Dân làm chủ, Dân là gốc - không chỉ là tuyên ngôn của Hiến pháp mà trong từng chương, điều cụ thể đều thấm nhuần tư tưởng này.
Theo Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý, giá trị lớn nhất, cốt lõi nhất của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội (QH) Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, ngày 28/11/2013 nằm ở hai chữ Nhân dân. Lần đầu tiên, trong văn bản chính trị – pháp lý cao nhất của đất nước, hai chữ Nhân dân được viết hoa và trở thành tư tưởng xuyên suốt trong việc thiết kế các điều khoản cụ thể của Hiến pháp. Nhân dân là chủ thể của Hiến pháp. Lấy Dân làm gốc. Tầm vóc của Hiến pháp, sức sống của Hiến pháp cũng chính từ hai chữ Nhân dân đó.
Dân làm chủ, Dân là gốc - không chỉ là tuyên ngôn của Hiến pháp mà trong từng chương, điều cụ thể đều thấm nhuần tư tưởng này.
- Hiến pháp, ngay khi được QH biểu quyết thông qua với tuyệt đại đa số phiếu tán thành đã được ghi nhận là bản Hiến pháp của ý Đảng, lòng Dân, là nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc để đưa đất nước ta, Nhân dân ta bước vào một giai đoạn phát triển mới. Là người trực tiếp tham gia vào quá trình sửa đổi Hiến pháp, từ khi nghiên cứu chủ trương sửa đổi đến khi Hiến pháp được thông qua, theo Chủ nhiệm, giá trị lớn nhất của bản Hiến pháp mới là gì?
- Ngay sau khi được QH thông qua, Hiến pháp đã nhận được sự đánh giá, đồng thuận rất cao của dư luận xã hội và Nhân dân cả nước. Thành quả này không phải của riêng cá nhân nào, không phải của riêng QH mà là của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Có thể nói rất nhiều điều về giá trị của Hiến pháp, song, cá nhân tôi cho rằng, giá trị lớn nhất, cốt lõi nhất của Hiến pháp nằm ở hai chữ Nhân dân.
Lần đầu tiên, trong văn bản chính trị - pháp lý cao nhất của đất nước, hai chữ Nhân dân được viết hoa, khẳng định mạnh mẽ quan điểm lấy Dân làm gốc, Nhân dân là chủ thể của Hiến pháp, chủ thể của quyền lực Nhà nước đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp trước đây và trở thành tư tưởng xuyên suốt trong việc thiết kế các điều khoản cụ thể của Hiến pháp, từ lời nói đầu, các quy định về quyền con người, quyền công dân, tổ chức bộ máy nhà nước đến các thiết chế kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục...
Hiến pháp khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện - Lấy Dân làm gốc. Nhân dân là chủ thể của Hiến pháp, là chủ thể của quyền lực Nhà nước. Tầm vóc của Hiến pháp, sức sống của Hiến pháp cũng chính từ hai chữ Nhân dân đó.
- Lấy Dân làm gốc. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt trong các bản Hiến pháp nước ta từ năm 1946 đến nay, thưa Chủ nhiệm?
- Là tư tưởng xuyên suốt trong các bản Hiến pháp nhưng lần này, tư tưởng lấy Nhân dân làm gốc, Nhân dân làm chủ quyền lực Nhà nước đã phát triển thêm một bước, được thể hiện đầy đủ hơn, toàn diện và sâu sắc hơn.
Trước hết, trên cơ sở tư tưởng xuyên suốt Nhân dân là chủ thể của Hiến pháp, chủ thể của quyền lực Nhà nước, Hiến pháp đã quy định rõ hơn quyền lực của Nhân dân, Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Từ trước đến nay, khi nói đến quyền làm chủ của Nhân dân, chúng ta chủ yếu nói đến dân chủ đại diện, người dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các cơ quan đại diện là QH, HĐND. Quyền dân chủ trực tiếp của người dân được thực hiện chủ yếu thông qua việc bỏ phiếu bầu ra ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, rồi sau đó, mọi công việc liên quan đến quyền làm chủ của dân cơ bản là được ủy nhiệm cho QH, HĐND thực hiện. Cũng đã có những ý kiến cho rằng, nói dân làm chủ nhưng thực ra, bầu xong ĐBQH, đại biểu HĐND là dân cũng hết quyền.
