Đằng sau sự kiện được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia này, có dấu ấn của VNPT với vai trò đơn vị chủ trì công nghệ, đồng hành cùng Bộ Công An trong suốt chiến dịch “thần tốc” triển khai một dự án công nghệ chưa từng có tiền lệ, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
500 ngày thần tốc
Là một trong sáu hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng của quốc gia, việc triển khai xây dựng hệ thống (Cơ sở Dữ liệu quốc gia) CSDLQG về dân cư là bài toán khó với nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng, công nghệ kỹ thuật, an toàn bảo mật thông tin, trong đó có yêu cầu đảm bảo tiến độ trong khối lượng và quy mô công việc khổng lồ cần xử lý nhanh, chính xác. Vượt qua nhiều phương án của các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) khác, với bề dày kinh nghiệm đã triển khai thành công hàng loạt các dự án CNTT trọng yếu cho Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành trong nhiều năm qua, đầu năm 2020, Tập đoàn VNPT đã được Bộ Công an tin tưởng, lựa chọn là đơn vị chủ trì thiết kế và xây dựng hệ thống CSDLQG về dân cư.
Ngay khi nhận được nhiệm vụ, VNPT đã huy động tổng lực, quyết liệt cùng liên danh nhà thầu triển khai ngay các hạng mục công việc với tốc độ “thần tốc” để đảm bảo hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, từ khâu khảo sát, mua sắm thiết bị, thiết kế phần mềm, triển khai lắp đặt, đến khâu đào tạo, chạy thử.
Trong 131 ngày, VNPT đã hoàn thành triển khai toàn bộ khối lượng kênh truyền gồm 02 kênh kết nối DR, DC vùng ngoài, 31 kênh kết nối liên tỉnh, 729 kênh kết nối cấp huyện lên tỉnh, 10.527 kênh kết nối cấp xã lên tỉnh, 2 kênh internet; hoàn thành tích hợp thiết bị mạng (switch, router) tại 63 tỉnh, thành phố; triển khai cung cấp, lắp đặt thiết bị cho 11.394 đơn vị Công an tại 63 tỉnh, thành phố; 705 huyện và 10.611 xã trên toàn quốc.
Trong 8 tuần, VNPT đã huy động gần 800 giảng viên nội bộ để tiến hành 550 lớp đào tạo về nghiệp vụ quản trị, sử dụng và vận hành Hệ thống CSDLQG về dân cư tại 63 tỉnh, thành phố dành, cho hơn 23,6 nghìn học viên là các cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội từ Trung ương đến địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan khu trải nghiệm các công nghệ định danh, xác thực điện tử IDP của VNPT
Trong 209 ngày, VNPT đã hoàn thành triển khai trung tâm dữ liệu chính tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với các hạng mục cốt lõi gồm lắp đặt thiết bị phần cứng; cài đặt các hạng mục phần mềm; tích hợp toàn bộ hệ thống vận hành thử nghiệm….
Trước yêu cầu về khối lượng công việc khổng lồ mà theo các chuyên gia, đây là khối lượng công việc bình thường phải mất cả năm trời mới có thể hoàn thành được đã được VNPT đã huy động một lực lượng cán bộ, kỹ sư CNTT tinh nhuệ của mình tại 63 tỉnh, thành hoàn thành trong thời gian ngắn, với môi trường làm việc nghiêm ngặt do tính chất bảo mật của dự án. Nhưng với quyết tâm “bám sát trận địa”, các thành viên tham gia dự án của VNPT đã làm việc xuyên ngày đêm để hoàn thành công việc đúng tiến độ, chất lượng và phạm vi dự án.
Vượt lên tất cả, VNPT làm chủ các công nghệ nền tảng mới nhất, tiên tiến nhất từ các hãng công nghệ lớn, áp dụng vào việc phát triển hệ thống phần mềm ứng dụng nội bộ đảm bảo hệ thống được xây dựng tuân thủ và đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất của ngành công nghiệp phần mềm quốc gia và quốc tế.
