Trong những năm qua, cùng với việc bổ sung, hoàn thiện quan điểm và thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, bao quát tương đối đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm sự cân đối, đồng bộ giữa các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, quyền con người, quyền công dân phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng định hướng cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước đã khẳng định các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; xác định các nguyên tắc cơ bản để đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước; bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước; giao cho Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, các cấp chính quyền địa phương đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quản lý đất nước. Pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước ngày càng được đổi mới, hoàn thiện hơn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Quốc hội đã ban hành hơn 120 đạo luật để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, trong đó có khoảng 20 đạo luật quy định cụ thể về tổ chức bộ máy nhà nước(1). Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành đã ban hành hơn 200 văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp cũng chú trọng công tác ban hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương.
Hệ thống những văn bản nêu trên đã góp phần kiện toàn tổ chức bộ máy, làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các cơ quan nhà nước, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội ngày càng được củng cố, kiện toàn, hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của Quốc hội đi vào thực chất hơn; chất lượng hoạt động được nâng lên rõ rệt. Chính phủ tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, hợp lý hơn theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Chính quyền địa phương bước đầu có sự phân biệt về tổ chức bộ máy và xác định nhiệm vụ, quyền hạn một cách hợp lý, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.
Mặc dù pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước ngày càng được củng cố và hoàn chỉnh hơn nhưng cũng còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế. Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã chỉ ra rằng, pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước vẫn chưa thật đồng bộ và hoàn thiện, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Một số văn bản pháp luật không thuộc chuyên ngành về tổ chức bộ máy nhưng vẫn có quy định làm phát sinh tổ chức bộ máy mới hoặc dẫn đến tăng biên chế(2). Điều này dẫn đến tổ chức bộ máy trong cả hệ thống chính trị nói chung và tổ chức bộ máy nhà nước nói riêng vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối(3); tổng biên chế và số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước vẫn ngày một tăng(4), nhất là ở khối sự nghiệp(5) và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố(6); số người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có xu hướng tăng thêm(7),...
Một số chủ trương, chính sách của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy nhà nước chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể và kịp thời. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lặp. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp còn thiếu nhất quán, hiệu quả chưa cao; việc thực hiện công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định nguyên tắc về phân quyền, phân cấp và ủy quyền, nhưng hiện nay nhiều luật chuyên ngành vẫn chưa thể hiện rõ chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nên việc thực hiện chưa mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ, một số lĩnh vực thậm chí còn có xu hướng tập trung nhiều quyền hơn cho các cơ quan ở Trung ương(8). Pháp luật chưa phân định thật rõ tính đặc thù của chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo; các đơn vị hành chính địa phương nhìn chung quy mô nhỏ, nhiều đơn vị không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, nhất là cấp huyện, cấp xã. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp, pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa vẫn còn bất cập, hạn chế...
Bên cạnh đó, tình trạng cục bộ, vì lợi ích ngành trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy của các cơ quan vẫn còn tồn tại; không ít người đứng đầu và cán bộ làm công tác tham mưu về xây dựng pháp luật ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thấu suốt tinh thần cải cách, thiếu kiên quyết, mạnh dạn trong tham mưu nên có văn bản chưa phù hợp với thực tế, chậm được sửa đổi, bổ sung; trách nhiệm ban hành văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước được giao cho nhiều cơ quan nhưng công tác phối hợp, rà soát, kiểm tra và vai trò tham mưu của cơ quan đầu mối về tổ chức bộ máy nhà nước chưa được phát huy. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế trong việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã nêu các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu thực hiện đến năm 2030. Theo đó, để tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, nhiệm vụ quan trọng, có tính quyết định là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế. Trong đó, phải tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất , các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, trên tinh thần học tập, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, cần khẩn trương hoàn thành việc ban hành chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện Nghị quyết, trong đó xác định rõ mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Với tinh thần khẩn trương đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, ngay sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII được ban hành, Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, thông qua Nghị quyết số 56/2017/QH14, ngày 24-11-2017, “Về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và ban hành Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14, ngày 18-01-2018, về triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Thứ hai , trên tinh thần quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, trong năm 2018 và 2019 các cơ quan, tổ chức phải hoàn thành việc rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức làm việc của các cơ quan trong bộ máy nhà nước để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trước mắt, cần tập trung rà soát Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Công an nhân dân, Luật Công đoàn(9)... để báo cáo kết quả rà soát và đề xuất chương trình sửa đổi, bổ sung với Quốc hội.