Ở đây, tôi không bàn đến tính đúng, sai của những ý kiến này nhưng thực tế cũng đã cho thấy, việc quy định quyền làm chủ của dân như trước đây là chưa thật đầy đủ. Vì thế, Hiến pháp sửa đổi đã khẳng định, Nhân dân thực hiện quyền làm chủ bằng cả hai hình thức trực tiếp và gián tiếp; khẳng định vai trò quan trọng của việc Nhân dân trực tiếp thực hiện quyền làm chủ của mình và nêu rõ các quyền trực tiếp đó là quyền bầu cử, quyền tham gia ý kiến, quyền được trưng cầu ý dân...
Những quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp cũng là những quy định điển hình được xây dựng trên cơ sở tư tưởng Nhân dân là chủ thể của Hiến pháp, chủ thể của quyền lực Nhà nước, Nhân dân là trung tâm của mọi chính sách, pháp luật. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp sửa đổi đã được xác định rất rõ và được đặt ở vị trí trang trọng. Hiến pháp trước đây cũng đã có một chương về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở vị trí Chương V. Lần này, Hiến pháp đã đặt Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên vị trí Chương II, ngay sau Chương về Chế độ chính trị. Điều quan trọng hơn nữa là nguyên tắc và nội hàm các quyền con người, quyền công dân đã có những đổi mới rất sâu sắc.
Ví dụ, về nguyên tắc, Hiến pháp tiếp tục khẳng định, ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật- nhưng bổ sung một nguyên tắc hết sức quan trọng là, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết. Như vậy, theo tinh thần của Hiến pháp, trừ luật do QH ban hành thì các văn bản pháp luật khác đều không được phép hạn chế quyền con người, quyền công dân; kể cả luật quy định thì cũng chỉ giới hạn trong một số trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng chứ không phải cứ bằng một đạo luật hoặc một văn bản dưới luật cũng có thể hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Ngay trong quy định về nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước cũng được thiết kế trên tinh thần phục vụ Nhân dân, Nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước. Cùng với nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp như các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp sửa đổi đã bổ sung một nguyên tắc hết sức quan trọng là kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.Đây là bước phát triển mới và cũng xuất phát từ quan điểm Dân là gốc, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau chặt chẽ hơn trong việc thực hiện các quyền được giao để bảo đảm hiệu quả phục vụ Nhân dân tốt nhất.
Có thể nói, lấy Nhân dân làm gốc, Nhân dân là chủ thể quyền lực Nhà nước không chỉ là tuyên ngôn của Hiến pháp mà trong từng chương, điều cụ thể đều thấm nhuần tư tưởng này. Ngay cả cách thức sửa đổi Hiến pháp cũng thể hiện rõ tư tưởng này. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được gửi đến từng hộ gia đình, từng cơ quan, tổ chức để các tầng lớp Nhân dân đều được trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến về từng điều, khoản cụ thể của dự thảo Hiến pháp.
Chỉ trong 3 tháng triển khai lấy ý kiến Nhân dân, đã có tới hơn 26 triệu lượt ý kiến của các tầng lớp Nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Có lẽ, hiếm có cuộc sinh hoạt chính trị – pháp lý nào được Nhân dân trong và ngoài nước tham gia một cách đông đảo, dân chủ, sâu rộng và thực chất như lần này. Với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của các tầng lớp Nhân dân, chúng ta đã có được một bản Hiến pháp phản ánh được ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số Nhân dân.
Làm luật này thì người dân được thuận lợi gì? - Hiến pháp làm thay đổi nhận thức, quan điểm và tư duy lập pháp
- Trở lại với công việc đang rất thời sự hiện nay là triển khai thi hành Hiến pháp. Như Chủ nhiệm phân tích, tầm vóc và sức sống của Hiến pháp nằm ở hai chữ Nhân dân. Vậy thì tầm vóc đó, sức sống đó sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong quá trình lập pháp, thưa Chủ nhiệm?
- Cụ thể hóa đầy đủ tư tưởng, tinh thần và những giá trị cốt lõi của Hiến pháp sửa đổi là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định việc đưa được Hiến pháp vào cuộc sống, để Hiến pháp thực sự trở thành nền tảng và động lực cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Tư tưởng Nhân dân là gốc, Nhân dân làm chủ đã được khẳng định trong Hiến pháp thì ngay cả nhận thức, quan điểm và tư duy lập pháp tới đây cũng sẽ phải đổi mới theo.
Vừa qua, chúng ta có tình trạng, dù đã chấn chỉnh nhiều nhưng vẫn còn, đó là, các cơ quan soạn thảo dự án luật, pháp lệnh có xu hướng dành phần thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước, cố gắng đưa ra những quy định để làm sao quản lý nhà nước được chặt chẽ hơn, dễ dàng hơn. Nhưng bây giờ, Hiến pháp là tối thượng. Tất cả các văn bản luật, dưới luật đều phải tuân thủ nghiêm ngặt lời văn và tinh thần của Hiến pháp. Mọi quy định của chính sách, pháp luật phải dành thuận lợi cho người dân chứ không phải là đẩy phần khó cho dân.
