơ sở cả trước mắt và lâu dài.

Nhằm kiện toàn tổ chức ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo sáp nhập thôn, tổ dân phố, đã giảm 654 thôn, tổ dân phố; giảm 603 chi bộ thôn, xóm và giảm gần 5.000 cán bộ thôn, xóm (hiện nay toàn tỉnh còn 2.116 thôn, xóm, khối phố). Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là chủ trương đúng, được nhân dân đồng tình, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để phát huy nội lực của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng; giảm gánh nặng cho ngân sách, tạo điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố có chất lượng và kiện toàn các chi bộ trực thuộc, giảm chi bộ sinh hoạt ghép...

Từ những kết quả trong chỉ đạo xây dựng cơ sở ở Hà Tĩnh, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu là:

Nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở về vị trí, vai trò tầm quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện nghị quyết về xây dựng Đảng. Chú trọng vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của từng tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng sát cơ sở, gần dân. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có chương trình, kế hoạch gắn với kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên, đề cao vai trò trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân xây dựng Đảng.

Cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế cơ sở. Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

Thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, làm tốt các khâu từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, luân chuyển và bố trí cán bộ; lấy trình độ và năng lực thực tiễn làm thước đo hàng đầu để bố trí cán bộ; có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại các xã, phường, thị trấn. Đổi mới hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn sát thực tế, tập trung vào những nội dung thực tiễn đang đặt ra, nhất là xử lý các tình huống cụ thể. Những nơi có khó khăn về cán bộ chủ trì thì cấp trên cần điều động, luân chuyển cán bộ, kiên quyết thay thế những cán bộ yếu, kém, vi phạm khuyết điểm, tín nhiệm thấp… 

Đổi mới công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, theo hướng nắm chắc cơ sở, tránh gây phiền hà, xa dân. Tập trung giúp cơ sở giải quyết khó khăn, yếu kém, những vụ việc phức tạp nảy sinh, nhất là những địa bàn khó khăn, những nơi triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm. Xử lý dứt điểm các vụ việc tiêu cực, cán bộ sai phạm. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chính xác giữa các ngành, các cấp khi tiến hành giải quyết những vụ việc phức tạp ở cơ sở.

Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện làm việc, chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

Lê Mạnh Kiều


    Ý kiến bạn đọc