Việc rà soát văn bản phải được tiến hành khẩn trương, nhưng cũng phải cẩn trọng và cầu thị để phát hiện đúng, trúng những bất cập, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung. Đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rõ về phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung, bảo đảm yêu cầu về hồ sơ, thủ tục thì báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đối với các nội dung cần được tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, phải xác định rõ lộ trình sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật tương ứng hoặc đề xuất phương án thực hiện thí điểm để có cơ sở sửa đổi, hoàn thiện pháp luật.
Thứ ba , trên cơ sở kết quả rà soát, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước trên tinh thần Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Quá trình sửa đổi, bổ sung không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước; trường hợp cần thiết thì phải có quy trình thẩm định, thẩm tra, đánh giá tác động chặt chẽ để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội gắn với việc thực hiện yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, trong đó tập trung vào các nội dung, như nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cả hai trụ cột của Quốc hội là Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Theo đó, cần giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp; quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; thực hiện hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng hội đồng nhân dân và văn phòng ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung.
Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ nhằm đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động. Chính phủ, các bộ, ngành tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách. Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối; rà soát, chuyển một số nhiệm vụ mà các bộ, ngành, cơ quan nhà nước không cần thiết phải thực hiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận. Kết hợp nghiên cứu, sửa đổi luật với việc chuẩn bị đề án về tổ chức bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và giữa chính quyền cấp trên với chính quyền cấp dưới; giao quyền chủ động cho cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Trong năm 2018, phải hoàn thành việc ban hành các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; các văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.
Khẩn trương ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, rà soát, bổ sung, hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; quy định rõ cơ chế phân cấp, ủy quyền và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương; quy định khung số lượng các cơ quan trực thuộc hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này làm cơ sở cho địa phương rà soát, sắp xếp, tổ chức thực hiện theo hướng tinh gọn đầu mối; rà soát tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố nhằm giảm đầu mối, giảm số người hoạt động không chuyên trách, tăng cường hiệu quả hoạt động. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân các cấp theo thẩm quyền xét xử và phù hợp với thực tiễn, vì việc tổ chức tòa án nhân dân cấp sơ thẩm chủ yếu theo đơn vị hành chính cấp huyện như hiện nay dẫn đến bố trí cơ sở vật chất dàn trải, bộ máy cồng kềnh, biên chế tăng. Sắp xếp tổ chức bộ máy của viện kiểm sát nhân dân các cấp phù hợp với hệ thống tổ chức của tòa án và tăng cường trách nhiệm thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra. Tiếp tục nghiên cứu, từng bước sắp xếp, thu gọn đầu mối cơ quan điều tra, đáp ứng yêu cầu công tác điều tra hình sự, phòng, chống tội phạm và phù hợp với tổ chức, hoạt động của viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân theo tinh thần cải cách tư pháp.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của Kiểm toán nhà nước; phân định rõ nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước, tránh sự trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn với một số cơ quan, tổ chức khác, như Thanh tra Chính phủ, ủy ban kiểm tra của cấp ủy, thanh tra chuyên ngành của các bộ, nhất là trong thanh tra, kiểm tra tài chính, tài sản công,... Do đó, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước để phân định rõ phạm vi, đối tượng, lĩnh vực hoạt động của Kiểm toán nhà nước, bảo đảm không chồng chéo với nhiệm vụ của các cơ quan khác khi thực hiện nhiệm vụ.
Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành để hình thành các tiêu chí xác định biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi, tính chất công việc, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức và trên cơ sở xác định vị trí việc làm một cách khoa học, sát thực tế; tránh việc áp đặt bình quân giữa các bộ, ngành, địa phương. Hoàn thiện quy định về số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa trong các cơ quan hành chính nhà nước; văn bản về tiêu chí để xác định biên chế công chức, số lượng người làm việc, cơ cấu công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; tiêu chí đánh giá kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở xác định đối tượng tinh giản biên chế.
Thứ tư , các cấp ủy, các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, phải chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở ngay trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Đây thực chất là quá trình các cơ quan, tổ chức “cơ cấu lại” tổ chức bộ máy, tự sắp xếp, tinh gọn chính mình một cách chủ động, sáng tạo và trách nhiệm, căn cứ vào các tiêu chí, quy định của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả hệ thống chính trị.
Các bộ, cơ quan ngang bộ phải có kế hoạch, chủ động sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong để giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó và người giữ “hàm” lãnh đạo, quản lý; sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc hoặc đã phân cấp cho địa phương quản lý. Không chuyển các vụ thành cục, tổng cục, không thành lập mới phòng trong vụ tham mưu thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, trường hợp đặc biệt phải đáp ứng tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới cũng phải có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; các cơ quan, đơn vị cùng cấp ở các địa phương khác nhau không nhất thiết phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau. Các quyết định thành lập tổ chức, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức không đúng tiêu chí, tiêu chuẩn phải bị thu hồi, hủy bỏ.
Trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đối với những việc mới, chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; đối với những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để kiến nghị chủ trương, giải pháp phù hợp. Quá trình thực hiện phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi việc tự sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế là một tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thứ năm , cùng với việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, cần tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho công tác cải cách tổ chức bộ máy nhà nước. Đồng thời, cần thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Ý thức được trọng trách lớn lao, đến nay hầu hết các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị đều đã bắt đầu khởi động, thể hiện rõ quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Trung ương. Nhiều cơ quan, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương ngay từ quá trình xây dựng, thảo luận các đề án của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã có những chuyển biến bước đầu rất tích cực và đáng khích lệ thông qua việc chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức để phù hợp với chủ trương cải cách. Từ thực tế đó và với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng vào sự thắng lợi của việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và những kết quả mà quá trình thực hiện này sẽ mang lại.
Nguồn: Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/xaydungdang.org.vn
--------------------------------------------
(1) Đó là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Trưng cầu ý dân,...
(2) Ví dụ, việc thành lập các tổ chức pháp chế, thống kê, thi đua - khen thưởng, hỗ trợ phát triển nông thôn mới, thành lập các chi cục trong các sở,..
(3) Đến tháng 6-2017, cả nước có 42 tổng cục, tăng 100% so với nhiệm kỳ Chính phủ khóa XI; 826 cục, vụ thuộc tổng cục, tăng 4,7% so với năm 2011; phòng trong tổng cục là 7.280, tăng 4,7% so với năm 2011; vụ, cục và tương đương trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 750, tăng 13,6% so với năm 2011; phòng thuộc vụ, cục và tương đương là 3.970, tăng 13% so với năm 2011; 10.226 phòng và tương đương trực thuộc sở, ngành, tăng 1,1% so với năm 2011.
(4) Tính đến ngày 1-3-2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước là 3.958.251 người.
(5) Tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập là 2.294.251 người.
(6) Số người hưởng lương và phụ cấp ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là 1.266.503 người, chiếm 32,7%.
(7) Theo thống kê của Ban Tổ chức Trung ương, cả nước có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ thứ trưởng xuống đến phó trưởng phòng cấp huyện trong tổng số 375.442 cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên (chiếm 21,7%).
(8) Ví dụ, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng bao gồm cả Bộ Xây dựng, trong khi Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 chỉ quy định thẩm quyền này cho ủy ban nhân dân các cấp; Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 không phân quyền thẩm định vốn đầu tư các dự án nhóm A cho địa phương mà tập trung thẩm quyền về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
(9) Theo Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14, ngày 18-01-2018, về triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII .
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)