Thực tế, Hiến pháp có hiệu lực thi hành từ 1.1.2014 nhưng tư tưởng của Hiến pháp về Nhân dân đã và đang được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Nếu theo dõi các phiên họp gần đây của UBTVQH, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thì sẽ thấy, một vấn đề luôn được thành viên UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban đặt ra là: làm luật này thì người dân được thuận lợi gì? Có ảnh hưởng gì đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân không? Giảm được bao nhiêu thủ tục, phiền hà cho dân? Các thủ tục có hành dân không?...
Từng dự án luật cụ thể, từng quy định cụ thể đều được các cơ quan của QH, UBTVQH thẩm tra, xem xét, đánh giá theo yêu cầu của Hiến pháp. Tôi tin rằng, với cách làm như vậy, chắc chắn giá trị, tư tưởng của Hiến pháp sẽ được chuyển hóa đầy đủ và sâu sắc vào từng quy định của pháp luật để chúng ta có một hệ thống pháp luật thực sự vì dân, phục vụ dân. Và khi đó, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân không chỉ là tuyên ngôn nữa mà sẽ được hiện thực hóa bằng những chính sách, pháp luật, những việc làm cụ thể.
- Thưa Chủ nhiệm, hiện nay, một số ý kiến cũng đang phân vân, với những nội dung mang tính nguyên tắc, khái quát trong Hiến pháp thì tới đây, mức độ, liều lượng cụ thể hóa trong các luật sẽ như thế nào?
- Đây là vấn đề rất cơ bản và cũng rất khó nhưng lại là mấu chốt để đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Trước hết, cần khẳng định rằng, các quy định của Hiến pháp được áp dụng trực tiếp; tuy nhiên, cũng có những vấn đề cần được cụ thể hóa bằng luật. Để mỗi quy định của pháp luật đều thể hiện được tư tưởng, tinh thần của Hiến pháp thì phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động lập pháp.
Ví dụ, quy định về phát triển KT - XH. Hiến pháp khẳng định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn liền với việc giải quyết các vấn đề về công bằng xã hội, phát triển kinh tế có mối liên hệ mật thiết với văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường... Vậy thì quy định này phải được thể hiện trong từng luật, từng chủ trương, dự án cụ thể.
Hay Hiến pháp quy định quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bây giờ chúng ta đang sửa đổi Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân... thì việc phân công, phối hợp và kiểm soát đó phải được thể hiện cụ thể trong luật để nguyên tắc quyền lực Nhà nước nói trên được thực hiện thống nhất và hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ phải rõ ràng hơn, rành mạch hơn.
Ngay cả đối với QH, Chính phủ cũng vậy. QH cũng phải rà soát lại xem những việc gì thuộc chức năng, nhiệm vụ của QH với tư cách là cơ quan lập hiến, lập pháp, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước. Chính phủ là cơ quan hành pháp thì chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền như thế nào. QH giám sát, kiểm soát Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra sao và ngược lại. Từng vấn đề phải rất cụ thể chứ không thể nói nguyên tắc, nói khẩu hiệu. Ví dụ, trong Luật Tổ chức QH cần cụ thể hơn quy định Hiến pháp về quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển KT - XH của đất nước như thế nào trong mối quan hệ với quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quyết định chính sách để thực hiện thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội...
Đối với Tòa án, Viện kiểm sát cũng vậy. Chúng ta cũng phải xem lại trong từng quy định cụ thể có thể hiện được vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; đồng thời, Tòa án thực hiện kiểm soát đối với cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp như thế nào? Tổ chức Tòa án phải có những thay đổi rất rõ ràng thì mới đưa được những cái chúng ta không cân đong, đo đếm được thành những quy định cụ thể. Ví dụ bây giờ có một nguyên tắc: tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Hiến pháp quy định như vậy nhưng nguyên tắc ấy phải được thể hiện trong các quy định của pháp luật về tổ chức và pháp luật tố tụng hình sự, dân sự...
Ngay từ nhận thức rồi tổ chức từng phiên tòa, diễn biến của từng phiên tòa cho đến khi đưa ra một kết luận, một bản án. Nếu như trước đây, quan điểm phổ biến là án tại hồ sơ hay thậm chí, điều tra, truy tố như thế nào thì chuyển qua Tòa án phán quyết như thế. Nhưng bây giờ không phải như vậy. Phải tiến hành tranh tụng tại Tòa. Các bên liên quan phải tranh tụng và thẩm phán khi đưa ra phán quyết thì phải trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa đó chứ không thể chỉ dựa vào kết quả điều tra thế nào thì phán quyết như thế. Phải bảo đảm để phán quyết của Tòa án nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khách quan, công minh.
