Bức tranh toàn diện về chuyển đổi số Việt Nam
Chiều ngày 19/10, Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến công bố báo cáo kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 và thúc đẩy cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4. Ảnh ictnews
Căn cứ trên Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số đã ban hành, lần đầu tiên Bộ TT&TT công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh trong năm 2020.
Kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về chuyển đổi số ở Việt Nam đồng thời theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ, tỉnh để có giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng cho rằng, trong năm đầu tiên, báo cáo DTI 2020 đã thành công trong việc vẽ ra bức tranh toàn diện của chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, báo cáo DTI 2020 được tổng hợp từ 4 nguồn thông tin dữ liệu, thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh theo 3 nhóm: các bộ cung cấp dịch vụ công, các bộ không cung cấp dịch vụ công và các tỉnh.
Kết quả, DTI 2020 cấp tỉnh trung bình là 0,3026; DTI 2020 của các bộ cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,3982 và DTI 2020 của các bộ không cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,2342. Kết quả này cho thấy chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2020 đang trong giai đoạn bắt đầu.
Trong năm 2020, việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế được thực hiện khá tốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số ngày càng thuận tiện. Đến nay, 12/63 tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số; 50/92 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình, kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.
Hà Tĩnh xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số
Xếp hạng DTI 2020 của các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo báo cáo DTI 2020, ở nhóm 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, với việc đạt giá trị DTI là 0,4944, Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu.
Ở cấp tỉnh, kết quả xếp hạng DTI 2020 cho thấy, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số năm 2020, với giá trị đạt được là 0,4874. Đây cũng là địa phương xếp hạng nhất ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Cũng theo kết quả xếp hạng DTI 2020, Hà Tĩnh xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020.
Ông Nguyễn Công Thành - Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh cho biết, để đạt kết quả này trong bối cảnh địa phương còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư và nhân lực công nghệ thông tin, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền điện tử từ năm 2011 với Đề án xây dựng chính phủ điện tử tại Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4123/QĐ-UBND ngày 23/12/2011. Theo đó, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách, văn bản nhằm cụ thể hóa, thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở TT&TT Hà Tĩnh ấn nút ra mắt Hệ thống điều hành và giám sát thông minh (ngày 7/9/2021).
Đến nay, công tác chỉ đạo điều hành và tác nghiệp của cơ quan Nhà nước đã được thực hiện trên môi trường mạng từ cấp tỉnh đến cấp xã với 100% văn bản gửi nhận trực tuyến giữa các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện; 99% giữa cơ quan cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện (trừ các văn bản mật) và kết nối đồng bộ văn bản điện tử với Chính phủ và các bộ, ngành.
Hiện tại, UBND tỉnh đã ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh phiên bản 2.0 tại Quyết định số 3282/QĐ-UBND ngày 29/9/2021; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã cho ý kiến để hoàn thiện, sớm ban hành Nghị quyết về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030…
Mô hình khu dân cư thông minh là một trong những nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số trong xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh đang được triển khai.
Kết quả đạt được của quá trình xây dựng chính quyền điện tử là nền tảng căn bản để tiếp tục phát triển chính quyền số, phát triển cơ sở dữ liệu số, ứng dụng các nền tảng công nghệ số để kết nối liên thông đồng bộ toàn tỉnh và liên thông với Chính phủ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thiết bị đầu cuối thông minh và cung cấp dịch vụ số.
Nguồn: Bá Tân/baohatinh.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)