Không phụ sự tin tưởng của Chính phủ và Bộ Công an, sau 5 tháng không ngừng nỗ lực, tháng 3-2021, hệ thống CSDLQG về dân cư – 1 trong 6 hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng, quan trọng nhất để xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam - đã chính thức được khai trương. Từ 1-7-2021, hệ thống CSDLQG về dân cư chính thức được vận hành, đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác điều hành và phát triển đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết xây dựng, triển khai dự án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân và Lễ công bố vận hành chính thức hệ thống từ ngày 1-7-2021 vừa diễn ra ngày 22-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, hai CSDLQG về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân (CSDL CCCD) đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Khi đi vào vận hành, với dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, hệ thống CSDLQG về dân cư sẽ giúp các Bộ, Ngành, tổ chức chính trị xã hội có dữ liệu gốc làm nền móng để triển khai những ứng dụng chuyên ngành thiết thực và phát triển những dữ liệu quan trọng khác trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. “ Hệ thống CSDLQG về dân cư là nền tảng quan trọng, là điều kiện tối cần thiết để hình thành định danh số cho mỗi công dân Việt Nam trên môi trường số, giúp kích thích, vận dụng được năng lực số không bị giới hạn về thời gian và địa giới hành chính trong các giao dịch giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp và giữa người dân, doanh nghiệp với nhau. Đó cũng chính là động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số ”, quyền Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm nhấn mạnh.
Khẳng định tinh thần, trí tuệ VNPT
Là đơn vị chủ trì thiết kế và xây dựng Hệ thống, nhiệm vụ của VNPT là triển khai toàn bộ phần mềm liên quan đến dự án, một phần trung tâm dữ liệu chính, toàn bộ đường truyền và các thiết bị ở địa phương. VNPT đã phát triển 11/13 phần mềm cho hệ thống CSDLQG về dân cư, gồm: Phần mềm quản trị ứng dụng; Cấp số định danh cá nhân; Quản lý cư trú; Quản lý Tàng thư Hồ sơ cư trú; Quản lý Biến động về dân cư; Báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư; Tổng hợp và khai thác dữ liệu, tra cứu và chia sẻ thông tin dân cư; Cung cấp dịch vụ dân cư; Cổng thông tin dân cư; Thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư và xử lý vi phạm; Giám sát và chỉ đạo điều hành tập trung trên nền tảng dữ liệu dân cư.
Kiểm tra thiết bị trước khi lắp đặt vào hệ thống.
Xây dựng hệ thống CSDLQG về dân cư là bài toán vô cùng phức tạp không chỉ bởi quy mô, thời gian gấp rút mà còn bởi những yêu cầu khắt khe mà Bộ Công an đặt ra về các hạng mục công việc, đặc biệt là bảo đảm an toàn, an ninh bảo mật cấp độ 4 và làm chủ công nghệ. Để triển khai thành công dự án, Tập đoàn VNPT đã rất quyết liệt trong chỉ đạo và quyết tâm trong hành động. Toàn bộ nguồn lực của VNPT đã được huy động để hoàn thành kết nối tới tận vùng sâu, vùng xa với 11.000 xã, 700 huyện.
Nói về hành trình lịch sử này, quyền Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm chia sẻ: Chỉ trong một thời gian ngắn, cả hệ thống VNPT đã thể hiện được năng lực của mình đối với một dự án quan trọng bậc nhất. Đến giờ phút này, có thể đánh giá đây là một trong những dự án chuyển đổi số thành công nhất của quốc gia. VNPT đã huy động những nguồn lực trí tuệ tốt nhất để tạo ra được những giải pháp tốt nhất với bài toán quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Từ các giải pháp về phần mềm, các giải pháp về nghiệp vụ, đến những giải pháp mang tính chất hạ tầng… đã có sự vào cuộc của toàn bộ đội ngũ trí tuệ và tâm huyết nhất.
Thành quả này là kết quả những nỗ lực không mệt mỏi của toàn bộ hệ thống VNPT khi cung cấp một giải pháp trọn gói mang hình hài của một dự án chuyển đổi số tổng thể từ hạ tầng, từ nền tảng cho đến ứng dụng. Qua đó, VNPT đang kiến tạo nên những cơ hội với vị thế tiên phong trong hành trình chuyển đổi số quốc gia.
Nguồn: Phong Quỳnh/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)