Đến đây, một vấn đề được đặt ra là mức độ, liều lượng cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp đến đâu là hợp lý? Trả lời câu hỏi này, cần lấy Hiến pháp làm cơ sở, Hiến pháp là tối thượng. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều phải tuân thủ triệt để Hiến pháp, không được trái với Hiến pháp. Tôi nghĩ, đã đến lúc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần quy định các tiêu chí cụ thể của một đạo luật, thế nào là hợp pháp, thế nào là hợp hiến, mức độ nào là hợp pháp, mức độ nào là hợp hiến.
Tất nhiên, cũng có cái khó vì không phải mọi thứ đều cân đo, đong đếm, định lượng được mà phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm của các nhà lập pháp, các đối tượng tham gia vào quy trình lập pháp. Cho nên, việc cụ thể hóa Hiến pháp là một quá trình, vừa rất cụ thể trong từng luật nhưng lại vừa phải bảo đảm tuân thủ đúng lời văn, đúng tinh thần, tư tưởng của Hiến pháp.
ĐBQH là trung tâm nhưng Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban phải vừa là đầu óc, vừa là chân tay, vừa là tai mắt, vừa là trái tim của QH.
- Như Chủ nhiệm phân tích, khâu quyết định đưa Hiến pháp vào cuộc sống là lập pháp. Nói là lập pháp nhưng quan trọng nhất có lẽ vẫn là ĐBQH, các cơ quan của QH…
- Để xây dựng, soạn thảo một dự luật thì có nhiều khâu, nhiều chủ thể khác nhau. Mỗi khâu, mỗi chủ thể lại có vai trò, trách nhiệm cụ thể. Nhưng trong toàn bộ quy trình lập pháp thì vai trò của ĐBQH, vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH là hết sức quan trọng. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban phải thực sự là những cơ quan tinh nhuệ của QH,vừa là đầu óc, vừa là chân tay, vừa là tai mắt, vừa là trái tim của QH, giúp QH, giúp ĐBQH thực hiện trọn vẹn thẩm quyền, trách nhiệm của mình. Tất nhiên, các cơ quan của QH không thể thay thế được ĐBQH, ĐBQH vẫn là trung tâm của QH nhưng các Ủy ban phải thực sự tinh nhuệ thì mới hỗ trợ được cho các ĐBQH.
Với ĐBQH Khóa XIII - những người trực tiếp tham gia thảo luận từ chủ trương sửa đổi Hiến pháp đến từng điều, khoản, từng từ cụ thể – họ thấm nhuần tư tưởng, tinh thần và nội hàm các quy định của Hiến pháp sửa đổi hơn ai hết nên sẽ thuận lợi khi chuyển hóa Hiến pháp vào các đạo luật. Ở đây còn có câu chuyện về trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh của đại biểu.
Trên cơ sở Hiến pháp quy định, chuyển hóa vào luật như thế nào? Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, ĐBQH phải đứng trên quan điểm vì dân, đại diện của Nhân dân. Khi xem xét, quyết định một điều luật cụ thể, ĐBQH phải tự hỏi mình đã vì lợi ích của dân chưa? Có bị ràng buộc bởi lợi ích nào đó khác với lợi ích chung của Nhân dân, lợi ích của đất nước hay không? Vượt qua những lợi ích nhóm, cục bộ, thậm chí là cá nhân không phải là điều nên hay cần mà phải là bắt buộc đối với mỗi ĐBQH. Có như vậy, luật mới trong sáng. Có như vậy luật mới vì dân.
- Còn về phía các cơ quan hoạch định chính sách, pháp luật, làm thế nào để chuyển tải được tư duy lập pháp trước hết là vì dân đến với các cơ quan này để ngay từ khâu soạn thảo đã tránh được tình trạng thuận cho mình và khó cho dân, thưa Chủ nhiệm?
- Khi xây dựng một dự án luật thì bao giờ cũng căn cứ vào hai yếu tố: quản lý nhà nước và người dân. Không thể nói chỉ cần quan tâm đến vấn đề khác mà xem nhẹ vai trò của quản lý Nhà nước, vì quản lý Nhà nước có hiệu quả thì mới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, mới phục vụ Nhân dân tốt. Tuy nhiên, cũng không thể lấy lý do bảo đảm quản lý Nhà nước mà thiết kế các điều luật theo hướng giành phần thuận lợi hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước và đẩy phần khó khăn, phiền hà cho dân. Phải tính cái thuận lợi cho dân trước, cái gì dễ làm phải quy định cho dân trước còn Nhà nước phải gánh phần khó, phần vất vả cho dân.
