Hiến pháp (sửa đổi) là nền tảng pháp lý - chính trị quan trọng cho đất nước trong thời kỳ phát triển mới.
EmailPrintAa
08:43 15/01/2014

Ngày 1/1/2014, Hiến pháp (sửa đổi) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức có hiệu lực pháp luật. Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị - pháp lý, đánh dấu khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Nhân dịp này, đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã dành cho Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam một cuộc phỏng vấn về một số nội dung quan trọng của Hiến pháp.

Phóng viên (PV): Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, cho đến nay nước ta đã có 5 bản Hiến pháp. Hiến pháp mới được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 sẽ là cơ sở, nền tảng pháp lý – chính trị quan trọng cho đất nước trong thời kỳ phát triển mới. Xin đồng chí đánh giá về vai trò, tầm quan trọng của bản Hiến pháp này?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Ngày 28 tháng 11 năm 2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (486/488, chiếm 97,59%), Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Hiến pháp - PV). Đây là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta.

Bản Hiến pháp vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), phản ánh được ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tạo nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Với bố cục 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc và toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn chủ quyền của nhân dân, bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định rõ ràng, đúng đắn, đầy đủ và khái quát hơn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp. Bản Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Để Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì việc tôn trọng, nghiêm chỉnh thi hành và bảo vệ Hiến pháp là trách nhiệm và nghĩa vụ thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

PVThưa Phó Chủ tịch Quốc hội, Điều 2 của Hiến pháp đã nêu rõ “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ”. Xin đồng chí đánh giá cụ thể hơn về bản chất của Nhà nước ta được ghi trong Hiến pháp?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Hiến pháp tiếp tục thể hiện xuyên suốt, nhất quán quan điểm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” nhưng bổ sung một điểm mới quan trọng đó là: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ (Điều 2). Như vậy, Hiến pháp đã khẳng định Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

Kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân nhưng bổ sung và phát triển nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2) theo tinh thần của Cương lĩnh. Đây là điểm mới quan trọng của Hiến pháp so với các bản Hiến pháp trước đây vì lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, nguyên tắc “kiểm soát quyền lực” được ghi nhận trong Hiến pháp. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực. Nguyên tắc này đã được thể hiện trong các Chương V, VI, VII, VIII và IX của Hiến pháp và tạo cơ sở hiến định cho việc tiếp tục thể chế hóa trong các quy định của các luật có liên quan.

Hiến pháp quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6) mà không chỉ thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như Hiến pháp năm 1992. Nguyên tắc này được thể hiện nhất quán trong toàn bộ Hiến pháp, từ Lời nói đầu đến chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các thiết chế trong bộ máy nhà nước cũng như trong việc sửa đổi Hiến pháp.

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp này thể hiện rõ hơn quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân nhất là quyền bầu cử, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân, quyền bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân của cử tri nếu như đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân (Điều 7); quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29 và Điều 120). Đồng thời, Hiến pháp quy định trách nhiệm “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân” (Điều 8).

PVĐiều 4 trong Hiến pháp lần này không chỉ một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn có điểm mới là mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân, Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Xin đồng chí đánh giá thêm về nội dung này?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Đúng như vậy, tiếp tục kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp tiếp tục khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp có sự bổ sung và phát triển quan trọng vì đã khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên Nhân dân ta thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước. Đồng thời, Hiến pháp bổ sung vào Điều 4 một điểm mới rất quan trọng, đó là Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Đây là điều mà Đảng ta ngay từ khi mới thành lập, trong suốt quá trình cách mạng, lãnh đạo đất nước Đảng ta luôn thực hiện. Đó là quy luật tồn tại, sức sống và sự phát triển tất yếu của Đảng ta. Bên cạnh đó, Hiến pháp không chỉ khẳng định các tổ chức của Đảng mà còn quy định trách nhiệm của đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đó là nguyên tắc thượng tôn pháp luật của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.

PVXin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!


    Ý kiến bạn đọc