Hiến pháp sửa đổi mang tầm vóc dân tộc
EmailPrintAa
07:49 03/04/2013

Trong chiều dài lịch sử dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân viết nên trang sử vàng. Còn nhớ, năm 1930 khi Đảng mới thành lập đã trực tiếp lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, mới 15 tuổi đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân. Đảng tiếp tục lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ, thực hiện thống nhất đất nước, mang lại cuộc sống mới cho nhân dân. Trong công cuộc đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước ta từng bước thoát khỏi khủng hoảng, phát triển kinh tế–xã hội, nâng dần mức sống người dân. Hiện nay, chúng ta ngày càng hội nhập thế giới, vị thế đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Nhìn lại lịch sử đất nước, Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, vai trò lãnh đạo của Đảng là không thể phủ nhận.

Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khai sinh Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ cộng hòa. Quyền lực nhà nước được Hiến pháp quy định. Quốc hội giữ quyền lập pháp, Chính phủ giữ quyền hành pháp, Tòa án giữ quyền tư pháp. Ba quyền này được phân công, có sự lãnh đạo của Đảng. Trong thực tế, quyền tư pháp trong thời gian qua trong nhiều trường hợp chưa được thực hiện có hiệu quả. Do chưa đổi mới phương thức lãnh đạo, không ít vụ án, cấp uỷ còn “lấn sân”, chỉ đạo sâu. Do vậy, trong Hiến pháp nên xác định quyền tư pháp độc lập, cụ thể hơn. “Luật pháp bất vi thân” tuy đã được quy định tại điều 17 (sửa đổi bổ sung điều 52): “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội”. Nhưng đó là những quy định chung, chưa ngăn chặn được việc chạy tội, chạy án, vì tình thân, nể nang, vì quyền lực, vì hối lộ... mà bao che, giảm tội cho người phạm pháp. Dù điều 108 quy định “…xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử…” nhưng chưa có quy định nào ngăn chặn được những tiêu cực nói trên. Theo tôi, cần sửa lại là: “Nếu vi phạm pháp luật, thì bất kỳ ai, dù ở cương vị nào cũng phải được xét xử đúng luật pháp. Nghiêm cấm việc chạy án, chạy tội, can thiệp của người khác vào việc xét xử của tòa án”. 

Ở nước ta, các hiến pháp từ năm 1992 trở về trước là các hiến pháp trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh (Hiến pháp năm 1946 – năm 1959), trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH (1980), Hiến pháp năm 1992 là sự mở đầu cho công cuộc đổi mới của đất nước. Do đó Hiến pháp quy định việc lập hiến và bầu cử chỉ sử dụng hình thức dân chủ thông qua đại diện, mà chưa sử dụng dân chủ trực tiếp để bầu cử người lãnh đạo mình trong cơ quan hành pháp. Vì vậy, tôi đề nghị thêm ý 2 vào Điều 28 (sửa đổi bổ sung điều 54) như sau: “Công dân có quyền sử dụng hình thức dân chủ trực tiếp hoặc dân chủ thông qua đại diện trong công tác bầu cử. Việc bầu cử người đứng đầu cơ quan hành pháp các cấp phải được bầu cử trực tiếp”. Đồng thời bỏ ý 1 của điều 103 (sửa đổi bổ sung của điều 114): “ Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số đại biểu quốc hội…”. Nghĩa là cấp uỷ các cấp và mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể hiệp thương giới thiệu ít nhất 2 người tranh cử. Cử tri cả nước bầu trực tiếp Thủ tướng. Cử tri trong các đơn vị hành chính bầu cử trực tiếp người đứng đầu cơ quan hành pháp của đơn vị hành chính đó. Việc bầu cử trực tiếp người đứng đầu cơ quan hành pháp bảo đảm dân chủ thực sự cho công dân.

Việc bỏ điều 19 của Hiến pháp 1992 “...Thành phần kinh tế quốc doanh, nhất là các ngành và lĩnh vực then chốt giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế” được đông đảo quần chúng nhân dân rất hoan nghênh. Điều 54 (sửa đổi bổ sung các điều 15, 16, 19, 20,21, 25): “ Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” thể hiện quan điểm tư duy đổi mới về kinh tế của Đảng phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Có một Hiến pháp của dân, do dân và vì dân, hợp lòng dân là việc làm hết sức quan trọng. Hiến pháp mới được sử đổi, bổ sung phải phù hợp với xu thế hội nhập, đồng thời phải mang được tầm vóc của một đất nước anh dũng, quật cường có hàng ngàn năm lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước. Một đất nước yêu hoà bình, luôn mở rộng vòng tay, sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trên toàn thế giới.


    Ý kiến bạn đọc