Như tôi đã nói, UBTVQH, các cơ quan của QH hiện đang làm rất chặt vấn đề này nên chắc chắn các cơ quan soạn thảo chính sách, pháp luật cũng sẽ phải thay đổi dần, vì nếu không thay đổi thì khi trình Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, trình UBTVQH và QH cũng sẽ không nhận được sự đồng thuận và không thông qua được. Nói một câu ngắn gọn là nếu pháp luật không vì dân thì pháp luật không đi vào cuộc sống, không có đất sống, pháp luật không thể tồn tại được.
Một vấn đề nữa QH cũng phải làm chặt hơn đó là việc giao cho chính phủ, các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn thi hành một số luật. Trước đây, luật của chúng ta còn tình trạng khung, ống nên văn bản hướng dẫn thi hành luật rất nhiều, động đến lĩnh vực đất đai chẳng hạn, đến chuyên gia pháp luật khi rơi vào đó còn không có đường ra vì quá nhiều văn bản chứ đừng nói đến người dân. Những năm gần đây, tình trạng này cải thiện khá nhiều, các điều luật phải có văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ít hơn, các văn bản được ban hành kịp thời hơn.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chỉ giao việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành trong một số trường hợp thật sự đặc biệt, ví dụ quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc một số vấn đề chưa thực sự ổn định. Tuy nhiên, tới đây cũng cần phải rà soát, xem lại để sửa cho cụ thể hơn chứ không chỉ giao chung chung như trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ, trường hợp chưa ổn định, nếu chưa ổn định thì đưa vào luật để làm gì? Bản thân luật của QH không quy định được thì làm sao mà văn bản dưới luật quy định được?
- Hiện nay, các cơ quan, tổ chức và toàn thể Nhân dân đang triển khai thi hành Hiến pháp. Chủ nhiệm có muốn nhắn gửi điều gì chăng?
- Ngay sau khi bản Hiến pháp được QH thông qua, chúng ta đã có một kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp rất bài bản từ Trung ương đến địa phương, các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức... Người dân cũng rất háo hức, mong chờ Hiến pháp vào cuộc sống. Tôi cũng đã được xem kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp của một số cơ quan, nhìn chung là tốt. Tuy nhiên, có một số cơ quan thì kế hoạch triển khai còn đơn giản như: rà soát nội dung văn bản, đề xuất văn bản nào trái hiến pháp, không phù hợp với hiến pháp thì bỏ, ban hành thêm cái này, cái kia... thường là giao cho Vụ Pháp chế thực hiện. Cách làm như thế đúng nhưng chưa đủ, chưa phải là trọng tâm của việc triển khai thi hành Hiến pháp. Vì phần lớn các điều khoản của Hiến pháp sửa đổi là áp dụng trực tiếp. Các điều khoản này phải thực hiện ngay, phải được biến thành hành động cụ thể, thành nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm việc của từng cán bộ công chức, viên chức, từng người dân.
Bây giờ hỏi một anh nhân viên phục vụ trên tàu thì công việc của anh có liên quan gì đến Hiến pháp không? Có thể sẽ có người nói không, Hiến pháp là cái gì đó cao siêu chứ liên quan gì đến tôi. Nhưng, xin thưa là có liên quan và liên quan trực tiếp đấy. Bản thân công việc của anh làm phải thể hiện được tư tưởng, tinh thần và yêu cầu vì dân của Hiến pháp, người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng và mục đích phục vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, của Nhà nước và của cả xã hội. Anh hạch sách, sách nhiễu người dân thì có đúng tinh thần của Hiến pháp không? - Chắc chắn là không, mà là trái Hiến pháp đấy. Dù chỉ làm một công việc hết sức cụ thể thì anh cũng phải phục vụ tốt nhất cho Nhân dân. Hiến pháp không chỉ nằm trên câu chữ, văn bản và việc thi hành Hiến pháp cũng không phải chỉ nằm ở luật, ở văn bản mà phải biến thành suy nghĩ, thành hành động cụ thể. Hiến pháp phải đi vào từng người dân, từng cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức, cá nhân thì Hiến pháp mới thực sự là nền tảng, là động lực cho sự phát triển được.
- Xin cám ơn Chủ nhiệm!./.
Theo Phạm Thúy/Người Đại biểu Nhân dân
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)